Mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai bị “nhuộm” vàng bởi lưu huỳnh
Gần 1 km cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn km 210 hướng đi Lào Cai bị nhuộm vàng do một chiếc xe container chở lưu huỳnh gây rơi vãi trong quá trình vận chuyển.
Ngày 18/9, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip dài khoảng 1 phút ghi lại hình ảnh cả một đoạn đường dài gần 1 km đang bị nhuộm vàng bởi lưu huỳnh.
Theo nội dung đoạn clip, một chiếc ô tô con loại 5 chỗ ngồi đang tiến hành dừng đỗ khẩn cấp trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo hướng đi Lào Cai, phía sau chiếc xe ô tô con đang dừng đỗ khẩn cấp lần lượt xuất hiện nhiều xe tải nhỏ đang tiến hành dừng đỗ trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cùng với một số nam thanh niên đang tiến hành thu gom, dọn dẹp lưu huỳnh rơi vãi trên mặt đường.
Ngoài một số xe tải nhỏ, cùng một số người lao động đang tiến hành dọn dẹp lưu huỳnh rơi vãi trên mặt đường cao tốc thì trong đoạn clip còn xuất hiện một chiếc xe tải container đang dừng đỗ trên mặt đường theo hướng Hà Nội đi Lào Cai. Do các xe tải này dừng đỗ trên đường, khiến các phương tiện lưu thông cùng chiều buộc phải lấn vạch sang hướng đối diện mới có thể lưu thông được tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, dễ xảy ra tai nạn giao thông do tại thời điểm xảy ra sự việc lực lượng chức năng chưa có mặt kịp thời. Cũng theo nội dung clip thì sự việc xảy ra vào ngày 18/9, trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai hướng đi Lào Cai tại km 210.
Theo một đoạn clip khác, xe tải loại 1,5 tấn mang BKS 14C-145.XX đang dừng đỗ sát lề bên phải cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Thùng xe tải này được lấp đầy bởi lưu huỳnh cùng với lá cây, chỉ được che chắn sơ sài bằng một vài bao tải dứa.
Theo anh Nguyễn Văn S. thì: “Lưu huỳnh được xác định là hàng hóa nguy hiểm, có khả năng gây độc tới môi trường và sức khỏe con người nên theo quy định, quá trình bốc dỡ, vận chuyển lưu huỳnh phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ về việc vận chuyển, bốc dỡ hóa chất nguy hiểm, không được để rơi vãi bừa bãi ra môi trường. Tuy nhiên, quá trình vận chuyển lưu huỳnh của đơn vị vận chuyển cũng giống như các mặt hàng hóa thông thường khác. Vì không có biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường nên trong quá trình vận chuyển để loại hóa chất này liên tục rơi vãi trực tiếp ra mặt đường”.
Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã liên hệ với Đội trưởng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Cục Cảnh sát giao thông thì được biết vẫn chưa xác định được cá nhân, đơn vị nào vận chuyển gây rơi vãi lưu huỳnh ra mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai vào sáng ngày 18/9. Cũng theo vị này thì trách nhiệm xử lý dọn dẹp mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai thuộc về phía VEC (Tổng công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam). Quá trình xử lý, dọn dẹp lưu huỳnh trên mặt đường, VEC phải có trách nhiệm phân luồng đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn đường trên, nếu xảy ra sự cố trong quá trình xử lý sự việc thì VEC phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trong khi đó, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Công Hưng – Chánh văn phòng VEC xác nhận sự việc xảy ra vào ngày 18/9, đồng thời đề nghị với phóng viên trao đổi với cán bộ chuyên môn phụ trách tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai để có thông tin chi tiết hơn.
Theo ông Phong, cán bộ phụ trách tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai của VEC, trong quá trình tuần tra, cán bộ chuyên môn của đơn vị phát hiện ra sự cố. “Ngay sau khi phát hiện ra sự việc chúng tôi đã đưa phương tiện và nhân lực ra tiến hành dọn dẹp mặt đường, xử lý sự việc theo quy trình”. Tuy nhiên khi được hỏi về phương tiện thu gom lưu huỳnh mang BKS 14C-145.XX đang dừng đỗ sát lề bên phải xuất hiện trong clip thì ông Phong cho biết đơn vị mình không có phương tiện nào mang BKS 14.
Cũng theo đại diện của VEC thì hiện đơn vị cũng chưa xác định được phương tiện nào gây rơi vãi lưu huỳnh ra mặt đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai do tại km 210 hướng đi Lào Cai chưa lắp đặt camera quan sát.
Lưu huỳnh lộ thiên vô cùng độc hại với sức khoẻ và môi trường
Trước việc nhiều người chủ quan về tác hại mà lưu huỳnh gây ra, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, lưu huỳnh công nghiệp là hóa chất, phải tuân thủ các quy định trong quá trình vận chuyển, lưu kho bãi được quy định tại Quy chuẩn 05 của Bộ Công Thương về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất.
"Những quy định này nhằm hạn chế tối đa những sự cố hóa chất, sự cố môi trường trong quá trình lưu kho, vận chuyển và sản xuất. Ở các nước khác, quy định rất rõ lưu huỳnh không được lộ thiên mà phải được cất giữ trong bồn kín. Trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ, bao gói cũng được kiểm soát chặt chẽ”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Dương Tùng không đồng tình với quan điểm cho rằng, việc vận chuyển lưu huỳnh không độc hại nên “tập kết tạm thành bãi” cũng không nghiêm trọng.
Hoàng Dương Tùng cảnh báo, mọi người đang lầm tưởng rằng lưu huỳnh không độc hại. Thực chất lưu huỳnh vô cùng độc hại, khi ngấm vào nguồn nước, nó có thể gây nguy hiểm, gây ngộ độc và chết cho các sinh vật sống như tôm, cua, cá, ngao, sò,... Nếu con người ăn phải những sinh vật nhiễm lưu huỳnh thì cũng có nguy cơ bị nhiễm độc gián tiếp. Ngoài ra, khi đốt lưu huỳnh ở nhiệt độ cao, khí SO2 sẽ được hình thành, gây ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, mưa axit…
PV