EU: Tăng cường dùng than trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng sẽ là 'thảm kịch' khí hậu
Người đứng đầu chính sách biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu cho rằng, việc sử dụng năng lượng từ than đá trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng hiện nay "không phải là một bước đi thông minh" và các thị trường nên chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Sự phục hồi công nghiệp trong năm nay sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự gia tăng nhu cầu và giá năng lượng ở khắp mọi nơi.
Tại châu Âu, giá khí đốt bán buôn tăng cao đã khuyến khích nhiều công ty chuyển sang dùng than để sản xuất điện, cũng như khu vực này đang cố gắng loại bỏ các loại nhiên liệu gây ô nhiễm cao cho các quốc gia.
Tại châu Á, nhu cầu than từ các thị trường khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng mạnh khi nền kinh tế của các nước này khởi động trở lại sau những đợt lao dốc lớn do đại dịch gây ra.
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, Frans Timmermans nói với Reuters hôm 18/10, trong chuyến thăm ở Indonesia: “Sẽ là một bi kịch nếu trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta bắt đầu đầu tư trở lại vào than đá, một loại năng lượng không có tương lai và cực kỳ ô nhiễm”.
"Điều thông minh cần làm là, trong cuộc khủng hoảng năng lượng này, giảm càng sớm càng tốt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch", ông nói thêm, đồng thời lưu ý rằng giá năng lượng tái tạo luôn rẻ trong khi giá than tăng cao.
Giá than toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục và nhà xuất khẩu than nhiệt hàng đầu Indonesia đã tăng mục tiêu sản lượng năm 2021 để đáp ứng nhu cầu do hoạt động khai thác bị gián đoạn do mưa lớn.
Than là một phần trong cuộc thảo luận của Timmermans với các quan chức Indonesia trong chuyến thăm của ông trước thềm cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu COP26 ở Glasgow, Scotland vào tháng tới.
Indonesia đang đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060 hoặc sớm hơn, trong đó có kế hoạch loại bỏ dần việc sử dụng các nhà máy nhiệt điện than.
Than hiện chiếm khoảng 60% sản lượng điện của Indonesia và đóng góp khoảng 35% lượng khí thải.
Timmermans cho biết kế hoạch của Indonesia nhằm tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng của mình là "đáng khen ngợi và đầy tham vọng" và EU mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đó.
“Chúng tôi muốn hợp tác với Indonesia, để đảm bảo rằng chúng tôi có thể đầu tư và chuyển giao công nghệ, mang lại một số ý tưởng cho thị trường gió ngoài khơi, hoặc năng lượng mặt trời, hoặc địa nhiệt”, Timmermans nói.
Một nghiên cứu của Chính phủ cho thấy, Indonesia sẽ cần đầu tư 150 tỉ đến 200 tỉ USD mỗi năm cho các chương trình carbon thấp trong vòng 9 năm tới để đạt được mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060 hoặc sớm hơn.
Nguyễn Luận