Gần 11 triệu tấn rác thải nhựa “nằm im” dưới đáy đại dương
Theo nghiên cứu do Đại học Toronto (Canada) và Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp khối thịnh vượng chung Australia (CSIRO) công bố, hiện có khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm đang nằm dưới đáy đại dương.
Đáy biển chứa lượng rác thải nhựa khổng lồ
Nhóm các nhà nghiên cứu từ CSIRO và Đại học Toronto đã sử dụng hai mô hình dự đoán để ước tính số lượng và sự phân bố của rác thải nhựa dưới đáy biển. Nhà khoa học cấp cao Denise Hardesty tại CSIRO, người đã đóng góp cho nghiên cứu này, cho biết đây là ước tính đầu tiên trên thế giới về lượng rác thải nhựa dưới đáy đại dương và nơi nó tích tụ.
Theo bà Hardesty, mỗi năm lại có hàng triệu tấn rác thải nhựa được thải ra biển. Tuy nhiên, số lượng rác thải này nằm sâu dưới đáy đại dương vẫn còn là "ẩn số". Do đó, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đáy đại dương đã trở thành "nơi lưu cữu" hầu hết rác thải nhựa với số lượng ước tính từ 3 - 11 triệu tấn.
Ước tính trên được đưa ra dựa trên dữ liệu từ các robot điều khiển từ xa (ROVs) và sử dụng những tấm lưới nặng được kéo dọc theo đáy đại dương. Theo dữ liệu từ ROV, khối lượng rác thải nhựa dưới đáy biển tập trung xung quanh các lục địa, với 46% trong tổng số lượng rác này nằm ở độ sâu hơn 200m và 54% còn lại nằm ở độ sâu từ 200 đến 11.000 m.
Alice Zhu, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết ước tính ô nhiễm nhựa dưới đáy đại dương có thể gấp 100 lần lượng nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương dựa trên những ước tính gần đây. Bề mặt đại dương là nơi chứa nhựa tạm thời, nên ta có thể hy vọng rằng nếu chúng ta có thể ngăn chặn nhựa xâm nhập vào đại dương thì số lượng sẽ giảm đi
Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cũng chia sẻ hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần, và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Ước tính khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa đang đọng lại ở sông, hồ và biển.
Mối lo của nền kinh tế
Theo Liên Hợp Quốc, nhựa có thể mất từ hàng thập kỷ đến hàng triệu năm để phân hủy, chiếm 85% tổng lượng rác thải ra biển. Một nghiên cứu năm 2022 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) ước tính có khoảng 30 triệu tấn nhựa ở biển và đại dương và 109 triệu tấn khác ở các con sông.
Ô nhiễm nhựa có thể gây ngộ độc, rối loạn hành vi, khiến sinh vật biển chết đói, ngạt thở và còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua việc ăn phải hải sản hoặc thậm chí là muối biển thông thường.
Năm 2021, Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã xác nhận rằng những thiệt hại do nhựa gây ra đối với xã hội, môi trường và kinh tế cao "gấp mười lần" so với chi phí sản xuất ra nhựa. WWF dự đoán: "Nếu cộng đồng quốc tế không nỗ lực hạn chế sản xuất, cái giá phải trả cho ô nhiễm nhựa sẽ sớm lên tới 7.100 tỷ USD/năm, tương đương với 6.520 tỷ euro, lớn hơn cả GDP của Đức, Australia và Canada cộng lại".
Cảnh báo về hệ quả của việc sử dụng tràn lan sản phẩm nhựa và sự bế tắc trong việc tái chế nhựa, nhật báo Le Monde nhận định dường như không có gì có thể làm chậm sự tăng trưởng của thị trường vật liệu nhựa, dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2060.
Thêm vào đó, việc tái chế cũng đang gặp khó khăn và không có sản phẩm thay thế nào đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của thị trường. Tình trạng này đang làm dấy lên lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài trong tương lai.
Kim Ngân