Thứ bảy, 20/04/2024 07:50 (GMT+7)
Thứ ba, 21/12/2021 17:00 (GMT+7)

Dư luận bức xúc vụ ‘thổi giá’ kit test: Trách nhiệm của các Bộ?

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến thông tin về vụ “thổi giá” kit test đang gây bức xúc trong dư luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số Bộ và xử lý nghiêm minh, công khai kết quả.

Kit test có đảm bảo chất lượng chuyên môn?

Sáng nay (21/12), phiên họp thứ 6 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành các nội dung phiên họp.

Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục là vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm. Theo đó, cử tri kiến nghị Chính phủ có giải pháp về tăng cường nhân lực, vật tư và trang thiết bị y tế cho các địa phương, quan tâm đến hệ thống y tế cơ sở; Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; tăng mức độ bao phủ tiêm chủng cho toàn dân để người dân được an tâm đi làm việc trở lại, các cháu học sinh được đến trường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, vấn đề đặc biệt gây bức xúc hiện nay chính là vấn đề “thổi giá” kit xét nghiệm của công ty Việt Á. Theo ông Tùng, hiện dư luận rất quan tâm đến chất lượng kit xét nghiệm. Qua truyền hình đưa tin về nơi sản xuất 30 nghìn bộ kit xét nghiệm/ngày của công ty Việt Á giống “nhà kho” của hợp tác xã. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng không công nhận chất lượng để có thể áp dụng chung, nhưng theo chuẩn Việt Nam vẫn phù hợp.

Dư luận bức xúc vụ ‘thổi giá’ kit test: Trách nhiệm của các Bộ? - Ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. (Ảnh: Quốc hội)

“Vậy cử tri quan tâm chất lượng thực tế của kit test đó có đáp ứng chuyên môn hay không, vì hiện nay, cả nước ta sử dụng đại trà kit xét nghiệm của công ty này sản xuất? Trách nhiệm cơ quan liên quan, kể cả một số Bộ. Chưa nói sai - đúng nhưng rất nhiều địa phương đấu thầu giá rất cao. Đây là những việc mà báo cáo nên đề cập”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh. 

“Đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kể cả một số bộ và xử lý nghiêm minh, công khai kết quả”, ông Tùng nêu quan điểm. Theo ông, ở nhiều địa phương, giá đấu thầu cũng rất cao với khoảng 500.000 đồng/kit, thậm chí dẫn đến loạn giá kit xét nghiệm khiến dư luận rất bức xúc. Trong khi tại thời điểm báo chí phản ánh “loạn giá kit xét nghiệm” có đề cập đến việc, nếu mua của nước ngoài số lượng lớn, có khi chỉ 1-2 USD/1 kit xét nghiệm.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng nghìn người mắc Covid-19 ở TP.HCM đang điều trị tại nhà chưa được được giải quyết chế độ bảo hiểm chỉ vì yêu cầu phải có giấy xin nghỉ ốm.

“Quy định là đúng, nhưng trong bối cảnh họ là F0, cả phường, cả xã đều biết thì có nhất thiết máy móc phải xin giấy nghỉ ốm hay không?”, ông Tùng đặt vấn đề. Theo ông, quy định như vậy là máy móc, làm tăng khối lượng công việc cho cán bộ y tế vốn đang quá tải.

Thay vào đó, có thể để cơ sở y tế phường đóng dấu xác nhận cho F0 thay vì giấy nghỉ ốm để đơn giản hóa thủ tục, tránh máy móc khiến cử tri bức xúc. “Nhiều F0 rất khó khăn nhưng thanh toán BHXH, BHYT để bù đắp phần chi phí cho họ không kịp thời. Như ở TP.HCM có khoảng 84.000 F0 đang điều trị tại nhà”, ông Tùng nêu thực tế.

Hay tại tỉnh Bình Dương, xuất hiện tình trạng người lao động phải nộp tiền xét nghiệm, có người phải bỏ tiền túi ra nộp đến 3 lần xét nghiệm, có người phải nộp 4,5 triệu đồng như báo chí phản ánh. Hiện các cơ quan đã vào cuộc và theo ông Tùng, đây cũng là vấn đề đông đảo cử tri quan tâm. “Tôi đề nghị phải thêm thông tin, đặc biệt công khai minh bạch kết quả giải quyết”, ông Tùng bày tỏ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trước kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ nhất không tổ chức tiếp xúc cử tri. Do vậy, ông đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội, MTTQ thông qua nhiều kênh để nắm bắt, theo dõi ý kiến cử tri, nhân dân cả nước về một số việc đang có tính chất nổi cộm hiện nay để tổng hợp báo cáo bằng văn bản gửi đến đại biểu Quốc hội trong kỳ họp.

Trong đó, có một số vấn đề đang được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm như công tác phòng chống bão lụt ở miền Trung; Phòng chống tiêu cực liên quan đến giá kit test Covid-19…

Bộ Y tế nói gì về việc Việt Á "thổi giá" kit test?

Theo Bộ Y tế, kit xét nghiệm của Việt Á là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt, được thực hiện giữa Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

Dư luận bức xúc vụ ‘thổi giá’ kit test: Trách nhiệm của các Bộ? - Ảnh 2
Theo Bộ Y tế, việc nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh. (Ảnh minh họa)

Tính đến ngày 20/12, Bộ Y tế đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 46 sinh phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP) tương tự như sản phẩm của Việt Á và Công ty Cổ phần Sao Thái Dương (bao gồm 7 sinh phẩm sản xuất trong nước và 39 sinh phẩm nhập khẩu). Bộ Y tế xác định việc cấp phép cho nhiều sản phẩm là để tăng cường nội địa hóa, chủ động nguồn cung và tạo sự cạnh tranh về giá sinh phẩm xét nghiệm.

Tất cả các sản phẩm cấp phép đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi được cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định.

Về danh mục các sinh phẩm do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố và đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL), Bộ Y tế cho biết, các công ty mong muốn sản phẩm của mình được đưa vào danh sách của WHO thì nộp hồ sơ đề nghị WHO xem xét. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, tổ chức đều xây dựng tiêu chí và yêu cầu về hồ sơ, sản phẩm khác nhau về việc chấp thuận lưu hành sinh phẩm. Các công ty có nhu cầu lưu hành, sử dụng tại quốc gia và tổ chức nào sẽ nộp hồ sơ theo quy định của từng tổ chức, quốc gia đó.

Do vậy, việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố. 

Tuy nhiên, đối với những vấn đề liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác phòng dịch, thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh trong công tác mua sắm, đấu thầu và sử dụng trang thiết bị phòng chống dịch, trong đó có sinh phẩm xét nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế đã có các văn bản đề nghị Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và của Bộ Y tế về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Do vậy, Bộ Y tế cho rằng, việc nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á là rất nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Dư luận bức xúc vụ ‘thổi giá’ kit test: Trách nhiệm của các Bộ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới