Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Minh bạch trong thu hồi đất
Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất nhiều quy định mới nhằm đảm bảo công khai minh bạch, giảm khiếu nại trong thu hồi đất.
Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM từng chia sẻ, giá đất khi đền bù, giải tỏa hiện nay còn chưa thỏa đáng nên phát sinh nhiều vụ việc kiện tụng. Người dân có nhà đất bị giải tỏa cần phải được đảm bảo quyền lợi thỏa đáng. Đây không phải việc mua bán nên không thể thuận mua - vừa bán, do đó cần phải xem xét kỹ càng trong các kế hoạch của Nhà nước.
Mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị rà soát Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, quy định cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để thực hiện các loại dự án, tránh quy định chung chung.
Cụ thể, trong báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai sửa đổi, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) cho biết dự thảo mặc dù đã bổ sung định nghĩa dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, song phạm vi được quy định còn rộng, chưa cụ thể tiêu chí.
UBKT cho biết cần phân biệt rõ hơn giữa mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích kinh tế đơn thuần để minh bạch trong việc thu hồi đất, tránh bị lạm dụng, gây bức xúc cho người sử dụng đất, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định đánh giá tác động về mặt xã hội đối với các dự án khi thu hồi đất.
Cùng với đó, UBKT cũng đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 86 dự thảo Luật, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013. Cần xác định rõ tính chất vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi; quy định một cách cụ thể, rõ ràng các loại dự án, tránh quy định quá rộng, chung chung.
Song song đó, cơ quan này cũng cho biết cần rà soát điểm d khoản 4 Điều 86, quy định về các trường hợp: Dự án tạo quỹ đất do nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch; dự án nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp; dự án khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án đô thị.
Với dự án khu dân cư nông thôn; dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở; dự án lấn biển; dự án khai thác khoáng sản; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; rà soát một số trường hợp thu hồi đất do ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân, để không trùng lặp với quy định tại Điều 89 dự thảo Luật.
Ủy ban Kinh tế đặc biệt đề nghị cân nhắc việc thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Cơ quan thuộc Quốc hội cũng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng các tác động kinh tế - xã hội, sự phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW và cân nhắc thận trọng việc đưa dự án nhà ở thương mại thuộc dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được đặt ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”.
Mặt khác, UBKT cũng cho rằng khái niệm “dự án đô thị” là thuật ngữ mới, là nội dung mới được đưa vào điều luật khi xác định nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng, do đó cần làm rõ nội hàm và có giải thích cụ thể.
UBKT cũng có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định về việc thu hồi đất để bố trí đất làm trụ sở cho các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, bảo đảm thực hiện quy định của Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Viên năm 1963 về quan hệ lãnh sự, tạo điều kiện bố trí trụ sở cần thiết cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự.
Huyền Diệu