Thứ tư, 03/07/2024 17:31 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/05/2024 14:52 (GMT+7)

Du lịch hè 2024: Lữ hành “méo mặt” với tour nội địa

Theo dõi KTMT trên

Giá vé máy bay quá cao cùng với dịch vụ và vé tham quan điểm đến tăng khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch nội địa như “ngồi trên đóng lửa” dù đang vào giai đoạn cao điểm cho du lịch hè.

Du lịch hè 2024: Lữ hành “méo mặt” với tour nội địa - Ảnh 1

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành có thể đẩy mạnh khai thác tour gần di chuyển bằng đường bộ. Trong ảnh là những cô gái dân tộc Lô Lô ở Hà Giang.

“Năm ngoái, giờ này lịch tour chốt kín bảng. Năm nay chả có ‘ma’ nào”, ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty du lịch Tây Bắc (trụ sở Hà Nội) “than”.

Theo ông Tùng, một trong những nguyên nhân khiến du lịch nội địa năm nay “ế ẩm” dù đang trong giai đoạn cao điểm mùa hè là vì giá vé máy bay quá cao cùng với các dịch vụ phụ trợ như lưu trú, ăn uống… và giá vé tham quan ở một số điểm tăng khiến nhu cầu mua tour du lịch của khách hàng giảm.

“Lượng khách mua tour trọn gói giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Tùng khẳng định và cho biết thêm, khách đa phần tự đi hoặc mua combo nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, đại diện TSTtourist cũng thừa nhận, hiện nay có đến 30 - 40% khách hàng có mong muốn du lịch tự túc, đặc biệt là đối với các tour trong nước và tour Đông Nam Á.

Báo cáo về “Xu hướng du lịch nước ngoài của du khách Việt – Mùa hè 2024”, phát hành ngày 23/5 của The Outbox Company - Công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du khách trong lĩnh vực khách sạn và du lịch, cũng chỉ ra rằng có 79.7% du khách Việt Nam có dự định đi du lịch nước ngoài trong mùa hè này. Điều này có nghĩa, chỉ có khoảng 20.3% đối tượng du khách mà Outbox khảo sát không có dự định đi du lịch hoặc chỉ đi du lịch trong nước. Một con số quá khiêm tốn đối với thị trường du lịch nội địa.

Du lịch hè 2024: Lữ hành “méo mặt” với tour nội địa - Ảnh 2

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, tour “kết nối di sản miền Trung” được du khách thích thú.

Tour nội địa “ế” vì giá vé máy bay?

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel Corporation (tập đoàn hàng không và du lịch đầu tiên tại Việt Nam - PV), ngành hàng không và ngành du lịch được ví như hai cánh của chiếc máy bay, tác động hữu cơ, kết nối chặt chẽ với nhau.

Vì thế, thời gian qua, có nhiều thông tin cho rằng ngành hàng không đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi một mình, không quan tâm đến các đơn vị khác, nhất là ngành du lịch. Thậm chí dẫn chứng các đường bay trong nước đắt hơn bay nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là một vài trường hợp cá biệt nhờ chương trình khuyến mãi, không phải phổ biến.

Tại hội thảo “Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?” do báo Thanh Niên tổ chức mới đây, ông Kỳ chỉ ra rằng hiện nay chỉ có duy nhất đường bay từ Việt Nam đi Thái Lan giá mềm. “Nhưng đó là nhờ họ tổ chức du lịch theo từng gói, sản phẩm 3 trong 1; 4 trong 1. Mỗi cấu phần đều bán dưới giá thành, chịu lỗ nhưng thu lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú, chủ yếu là shopping. Họ lấy tiền đó rồi chia ngược lại cho các đơn vị bù lỗ, cùng liên kết tạo thành gói sản phẩm giá rẻ. Hình thức này hiện nay gần như chỉ mình Thái Lan có thể làm được”, ông Kỳ khẳng định.

Điều này được minh chứng trong Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp. Rằng thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17 - 25% so với năm 2019. Trong đó, giá vé tại châu Á tăng 21%, Úc/New Zealand tăng 22%, châu Âu tăng 18%, Nam Mỹ tăng 25% và Bắc Mỹ tăng 17%.

Theo ông Kỳ, chưa bao giờ giá vé máy bay từ Việt Nam đi Mỹ lại đắt như hiện nay. Vé hạng thương gia trước đây chỉ 3.000 - 4.000 USD, giờ phải 9.000 - 11.000 USD. Hạng vé phổ thông cũng tăng từ 750 - 900 USD lên từ 1.700 - 2.100 USD tùy từng thời điểm. “Vì thế, không có chuyện ngành hàng không đang cố tình bán vé giá cao để hưởng lợi 1 mình”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Du lịch hè 2024: Lữ hành “méo mặt” với tour nội địa - Ảnh 3

Đoàn khách của Vietravel trải nghiệm tour nội địa bằng tàu hỏa

Cũng tại hội thảo trên, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Lữ hành SaigonTourist, cho rằng giá vé máy bay nội địa có tăng, song giá tour nội địa của Việt Nam hiện không cao hơn giá tour nước ngoài. Ông Yên dẫn chứng, với chuẩn 4 sao, giá tour đi miền bắc là 12 - 15 triệu đồng; miền trung từ 8 - 10 triệu đồng… thì tour đi Thái Lan khoảng 12 triệu đồng.

