Đông Nam Á trước nỗi lo biến đổi khí hậu
Theo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, biến đổi khí hậu là một thách thức quan trọng mà Đông Nam Á phải đương đầu khi khu vực này đang tìm cách mở rộng nền kinh tế.
Hàng loạt những cảnh báo
Báo cáo của McKinsey cũng nêu bật một số hiểm họa khí hậu tiềm ẩn mà các quốc gia ở Đông Nam Á phải đối mặt. Các quốc gia này được gọi là “châu Á mới nổi” bao gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Từ năm 2050, trong một năm trung bình ở bất kỳ nơi nào trong khu vực Đông Nam Á sẽ trải qua sự gia tăng nhiệt độ và độ ẩm. Điều này gây rủi ro từ 8-13% GDP cho nền kinh tế ở những nước này. Khả năng lượng mưa cực đoan tăng gấp 3 hoặc 4 lần vào năm 2050 ở Indonesia.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 ở Bangkok (Thái Lan) vào tháng 11 năm ngoái, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres từng cảnh báo châu Á, và cụ thể hơn là Đông Nam Á, là khu vực trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Khu vực Đông Nam Á - hơn 620 triệu dân nhận thấy rõ về mối liên hệ giữa khủng hoảng khí hậu, phát triển bền vững, hòa bình và an ninh con người.
Năm 2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lưu ý, rằng nhiệt độ trung bình ở Đông Nam Á đã tăng lên sau mỗi thập kỷ kể từ năm 1960. Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong 20 năm qua.
Thực tế, trong năm 2020, nhiều nước Đông Nam Á đã vật lộn với những hình thái thời tiết cực đoan chưa từng có. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế về các vấn đề châu Á, trong năm 2020, hơn 500.000 người đã phải di dời do thiên tai liên quan đến thời tiết khắp khu vực Đông Nam Á.
Trong khi đó, các nhà dự báo của AccuWeather cho rằng: Tình trạng ẩm ướt tổng thể được dự báo từ Indonesia và Malaysia đến lục địa Đông Nam Á. Những điều kiện ẩm ướt dai dẳng này có thể dẫn đến lũ lụt. Các vùng nhiệt đới vẫn bị đe dọa trong mùa đông này.
Tính đến ngày 30/10/2020, đã có 20 cơn bão nhiệt đới, 9 trong số đó đã trở thành Cuồng phong. Cơn bão mạnh nhất là Goni, hình thành ở phía Đông Philippines vào cuối tháng 10 và nhanh chóng trở thành siêu bão với sức gió duy trì tối đa ít nhất là 120 dặm/giờ (195 km/giờ).
Nhiều thành phố lớn nguy cơ bị chìm
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố kế hoạch chuyển thủ đô từ Jakarta đến Đông Kalimantan khi Jakarta là một trong những thành phố đang bị chìm dưới mực nước biển với tốc độ nhanh nhất thế giới. Nhưng đây không phải thành phố chìm duy nhất ở Đông Nam Á.
Thái Lan có thể là quốc gia tiếp theo ở Đông Nam Á di dời thủ đô của mình sau khi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chia sẻ rằng chính phủ của ông sẽ cân nhắc về vấn đề này. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, 40% diện tích Bangkok có thể bị ngập trong vòng 12 năm tới. Điều này càng đáng lo ngại khi thủ đô của Thái Lan được xây dựng trên vùng đầm lầy với cao độ chỉ khoảng 1,5 m so với mực nước biển.
Philippines đang phải đối mặt với nguy cơ bị biến mất hoàn toàn trong vòng 80 năm nữa, do nước biển dâng kết hợp với nền đất bị sụt lún. Manila thủ đô của Philippines là một trong những thành phố dễ bị bão nhất.
Trong khi đó, TP.HCM, các tỉnh, thành khu vực Nam Bộ đang chịu tác động nặng của biến đổi khí hậu. Theo ông Gilles Erkens từ Deltares, chuyên viên viện nghiên cứu độc lập ở Hà Lan nói rằng thành phố đông dân nhất Việt Nam đã chìm xuống 50 cm trong vòng 25 năm qua. Phía Nam thành phố đã ở dưới mực nước biển 160 cm trong lúc đó triều cao nhất đạt 172 cm.
Biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định lâu dài của khu vực ở Đông Nam Á. Mặc dù những người không tự nguyện di dời do thiên tai có xu hướng là người di cư trong nước ngắn hạn, nhưng tác động tổng hợp của các điều kiện khí hậu mới có thể sẽ gây ra tình trạng di cư lâu dài trên diện rộng vượt qua biên giới quốc tế và làm tăng khả năng bất ổn trong khu vực.
Ngay cả khi chúng ta cùng nhau quản lý để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu lên 2,4 ° C, thì mực nước biển dâng cao 50-70 cm dự kiến vào cuối thế kỷ này sẽ ngày càng đe dọa 77% người Đông Nam Á sống dọc theo bờ biển hoặc ở vùng thấp, các châu thổ sông.
Đến năm 2050, triều cường hàng ngày sẽ làm ngập lụt các khu vực có hơn 48 triệu người ở Đông Nam Á hiện đang sinh sống, trong khi mức lũ trung bình hàng năm được dự đoán sẽ làm ngập lụt nhà cửa của hơn 79 triệu người. Đồng thời, các mối đe dọa trực tiếp của mực nước biển dâng và siêu bão sẽ gây mất an ninh lương thực và nguồn nước trong toàn khu vực.
Minh Tuệ