Thứ bảy, 27/04/2024 05:35 (GMT+7)
Thứ ba, 13/07/2021 07:45 (GMT+7)

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 8,7 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2021

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong khi nhiều ngành hàng khác gặp khó khăn vì tình hình dịch bệnh, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 6 tháng đầu năm đạt 61% tổng kim ngạch của cả năm 2020.

Năm thị trường xuất khẩu quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam dẫn đầu là Mỹ đạt hơn 5 tỉ USD tăng 99% so cùng kỳ năm 2020, Nhật Bản 0,73 tỉ USD tăng 11%, Trung Quốc 0,82 tỉ USD tăng 22,9%, EU 0,68 tỉ USD tăng 54%, Hàn Quốc 0,76 tỉ USD tăng 7%. Riêng giá trị xuất khẩu vào 5 thị trường này ước đạt hơn 7,68 tỉ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ, lâm sản của cả nước.

Trong lĩnh vực đầu tư, 6 tháng đầu năm, ngành gỗ tiếp nhận 23 dự án mới từ 9 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn hơn 136 triệu USD, 10 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng đạt 45,28 triệu USD, 26 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn 41,14 triệu USD. Đáng chú ý, mặt hàng giường, tủ, bàn ghế thu hút sự gia tăng ở cả ba lĩnh vực: dự án mới, lượt tăng vốn và lượt góp vốn mua cổ phần.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 8,7 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2021 - Ảnh 1
Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu ( Ảnh nguồn baochinhphu.vn)

Theo đánh giá của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, tính tới thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ đã nhận được đơn hàng xuất khẩu cho tới hết năm 2021. Nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng gỗ, nhất là đồ gỗ nội thất dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh khi các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội, người lao động làm việc trực tuyến nên có nhu cầu cao về trang bị nội thất gia đình và văn phòng.

Mặt khác, đây là thời điểm người tiêu dùng thế giới có thêm điều kiện mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm, đồ gỗ nội thất trên các trang mạng. Đặc biệt, đồ gỗ Việt Nam hấp dẫn người tiêu dùng và được các doanh nghiệp tuân thủ truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu minh bạch nên được khách hàng lựa chọn sử dụng. Kinh tế thế giới đang từng bước hồi phục, trong đó, các thị trường nhập khẩu chính của ngành gỗ đang phát triển kinh tế khá nhanh khiến nhu cầu tăng mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập khẳng định, để có nguồn nguyên liệu gỗ, việc bảo đảm tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu là vấn đề sống còn hiện nay. Thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, gỗ thịt, đặc biệt là các loài gỗ quý vẫn tương đối phổ biến. Trên thực tế, thói quen này đang gây ra những tổn hại về mặt môi trường và cho cả ngành gỗ. Chính phủ Mỹ đang điều tra ngành gỗ của Việt Nam dựa trên cáo buộc Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiệt đới bất hợp pháp sử dụng cho tiêu dùng nội địa, một phần được đưa vào xuất khẩu. Đây là cảnh báo cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ cần kiểm soát tốt tính hợp pháp của nguồn gỗ nhập khẩu.

Đại điện Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, qua phân tích số liệu những tháng đầu năm cho thấy tình hình hoạt động xuất nhập khẩu lâm sản vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tính bền vững không cao. Do đó, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm việc nhập khẩu gỗ theo quy định; các địa phương cần sớm quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định trong nước, đồng thời tăng cường trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn.

Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu 14 đến 14,5 tỉ USD kim ngạch xuất khẩu mà Chính phủ đặt ra cho ngành gỗ trong năm 2021 là hoàn toàn có thể đạt được.

Vân Trần

Bạn đang đọc bài viết Kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 8,7 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2021. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.

Tin mới