Thứ năm, 25/04/2024 06:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/09/2022 06:24 (GMT+7)

Dự án kè giảm sóng phát huy hiệu quả ngăn sạt lở bờ biển tại Bến Tre

Theo dõi KTMT trên

Sau 2 năm triển khai thí điểm dự án kè mềm sử dụng túi geotube giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã phát huy hiệu quả ngăn chặn sạt lở bờ biển.

Dự án kè mềm giảm sóng được triển khai xây dựng từ tháng 2 đến tháng 10/2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí đầu tư, xây dựng gần 15 tỷ đồng với chiều dài 1.100m, cách bờ biển khoảng 100m để giảm sóng, bảo vệ bờ biển. Qua khảo sát của cơ quan chức năng, dự án thí điểm này đã mang lại hiệu quả cao, giúp bảo vệ bờ biển và tạo hệ sinh thái rừng tự nhiên sau thời gian bị sạt lở do sóng biển.

Dự án kè giảm sóng phát huy hiệu quả ngăn sạt lở bờ biển tại Bến Tre - Ảnh 1
Dự án kè mềm giảm sóng tại bờ biển Cồn Bửng bước đầu mang lại hiệu quả ngăn xói lở bờ biển, tạo được bãi bồi. (Ảnh: Nguồn Internet)

Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Điền cho biết, tỉnh Bến Tre nằm giáp biển, hàng năm do nước biển dâng gây tình trạng sạt lở nghiêm trọng, dẫn tới đất sản xuất, nhà ở của người dân bị cuốn trôi.

Trước thực tế đó, các ngành chức năng tỉnh Bến Tre đã đưa ra nhiều giải pháp để chống sạt lở. Một trong những giải pháp được lựa chọn là sử dụng kè mềm bằng túi Geotube tại bờ biển Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Đây là một trong những đoạn bờ biển của tỉnh Bến Tre bị sạt lở nặng nề nhất huyện Thạnh Phú.

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu Hải dương học, Viện Kỹ thuật biển (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho hay, hệ thống bờ kè mềm tại Cồn Bửng được sử dụng túi Geotube có bề rộng khoảng 3m, cao 2,5m và mỗi túi dài khoảng 25m. Túi được đặt cách bờ khoảng 100m và được bơm đầy cát để làm đê giảm sóng, giữ cát, phù sa tạo bãi bồi. Sau gần 2 năm công trình được đưa vào sử dụng, bước đầu đã có những thay đổi tích cực, bãi bồi liên tục được mở rộng, nâng cao, ổn định, xu hướng bồi tụ dao động từ 0,3-1,2m.

Ngoài ra, giải pháp kè mềm Geotube sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, suất đầu tư thấp chỉ bằng 1/5 công trình cứng, có hiệu quả tốt sau gần 2 năm đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, khi mở rộng mô hình này cần thi công phù hợp với con nước và cần có chế độ quan trắc định kỳ để điều chỉnh kịp thời những ảnh hưởng xấu đến công trình.

Hiệu quả thấy rõ của hệ thống bờ kè mềm được xây dựng cách đây 2 năm là gây bồi, tạo bãi nên bờ biển Cồn Bửng tại huyện Thạnh Phú đã không còn tình trạng sạt lở như trước. Hệ sinh thái cây rừng ngập mặn tự nhiên bắt đầu hồi sinh, rừng dương phía trong cũng được bảo vệ, góp phần tái tạo màu xanh cho vùng biển này

Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư giải pháp kè mềm

Theo thống kê, trong 4 năm trở lại đây, sạt lở tại khu vực Cồn Bửng khá nghiêm trọng với chiều dài gần 10km, nước biển xâm thực vào đất liền khoảng 100m. Sạt lở đã làm 97 hộ dân bị mất đất với diện tích hơn 100ha.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết, trên địa bàn huyện Thạnh Phú có khoảng 25km bờ biển, trong đó, sạt lở nặng nhất khoảng 7,5km.

Trong thời gian qua, địa phương đã được đầu tư xây dựng 3,2km kè cứng và 1,1km kè mềm phát huy hiệu quả khá cao trong việc bảo vệ bờ biển. Trong đó, kè mềm thí điểm đã phát huy hiệu quả, chi phí lại rẻ (chỉ bằng 1/5 so với kè cứng).

Hiện tại nóng nhất của sạt lở là ở khu vực Cồn Lợi kéo dài đến điểm du lịch Cồn Bửng, nên địa phương kiến nghị tỉnh tiếp tục đầu tư giải pháp kè mềm vừa phát huy hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí trong thời điểm như hiện nay.

Qua khảo sát thực tế kè mềm tại khu vực Cồn Bửng, các cơ quan chức năng đánh giá cao hiệu quả giải pháp kè mềm mang lại để bảo vệ bờ biển.

Trong đó, công trình có nhiều mặt tích cực là thân thiện với môi trường, không chỉ chống sạt lở mà giúp hệ sinh thái rừng ven biển phát triển để tạo sinh kế cho người dân và cộng đồng. Mô hình có thể nhân rộng ở những vùng tương tự tại tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, giải pháp xử lý tiếp theo sau khi công trình hết hạn sử dụng để phát huy hiệu quả tốt nhất khi đã hình thành hệ sinh thái rừng ven biển nhằm bảo vệ bờ, chống sạt lở.

Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm cho rằng, qua 2 năm thí điểm dự án kè mềm ven biển đã phát huy hiệu quả cao. Công trình chi phí xây dựng thấp nhưng tuổi thọ công trình ngắn chỉ từ 5 đến 8 năm. Trong thời gian tới, tùy vào điều kiện từng địa phương sẽ có giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre có chiều dài bờ biển 65km, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển xâm thực làm mất đất, thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng đời sống của người dân.

Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kè mềm, kè cứng để khắc phục sạt lở. Trong đó kè cứng cho phí xây dựng 1km từ 60 đến 80 tỷ đồng, trong khi kè mềm chi phí thấp hơn, chỉ bằng 1/5 so với kè cứng.

Qua 2 năm triển khai thí điểm kè mềm tại khu vực ven biển Cồn Bửng đã phát huy hiệu quả cao. Sau thời gian thí điểm,cơ quan chức năng sẽ đánh giá lại để tiếp tục có nhân rộng mô hình này hay không trong thời gian tới.

Với chiều dài bờ biển 65km, tỉnh Bến Tre không thể đầu tư hết kè cứng để chống sạt lở vì chi phí rất cao. Một số nơi, có điều kiện tự nhiên, thủy văn phù hợp việc sử dụng kè mềm được xem là giải pháp kịp thời, hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ bờ biển trong điều kiện sạt lở ngày càng phức tạp như hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết Dự án kè giảm sóng phát huy hiệu quả ngăn sạt lở bờ biển tại Bến Tre. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thái Bình: Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa gạo bền vững
UBND tỉnh Thái Bình vừa có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố quan tâm một cách thiết thực, quản lý và sử dụng có hiệu quả cao quỹ đất sản xuất lúa của địa phương không để lãng phí nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh lúa, gạo bền vững.
Khai thác du lịch bền vững Công viên địa chất Lạng Sơn
UBND tỉnh Lạng Sơn đã trình bộ hồ sơ lên UNESCO công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu, dự kiến cơ bản xong trước tháng 7/2024. Qua đó hướng tới mở cửa cho công chúng tham quan, khai thác phát triển du lịch bền vững.
Vị thế Việt Nam nhìn từ “tài sản” tự nhiên
Quả thực viết một bài báo ngắn về một đề tài lớn như vậy rất khó. Hơn nữa tôi chỉ là công dân bình thường làm gì có tầm nhìn đủ bao quát để tìm và chỉ ra những vị thế tài sản tự nhiên của Việt Nam.

Tin mới