Bình Thuận: Ngành du lịch tăng trưởng ấn tượng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bình Thuận đã đón 4,59 triệu lượt khách, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số ấn tượng
Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi, Bình Thuận nổi lên như một điểm sáng với sự tăng trưởng mạnh mẽ, lượng khách nội địa và quốc tế đều tăng trưởng với những con số ấn tượng.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận, hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh diễn ra khá sôi động, đặc biệt là các dịp Tết Nguyên đán, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Giải phóng Bình Thuận 19/4, Ngày Giải phóng Miền Nam 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và các ngày nghỉ cuối tuần. Lượng khách đến tăng so với cùng kỳ năm trước do nhiều yếu tố thuận lợi như thời tiết tốt, giao thông thuận lợi hơn, nhiều gói tour khuyến mãi hấp dẫn, thu hút khách đến tham quan, du lịch. Lượng khách lưu trú đa số khách du lịch nội địa và tập trung tại khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành.
Điểm nổi bật của hoạt động du lịch 6 tháng đầu năm 2024 là khu Novaworld Phan Thiết (Tiến Thành) với nhiều khu vui chơi quy mô lớn như công viên Wonder Hill, Dino Park, Safari Cafe, Wonderland Water Park, Circus Land.
Trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh cũng diễn ra rất nhiều các hoạt động thu hút khách du lịch như lễ hội Vibe Fest, Lễ hội Carnival NovaWorld Phan Thiết, giải thể thao 3 môn phối hợp “Bơi, chạy, trượt đồi cát” Bắc Bình - Bình Thuận mở rộng lần thứ X năm 2024, Giải đua Windsurf mở rộng lần thứ 23 “The 23rd Mui Ne Fun Cup 2024”; giải Việt Nam Festrival Bình Thuận 2024; Giải thi đấu thể hình nam - nữ bãi biển 2024; Lễ hội chèo Sup Phú Quý - Bình Thuận 2024; giải Stop and Run Marathon Bình Thuận 2024… Bên cạnh đó, tuyến du lịch Phú Quý cũng được các đơn vị lữ hành khai thác, thiết kế tour và giới thiệu đến du khách hướng về biển - đảo.
Riêng tháng 6, lượng khách du lịch ước đạt 856,8 ngàn lượt khách, tăng 9,63% so tháng trước và tăng 5,59% so với cùng kỳ năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 31,9 ngàn lượt khách, tăng 15,06% so với tháng trước và tăng 82,27% so với cùng kỳ năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 1.622 ngàn ngày khách, tăng 16,42% so với tháng trước và tăng 7,21% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách du lịch quý II/2024 ước đạt 2.423,1 ngàn lượt khách, tăng 4,06% so với cùng kỳ năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 89,8 ngàn lượt khách, tăng 79,84% so với cùng kỳ năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 4.545,2 ngàn ngày khách, tăng 5,09% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 lượng khách du lịch ước đạt 4.585 ngàn lượt khách, tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước (trong đó lượt khách phục vụ trong ngày ước đạt 156,1 ngàn lượt khách, tăng 65,62% so với cùng kỳ năm trước); ngày khách phục vụ ước đạt 8.678 ngàn ngày khách, tăng 7,45% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách quốc tế trong tháng 6/2024 ước đạt 38,6 ngàn lượt khách, tăng 22,90% so với tháng trước và tăng 3,49 lần so với cùng kỳ năm trước; ngày khách phục vụ ước đạt 153,3 ngàn ngày khách, tăng 23,89% so với tháng trước và tăng 3,43 lần so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2024 ước đạt 104,7 ngàn lượt khách, tăng 94,47% so với cùng kỳ năm trước, ngày khách phục vụ ước đạt 416,8 ngàn ngày khách, tăng 92,23% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 234 ngàn lượt khách, tăng 91,25% so với cùng kỳ năm trước, ngày khách phục vụ ước đạt 930 ngàn ngày khách, tăng 88,15% so với cùng kỳ năm trước. Chính sách miễn thị thực và cấp thị thực điện tử phát huy hiệu quả, những sản phẩm, dịch vụ du lịch tiêu biểu, đặc sắc, hấp dẫn và các chương trình kích cầu để thu hút khách quốc tế được chú trọng nên lượng khách quốc tế 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến tỉnh chiếm tỷ trọng lớn như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Mỹ…
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bình Thuận cũng thể hiện, doanh thu dịch vụ lưu trú trong tháng 6/2024 ước đạt 518,7 tỷ đồng, tăng 5,83% với tháng trước và tăng 2,08% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 1.692,9 tỷ đồng, tăng 7,06% so với tháng trước và tăng 10,81% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành hỗ trợ du lịch ước đạt 21,9 tỷ đồng, tăng 1,66% so với tháng trước và tăng 37,45% so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2024 doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 1.484 tỷ đồng, tăng 1,61% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 4.792,1 tỷ đồng, tăng 8,68% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành hỗ trợ du lịch ước đạt 67 tỷ đồng, tăng 45,56% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 2.816,8 tỷ đồng, tăng 2,33% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 8.823,8 tỷ đồng, tăng 5,53% so với cùng kỳ năm trước; hoạt động lữ hành hỗ trợ du lịch ước đạt 118,3 tỷ đồng, tăng 36,12% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng ước đạt 2.064,3 tỷ đồng tăng 4,63% so với tháng trước và tăng 0,23% so với cùng kỳ năm trước. Quý II/2024 ước đạt 6.130,1 tỷ đồng, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 11.832,2 tỷ đồng, tăng 4,31% so với cùng kỳ năm trước.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án hướng đến góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là một trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch, quy hoạch vùng tỉnh Bình Thuận.
Trong đó, tỉnh BÌnh Thuận hướng tới phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, bền vững và an toàn gắn với an ninh chính trị, bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc.
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch cơ bản và tạo sản phẩm du lịch chuyên đề: Du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, sinh thái biển - rừng - đồi cát...
Đặc biệt, quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn tất hồ sơ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Bên canh đó, Bình Thuận đã tổ chức lại không gian phát triển du lịch theo 4 khu vực. Trong đó, phía Đông Bắc, trọng tâm là đô thị Phan Rí Cửa - Bình Thạnh - Liên Hương với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, điều dưỡng chữa bệnh suối khoáng nóng, lặn biển, tham quan khu bảo tồn biển Hòn Cau. Sản phẩm bổ trợ gồm du lịch văn hóa Chăm, làng nghề đặc trưng, du lịch homestay.
Khu vực trung tâm gồm Phan Thiết, phía Nam huyện Bắc Bình, dãy ven biển thuộc huyện Hàm Thuận Nam và đảo Phú Quý, với trọng tâm là khu du lịch quốc gia Mũi Né và nam thành phố Phan Thiết sẽ phát triển sản phẩm chủ đạo là du lịch MICE, du lịch sinh thái biển, rừng, du lịch thể thao biển, cát, nghỉ dưỡng biển, du lịch sức khỏe, mô hình kinh tế ban đêm. Sản phẩm bổ trợ gồm: Du lịch văn hóa, du lịch homestay; tham quan khu bảo tồn thiên nhiên núi Tà Cú, khu bảo tồn biển đảo Phú Quý.
Khu vực phía Tây Nam gồm thị xã La Gi, dãy ven biển huyện Hàm Tân, khu vực ven hồ Sông Dinh tập trung sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, tham quan các di tích, lễ hội Dinh Thầy Thím, Hòn Bà. Sản phẩm bổ trợ là du lịch nông nghiệp, trải nghiệm vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch homestay.
Khu vực phía Tây Bắc gồm một phần huyện Hàm Thuận Bắc, một phần huyện Hàm Thuận Nam, huyện Tánh Linh, huyện Đức Linh xây dựng sản phẩm chủ đạo gồm du lịch nghỉ dưỡng rừng, hồ cảnh quan, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm, khám phá, trải nghiệm. Sản phẩm bổ trợ là du lịch nông nghiệp, du lịch homestay.
Tỉnh Bình Thuận xác định tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để kêu gọi, thu hút đầu tư; Từng bước đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu thế chung của thế giới và trong nước. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, đề án phát triển kinh tế đêm của tỉnh đến năm 2030...
Hồng Gấm - An Hữu