Thứ sáu, 26/04/2024 19:04 (GMT+7)
Thứ ba, 16/11/2021 14:00 (GMT+7)

Dự thảo Luật BVMT quy định triển khai các biện pháp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng

Theo dõi KTMT trên

Theo Dự thảo Luật BVMT, khi tình trạng ô nhiễm không khí trở lên nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền sẽ triển khai các biện pháp khẩn cấp gồm hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tạm dừng hoạt động của cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm 

Dữ liệu thông tin từ Dự thảo Nghị định Quy định một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường vừa được trình Chính phủ, hạn chế, tạm dừng hoạt động của các cơ sở có nguồn thải lớn hay phân luồng giao thông, điều chỉnh giờ làm việc của cơ quan, tổ chức là các biện pháp khẩn cấp có thể được thực hiện khi ô nhiễm không khí trở lên nghiêm trọng.

Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng cấp liên vùng, liên tỉnh khi chỉ số chất lượng không khí Việt Nam (VN-AQI) ngày có giá trị từ  trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia, địa phương trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giáp ranh trở lên trong thời gian 3 ngày liên tục.

Vì vậy Dự thảo quy định khi tình trạng ô nhiễm không khí trở lên nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền có thể triển khai các biện pháp gồm hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của cơ sở sản xuất xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Dự thảo Luật BVMT quy định triển khai các biện pháp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng - Ảnh 1
Cao nguyên Di Linh trong sương mù. (Ảnh: doanhnhanplus.vn)

Bên cạnh đó, hạn chế, phân luồng hoạt động của các phương tiện giao thông vận tải đường bộ; tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học; tạm dừng hoạt động tập trung đông người ở ngoài trời.

Dự thảo Nghị định cũng quy định thẩm quyền triển khai các biện pháp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Cụ thể, trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp nói trên. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp trên địa bàn quản lý theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi nội tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp.

Ngoài ra, trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng do sự cố môi trường, việc triển khai các biện pháp khẩn cấp sẽ theo quy định về ứng phó sự cố môi trường.

Ô nhiễm không khí - Sát thủ thầm lặng

Thực trạng ô nhiễm môi trường không khí đang là vấn đề nhức nhối của thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Theo Báo cáo thường niên về chỉ số môi trường (The Environmental Performance Index - EPI) do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam là một trong 10 quốc gia ô nhiễm môi trường không khí hàng đầu Châu Á. Tiêu biểu là ô nhiễm bụi (PM10, PM2.5).

Trong đó có 4 nhóm nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở Việt Nam bao gồm các hoạt động công nghiệp, xây dựng, giao thông và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ. Ô nhiễm không khí tại các tỉnh miền Bắc thường nghiêm trọng hơn các tỉnh miền Nam do đặc điểm về điều kiện khí tượng.

Dự thảo Luật BVMT quy định triển khai các biện pháp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng - Ảnh 2
Cảnh tượng ô nhiễm kinh hoàng ở làng giấy Phú Lâm nhìn từ trên cao. (Ảnh: Báo Dân Việt)

Tại các tỉnh miền Bắc, ô nhiễm không khí thường diễn ra theo chu kỳ. Trong đó, thời gian ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thường tập trung vào mùa đông, trong khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Thời gian này thường xảy ra nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng khi điều kiện khí tượng không thuận lợi dẫn đến chất ô nhiễm không phát tán được mà tập trung ở sát bề mặt đất, gây ô nhiễm.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm không khí ở Việt Nam được xác định chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 – loại bụi được xác định là tử thần trong không khí khi có thể đi trực tiếp vào máu, gây ra nhiều loại bệnh liên quan đến hô hấp và tim mạch.

Đáng chú ý, TP.Hà Nội và TP.HCM là nơi bị ô nhiễm không khí nặng nhất của cả nước, có nhiều thời điểm bụi mịn (PM2.5) bao phủ cả bầu trời làm hạn chế tầm nhìn, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân.

Tính đến tháng 2/2020, Việt Nam có gần 3,6 triệu xe ô tô và hơn 45 triệu xe máy. Các phương tiện này là nguyên nhân lớn nhất gây ra ô nhiễm không khí tại nước ta. Từ năm 2010 - 2017, nồng độ bụi PM2.5 luôn có xu hướng tăng mạnh. Từ năm 2019 đến nay, tình trạng cao điểm ô nhiễm khí xảy ra rất thường xuyên tại các thành phố lớn cả nước. Điển hình là TP.Hà Nội và TP.HCM. Chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày (Air Quality Index - AQI) tại các thành phố này dao động trong mức 150 - 200, đây là mức báo động rất nguy hiểm. 

Số liệu thống kê quý I và II năm 2021 cho thấy, tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố lớn trên đã có sự cải thiện khá rõ rệt. Cụ thể, kết quả tính toán AQI của cả hai thành phố đều duy trì ở mức thấp và trung bình. Nguyên nhân chính là do sự bùng phát của dịch Covid-19. Trong thời gian dịch bệnh, do thực hiện cách ly xã hội nên lượng lưu thông của các phương tiện đã giảm đi đáng kể.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật BVMT quy định triển khai các biện pháp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới