Dự án cao tốc dài hơn 188km tại Đồng bằng sông Cửu Long cần khoảng 2,5 triệu m3 cát biển
Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến cần 2,5 triệu m3 cát biển phục vụ nhu cầu thi công dự án.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, đi qua 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57km, Cần Thơ gần 38km, Hậu Giang khoảng 37km, Sóc Trăng khoảng 56km. Tổng mức đầu tư cho dự án gần 44.700 tỷ đồng. Giai đoạn một của dự án làm trước 4 làn xe, rộng 17m, tốc độ cho xe chạy 80km/h. Sau khi hoàn thiện mặt đường sẽ mở rộng lên hơn 32m với 6 làn xe. Thời gian dự kiến hoàn thiện toàn tuyến vào năm 2027.
Đại diện Công ty Cổ phần Hải Đăng cho biết nhu cầu sử dụng cát của gói thầu số 10 khoảng 1,9 triệu m3 cát (6.700m3/ngày) để thực hiện đắp gia tải, hoàn thiện từ nay đến hết tháng 6/2025 mới đảm bảo cơ bản hoàn thành dự án trong năm 2026. Hiện toàn gói 10 thiếu khoảng 1,5 triệu m3.
Nhận định nhu cầu cát là vô cùng cấp thiết, đại diện liên doanh nhà thầu gói 10, Công ty Cổ phần Hải Đăng đã chủ động đề xuất sở, ngành, UBND tỉnh Sóc Trăng xem xét giao một khu mỏ cát biển tại khu B1 (tỉnh Sóc Trăng) trữ lượng khai thác khoảng 1 triệu m3 phục vụ gói thầu số 10 (xử lý nền đất yếu, bố trí bấc thấm). Bên cạnh đó, nhà thầu cam kết sẽ có biện pháp giảm độ mặn của cát để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Không riêng gói thầu số 10 mà 3 gói thầu còn lại đều có nhu cầu sử dụng cát biển để phục vụ đắp cát nền K95 dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Sở TNMT tỉnh Sóc Trăng cho biết, hiện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã đăng ký 700.000m3 cát biển sử dụng phục vụ gói thầu 11 trong trường hợp nguồn cát sông không đáp ứng nhu cầu. Tương tự Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 - CTCP đăng ký 900.000m3 cát biển sử dụng phục vụ gói thầu số 9.
Đối với việc đăng ký cát biển phục vụ gói thầu số 12, Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP đang hoàn thành hồ sơ, thủ tục khai thác cát biển Tiểu khu B1.3 (thuộc mỏ B1, tỉnh Sóc Trăng) và cam kết sẽ lấy cát biển của mỏ B1.2 để phục vụ đắp nền khoảng 3,5km của tuyến gói thầu số 12 đến khi mỏ cát biển của Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP được phép khai thác.
Theo Ban Quản lý dự án 2 - Chủ đầu tư dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nhu cầu sử dụng cát của toàn dự án khoảng 6,6 triệu m3. Việc thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công trình. Tính đến giữa tháng 9/2024, mới đạt trên 5% giá trị hợp đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, việc sử dụng cát biển phục vụ san lấp cho dự án thành phần 4 cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần đánh giá lại tác động môi trường, chỗ nào sử dụng được cát biển thì sử dụng với mục đích cuối cùng là phải có cát để triển khai thi công dự án đúng với tiến độ đề ra.
Văn Linh