Để kích thích ngành du lịch trong nước trong bối cảnh giá vé máy bay tăng, các chuyên gia cho rằng các hãng hàng không cũng nên hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành thông qua việc giảm tiền cọc series booking, chia thành nhiều đợt thanh toán, cho phép trả gối đầu...

Đồng thời, giữa các điểm đến, dịch vụ tại chỗ, lữ hành... nên ngồi lại cùng nhau; ngành hàng không cũng liên kết với nhau, hỗ trợ nhau trên cơ sở có chính sách hỗ trợ chung cho tất cả các hãng hàng không, từ phía Chính phủ.

Doanh nghiệp, địa phương tìm cách xoay xở

Để giải bài toán này, các đơn vị lữ hành, du lịch buộc phải xoay xở thiết kế sản phẩm bằng nhiều cách, sao cho phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Theo chia sẻ của ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, nhu cầu đi du lịch của người dân vẫn cao và thực tế lượng khách nội địa vẫn đông. Tuy nhiên, trước sự tăng cao giá tour nội địa tuyến xa vận chuyển bằng đường hàng không thì du khách cũng tự điều chỉnh việc đặt tour để phù hợp với khả năng tài chính.

“Các doanh nghiệp có thể đưa ra dự báo tốt và điều tiết luồng khách bằng chiến lược dài hạn, chuyển hướng luồng khách để phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi, vấn đề thích ứng với từng giai đoạn, hoàn cảnh là rất quan trọng”, ông Thắng chia sẻ.

Du lịch hè 2024: Lữ hành “méo mặt” với tour nội địa - Ảnh 4

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch HĐTV Lữ hành SaigonTourist, cho rằng giá vé máy bay nội địa có tăng, song giá tour nội địa của Việt Nam hiện không cao hơn giá tour nước ngoài. Trong ảnh là khách hàng đang tìm hiểu tour du lịch tại Lữ hành SaigonTourist

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Flamingo Redtours, cho rằng thời điểm này, ngành Du lịch cần thay đổi thị phần khách. Ví như trước đây, Hà Nội tập trung vào thị trường khách miền Trung, miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long; giờ đây có thể thu hút khách nội vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông - Tây Bắc.

Theo ông Hoan, các doanh nghiệp thay vì đón khách tour vận chuyển bằng máy bay, có thể tổ chức tour tham quan vận chuyển bằng tàu hỏa tới các tỉnh miền Trung, vừa giảm giá thành tour, vừa tăng trải nghiệm cho khách. Bởi thực tế, dịch vụ đường sắt đang ngày càng cải thiện tích cực, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Ông Mẫn cũng cho biết họ đang xây dựng các sản phẩm tour ngắn ngày hơn. Đồng thời, điều tiết các điểm đến trong chương trình sao cho phù hợp với nhu cầu, năng lực tài chính của du khách. “Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác cũng như liên kết các hệ thống nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt trong quá trình xây dựng sản phẩm, chúng tôi kết hợp các phương tiện đi lại với nhau như đường bộ, đường sắt (tàu hỏa), hàng không nhằm gia tăng thêm trải nghiệm cho khách”, ông Mẫn nói.

Trong khi đó, để thúc đẩy ngành du lịch phát triển trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đưa du khách tham quan, khám phá các điểm đến di sản miền Trung bằng tàu hỏa.

Được biết, Quảng Nam, Quảng Bình cũng đang tập trung vào các gói kích cầu nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, tăng chương trình phục vụ du khách. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá nội vùng cho khách đi bằng ô-tô trong hành trình khám phá miền Trung.

Nhằm mục đích góp phần bảo vệ môi trường, mỗi du khách khi đăng ký tour trong nước hay quốc tế, TSTtourist sẽ trích 30.000 đồng/tour cho chương trình “vì môi trường xanh”. Sau ngày 30/8/2024, doanh nghiệp này sẽ công bố tổng số tiền du khách đã đóng góp vào chương trình và tiến hành thực hiện các hoạt động cụ thể.

Võ Chí Kiên

Bạn đang đọc bài viết Du lịch hè 2024: Lữ hành “méo mặt” với tour nội địa. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nỗ lực nâng cao chỉ số xanh
Năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vươn lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng Chỉ số xanh cấp tỉnh. Đây là một bước tiến thể hiện rõ định hướng đúng đắn của địa phương trong việc bảo vệ môi trường kết hợp với phát triển kinh tế.

Tin mới