Thứ bảy, 23/11/2024 08:26 (GMT+7)
Thứ hai, 22/03/2021 13:48 (GMT+7)

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: Còn nhiều vấn đề cần xem xét

Theo dõi KTMT trên

Dự thảo Quy hoạch VIII cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như thời gian qua đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản số 828/BCT-ĐL gửi xin ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan đối với Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII). Nhiều ý kiến đã đóng góp và giải trình các vấn đề trong dự thảo trên.

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: Còn nhiều vấn đề cần xem xét - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Dự báo nhu cầu phụ tải

Theo ý kiến đóng góp từ các đơn vị như Cục Công nghiệp, Tổng công ty Truyền tải điện miền Trung, Tổng công ty Truyền tải điện miền Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dự báo nhu cầu điện trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII đang tương đối cao so với các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội (kịch bản cơ sở tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025 là 9,1%, giai đoạn 2026-2030 là 7,9%).

Điều này sẽ dẫn đến yêu cầu đầu tư nguồn và đầu tư lưới điện truyền tải sẽ tăng cao so với nhu cầu thực tế.

Thực tế thời gian qua, tăng trưởng điện thương phẩm có xu hướng giảm dần; trong đó giảm từ 11% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 8,5%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Do đó, các đơn vị này kiến nghị Bộ Công Thương xem xét tốc độ tăng trưởng phụ tải phù hợp để có kịch bản cân đối cung cầu và nhu cầu đầu tư nguồn, lưới phù hợp với thực tế. Mặt khác, cơ quan này cũng cần xem xét yếu tố ảnh hưởng do dịch bệnh trong dự báo tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm giai đoạn 2021-2025.

Cũng theo ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cần rà soát để cập nhật mục tiêu tiết kiệm năng lượng theo Nghị quyết 55 (tỉ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường đạt khoảng 7% vào năm 2030 và khoảng 14% vào năm 2045). Theo đó, Dự thảo cũng cần quy đổi các chỉ tiêu này sang lĩnh vực điện năng để làm căn cứ dự báo phụ tải cũng như lựa chọn biên độ giữa các kịch bản thấp- cơ sở và cao.

Ngoài ra, theo Cục Điều tiết Điện lực, trong giai đoạn tới, các nguồn năng lượng tái tạo phát triển mạnh ở miền Nam, thì cung cầu nội miền của miền Nam sẽ thay đổi.

Bên cạnh đó, đầu tư cho khu vực Tây Nam bộ nói riêng, miền Nam nói chung tăng lên (Tây Nam Bộ sẽ có thêm 7 tuyến cao tốc), thì xu hướng phụ tải hiện nay có thể bị ảnh hưởng nhất định, cần cập nhật các định hướng phát triển kinh tế của các vùng miền để dự báo phụ tải được chính xác hơn.

Đánh giá lại tỉ lệ năng lượng tái tạo

Theo dự thảo, các nguồn điện gió và năng lượng mặt trời sẽ phát triển mạnh (năm 2045 tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo gồm cả thủy điện lớn đạt 53%).
Tuy nhiên, nguồn năng lượng tái tạo từ điện mặt trời, điện gió có tính ổn định không cao, phụ thuộc lớn vào tình hình thời tiết. Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua điện gió, điện Mặt Trời phát triển rất nhanh nhưng đã xuất hiện một số tồn tại liên quan đến giá điện, các rào cản kỹ thuật, việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia…

Vì vậy, các ý kiến đề nghị rà soát tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo các giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 phù hợp với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị đã quy định “Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 -20% vào năm 2030; 25-30% vào năm 2045.”

Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: Còn nhiều vấn đề cần xem xét - Ảnh 2
Công nhân điện lực EVN thi công trình điện mặt trời mái nhà. (Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN)

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần xem xét hạn chế việc phát triển năng lượng tái tạo với tốc độ và quy mô quá lớn như trong thời gian qua, đã và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành của hệ thống điện nói chung, việc đầu tư và vận hành hiệu quả lưới điện truyền tải nói riêng.

Các ý kiến cũng cho rằng, giảm tỉ lệ năng lượng tái tạo sao cho phù hợp với Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị (NQ55), cụ thể 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045.

Đánh giá tác động đến môi trường

Về nhu cầu sử dụng đất cho các công trình điện, cần làm rõ cơ sở để xây dựng Quy hoạch Điện lực quốc gia giai đoạn 2020-2030 tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các công trình phải đảm bảo hạn chế việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; đảm bảo phát triển bền vững và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các ngành, lĩnh vực đến năm 2030, quy hoạch tổng thể quốc gia đến năm 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 của đất nước.

Đồng thời, tổng hợp nhu cầu sử dụng đất, đề nghị bổ sung tính toán nhu cầu sử dụng đất, mặt biển cho các dự án nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và than nhập.

Quy hoạch điện VIII được hy vọng sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng; là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Hơn nữa, đây cũng là công cụ để kiểm soát, quản lý hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh các nguồn năng lượng cho quốc gia.

Trước đó, sáng ngày 10/3, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Theo đó, Quy hoạch điện VIII sẽ ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho phát điện trong nước.

Ông Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu mà Việt Nam cần hướng đến trong bối cảnh các nguồn điện khác đang dần cạn kiệt. Theo ông Linh, khi hạn chế sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhiệt điện than, là nguồn chiếm khoảng 48% sản lượng điện trên cả nước. Xu hướng nhiệt độ tăng, mưa giảm trong những năm qua khiến nhiều hồ thủy điện tại miền Trung – Tây Nguyên đang gần mực nước chết, gây áp lực lớn cho việc đảm bảo cung cấp đủ điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Bởi vậy, việc tìm nguồn nguyên liệu mới thay thế là bắt buộc. Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần để dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Quy hoạch Điện VIII: Còn nhiều vấn đề cần xem xét. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới