Thứ bảy, 20/04/2024 16:36 (GMT+7)
Chủ nhật, 08/08/2021 07:14 (GMT+7)

Fitch Ratings: 'Việt Nam tăng trưởng hơn 7% cho năm sau và sau nữa'

Theo dõi KTMT trên

Sự quyết tâm, đồng lòng của nhân dân cả nước, đóng góp cho bức tranh kinh tế của Việt Nam có những khởi sắc, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.

 Kinh tế duy trì mức ổn định

Việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 ở một số địa phương tuy có ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án, nhưng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách vẫn tăng 5,6%. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy giảm về số dự án, nhưng vẫn tăng 7% vốn đăng ký và tăng 3,8% về vốn thực hiện.

Fitch Ratings: 'Việt Nam tăng trưởng hơn 7% cho năm sau và sau nữa' - Ảnh 1
Khu công nghiệp được đầu tư bởi nguồn FDI tăng mạnh.(Ảnh minh họa)

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng qua ước đạt trên 185,3 tỉ USD, tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm trước.

Có được các điểm sáng trên là nhờ các ngành kinh tế trụ cột vẫn tăng trưởng dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 7 vẫn tăng 1,8% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng chỉ số này tăng tới 7,9%.

Đặc biệt, 12 trong số 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 vẫn có mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Đây được coi là nỗ lực lớn trong bối cảnh biến thể Delta của dịch COVID-19 tấn công vào các trung tâm sản xuất công nghiệp lớn trên cả nước.

Bên cạnh việc duy trì được các ngành kinh tế trụ cột, kinh tế vĩ mô cũng giữ được sự ổn định. Đáng chú ý, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu ngày càng tăng cao, giá cả nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất liên tục tăng trong thời gian vừa qua, nhưng CPI 7 tháng chỉ tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020 và là mức thấp nhất trong 6 năm qua. 

Đây được xem là lợi thế và tạo dư địa cho Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát cả năm nay ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đã đề ra.

Đảm bảo thu ngân sách 7 tháng đạt gần 68% dự toán

Tuy chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước lũy kế 7 tháng đầu năm tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt 763,805 nghìn tỉ đồng, bằng 68,4% so với dự toán pháp lệnh, bằng 113,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Fitch Ratings: 'Việt Nam tăng trưởng hơn 7% cho năm sau và sau nữa' - Ảnh 2
Tổng thu ngân sách 7 tháng đạt gần 68% dự toán. ( Ảnh nguồn Bnews)

Đây được xem là thành quả của cả quá trình thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua các nhiệm kỳ và sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.

Theo đánh giá của cơ quan thuế, thu ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm đạt khá chủ yếu do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó, một số ngành tăng trưởng khá như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô...

Tuy nhiên, dịch COVID-19 với biến chủng mới lây lan nhanh gần đây đã khiến nguồn thu ngân sách có dấu hiệu giảm dần, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam vốn chiếm tới gần 70% tổng thu ngân sách Nhà nước. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước những tháng còn lại của năm nay và cả trong năm tiếp theo.

Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước 7 tháng qua vẫn duy trì được đà tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 là một trong những điểm sáng lớn trong bức tranh kinh tế. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỉ USD, tăng 1,5% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 373,36 tỉ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 185,33 tỉ USD, tăng 25,5%, nhập khẩu đạt 188,03 tỉ USD, tăng 35,3%. Cán cân thương mại 7 tháng năm 2021 ước tính nhập siêu 2,7 tỉ USD.

Fitch Ratings: 'Việt Nam tăng trưởng hơn 7% cho năm sau và sau nữa' - Ảnh 3
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh. ( Ảnh: Báo Tin tức)

Theo Bộ Công Thương, điểm sáng xuất khẩu thời gian qua có được phần lớn là nhờ Việt Nam đã tận dụng rất tốt lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do. Hầu hết các thị trường đã ký hiệp định đều có sự tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ. Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,6 tỉ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 28,7 tỉ USD, tăng 24,2%. Thị trường EU đạt 22,5 tỉ USD, tăng 15,5%. Thị trường ASEAN đạt 16,1 tỉ USD, tăng 25,9%. Hàn Quốc đạt 12 tỉ USD, tăng 10,3%. Nhật Bản đạt 11,7 tỉ USD, tăng 8,3%.

Tuy nhiên, 2 thách thức lớn nhất được chỉ ra cho những tháng còn lại của năm nay là sự thiếu hụt lao động trong thu hoạch, chế biến và những hạn chế trong lưu thông hàng hóa do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng cho rằng cần ưu tiên hỗ trợ cho sản xuất các mặt hàng chế biến chế tạo, bởi đây đang là những mặt hàng chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Dự báo nền kinh tế đến cuối năm 2021

Tuy bức tranh kinh tế - xã hội 7 tháng qua có nhiều điểm sáng, nhưng tình hình trong những tháng còn lại của năm được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nên khả năng hồi phục nhanh và tạo đà tăng trưởng sẽ là rất khó khăn nếu diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khó lường như hiện nay. Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VEPR) đưa ra các kịch bản dự báo sau:

Kịch bản cơ sở: Dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, việc tiêm chủng được triên khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 – 5,1%.

Kịch bản thuận lợi: Dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 – 6,1%.

Kịch bản bất lợi: Dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý 4, quá trình tiêm chủng vaccine được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

Bà Sagarika Chandra - Giám đốc Xếp hạng tín nhiệm Quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Fitch Ratings cho biết: "Chúng tôi vẫn giữ triển vọng tích cực và quan điểm về các nền tảng căn bản của Việt Nam, dự báo tăng trưởng hơn 7% cho năm sau và sau nữa. Đây vẫn là con số ấn tượng, đặc biệt là so với các quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm. Chúng tôi tin rằng khu vực xuất khẩu và FDI sẽ không bị ảnh hưởng nhiều."

Hồng Vân (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Fitch Ratings: 'Việt Nam tăng trưởng hơn 7% cho năm sau và sau nữa'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới