Dự án Luật đất đai sửa đổi chưa thể trình Quốc hội trong tháng 5/2022
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, trong tháng 5/2022, Chính phủ chưa thể trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vì chưa đảm bảo căn cứ chính trị.
Sáng 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trước đó, ngày 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực công thương, tài nguyên và môi trường.
Trình bày dự thảo nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, qua chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, “việc lựa chọn và quyết định nội dung chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất “đúng” và “trúng”, vừa có tính thời sự cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài, đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận các giải pháp, cam kết của bộtrưởng các bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và các thành viên Chính phủ có liên quan tại phiên chất vấn.
Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật có liên quan bảo đảm căn cứ chính trị, phù hợp với thực tiễn để thống nhất trong điều chỉnh các quan hệ về đất đai, tài sản gắn liền với đất, giao dịch quyền sử dụng đất, các quy định về hợp đồng khi mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Liên quan về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho hay, theo nghị quyết của Quốc hội thì tháng 5/2022 tới đây Chính phủ phải trình Quốc hội dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Tuy nhiên, việc tổng kết Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hiện Bộ Chính trị chưa cho ý kiến. Ban Chấp hành Trung ương cũng chưa có ý kiến về nghị quyết mới.
"Tháng 5 này, Chính phủ không thể trình được dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vì chưa đảm bảo căn cứ chính trị. Vì vậy, đã đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết cụm từ "đảm bảo căn cứ chính trị". Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói và cho biết, khi Trung ương thông qua nghị quyết mới thì Chính phủ sẽ có đầy đủ căn cứ chính trị để trình Quốc hội.
Dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản và các văn bản pháp luật có liên quan.
Nhất là, các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, điều kiện tham gia đấu giá, việc xác định giá khởi điểm, tỷ lệ tiền đặt trước, tiền đặt cọc khi tham gia đấu giá, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, việc xử lý khi cuộc đấu giá có dấu hiệu bất thường; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý các trường hợp trúng thầu, trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết.
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; kiên quyết thu hồi đất của các nhà đầu tư hạ tầng không có năng lực, để chậm tiến độ.
Tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, kiểm soát, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong khâu lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm.
Kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng, các hành vi gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất.
Hà Lan