Thứ sáu, 22/11/2024 15:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 25/06/2022 15:00 (GMT+7)

Đồng Nai huỷ bỏ gần 1.000 dự án có thu hồi đất do chậm tiến độ

Theo dõi KTMT trên

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh để công bố kết quả về việc triển khai thực hiện các dự án có thu hồi đất trên địa bàn.

Hơn 45% dự án có thu hồi đất bị hủy bỏ

Theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2015 đến đầu năm 2022, ngành chức năng tỉnh đã thông qua danh mục đầu tư 2.210 dự án có thu hồi đất với tổng diện tích gần 16.100 ha. Trong số này, có 1.670 dự án thuộc dạng đầu tư công và 540 dự án ngoài ngân sách với diện tích đất thu hồi.

Trong tổng số dự án đã được HĐND tỉnh thông qua, chỉ có 1.215 dự án với diện tích hơn 8.300 ha có hiệu lực thực hiện. Còn lại, gần 1.000 dự án với tổng diện tích đất cần thu hồi hơn 7.000 ha đã bị hủy bỏ.

Trong 1.215 dự án có hiệu lực thực hiện, tổng diện tích đất cần thu hồi lên đến gần 8.400 ha. Nhưng chỉ mới có 612 dự án với diện tích khoảng 1.500 ha là thực hiện xong. Số còn lại đang trong tình trạng dang dở, nhiều dự án "giậm chân tại chỗ" trong thời gian dài.

Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai cũng thông tin thêm: Mỗi năm, Đồng Nai đều đưa vào kế hoạch sử dụng đất khoảng 1.500 dự án trên các lĩnh vực, trong đó có đến hơn 80% dự án chuyển tiếp từ những năm trước qua và số dự án hoàn thành chiếm tỉ lệ rất thấp. Qua rà soát, hiện trên địa bàn Đồng Nai có đến 100 dự án chậm triển khai, công việc thu hồi dự án rất khó khăn. Hiện tỉnh đang cho sàng lọc, sẽ thu hồi dự án đối với những nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện. 

Đồng Nai huỷ bỏ gần 1.000 dự án có thu hồi đất do chậm tiến độ - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Lý giải về vấn đề trên, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: Trong quá trình triển khai tại các huyện, thành phố, nhiều dự án đã vấp phải một số khó khăn liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và nhiều luật khác, dẫn đến nhiều dự án phải hủy bỏ vì quá 3 năm chưa thể tiến hành thu hồi đất.

Nguyên nhân cụ thể là do khâu xây dựng kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện còn kéo dài; hồ sơ đã gửi sở, ngành góp ý kiến nhưng địa phương vẫn tiếp tục điều chỉnh, bổ sung dự án nên khó khăn trong việc thẩm định, trình phê duyệt; Thiếu thông tin trong quá trình tổng hợp, rà soát hồ sơ; chủ đầu tư gặp khó khăn trong công tác bồi thường; năng lực đầu tư, khả năng tài chính của một số chủ đầu tư chưa đáp ứng; quy hoạch chưa phù hợp phải điều chỉnh; UBND cấp huyện đăng ký quá nhiều dự án nên không đủ nguồn lực thực hiện…

UBND tỉnh cho rằng, các địa phương trên địa bàn đã chủ động rà soát, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua danh mục các dự án thu hồi đất; từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trên địa bàn, nhiều dự án có thu hồi đất còn tồn tại hạn chế, thiếu sót. Nhiều dự án không khả thi, phải hủy bỏ.

Nhiều hệ luỵ nghiêm trọng từ việc quản lý dự án “treo”

Thực tế, hệ lụy từ các dự án “treo” đã và đang tạo ra những tác động đa chiều tới đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vấn đề quy hoạch treo này được nhắc đến trong các báo cáo và tham luận về chính sách pháp luật đối với công tác quy hoạch. Các đại biểu tham dự cho rằng, những dự án treo, quy hoạch treo tồn tại lâu năm khiến đời sống người dân trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn, gây bức xúc trong dư luận.

Điển hình hệ luỵ từ việc này là khiến tỉ lệ hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất rất kém, gần như bằng 0 - nghĩa là không đóng góp gì cho tăng trưởng kinh tế. Các dự án “treo” trên diện rộng làm thui chột môi trường đầu tư tại nhiều địa phương, trong khi nhiều nhà đầu tư có tiềm năng không với tay tới đất được, thì những nhà đầu tư thiếu năng lực lại tìm mọi cách xí phần rồi để đất hoang hóa.

Khi môi trường đầu tư kém thì môi trường kinh doanh cũng thiếu hiệu quả. Dẫn tới thu hút đầu tư yếu dần và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI ngày càng đi xuống. Đặc biệt, những người dân sống trong vùng quy hoạch “treo” phải chịu cảnh “đi không nỡ, ở không xong” - muốn sửa chữa nhà bị xuống cấp cũng khó, muốn bán lại càng không có khách ngó ngàng. Ai đã từng ở trong khu quy hoạch “treo” thì mới thấy khổ trăm bề; có nhiều dự án “treo” từ đời ông đến đời cha… nhưng cũng chưa biết đến khi nào hết… “treo”. Ở mức cao hơn, đất thu hồi tại các dự án “treo” quá lâu luôn bị người dân khiếu nại đòi lại đất cũ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Để xảy ra tình trạng dự án “treo”, dự án chậm triển khai thực hiện trong nhiều năm, có nhiều nguyên nhân từ công tác quản lý lỏng lẻo của các cấp, các ngành; Thiếu sự kiểm soát và xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng trong thu hồi đất; thiếu thể chế quản lý tiến độ thực hiện của các dự án, công trình.

Mặt khác, các quy định pháp luật ở nước ta vẫn còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn. Theo Luật Đất đai 2003, các dự án “treo” sẽ bị thu hồi đất và trả lại phần tài sản đã đầu tư trên đất, trừ trường hợp các dự án được UBND cấp tỉnh gia hạn. Luật Đất đai 2013 thì rẽ sang giải pháp khác: Dự án “treo” được gia hạn thêm 24 tháng, nếu vẫn bị “treo” thì Nhà nước thu hồi đất và tịch thu toàn bộ tài sản đã đầu tư trên đất của dự án. Trong khi đó, Luật Đầu tư thì quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút giấy phép đã được cấp.

Bên cạnh đó, nhiều dự án chậm triển khai là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập; có dự án, chủ đầu tư đã sẵn sàng nguồn tài chính, thì mặt bằng chưa có “đất sạch”. Đồng thời, nhiều dự án bị “treo” là do các chủ đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn tìm mọi cách đề xuất dự án đầu tư để được địa phương giao đất hoặc cho thuê đất, rồi giữ dự án chờ đất tăng giá để chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác, hưởng lợi giá trị đất đai tăng thêm (địa tô chênh lệch không do người sử dụng đất tạo ra). Thậm chí, có những dự án, chính quyền địa phương không thể liên hệ được với chủ đầu tư để giải quyết những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Hạ” và thu hồi các dự án “treo” tồn tại quá lâu là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện. Điều quan trọng là các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần phải thật sự cương quyết, có các biện pháp xử lý dứt điểm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Với những dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không đủ năng lực cần có biện pháp thu hồi, giao cho doanh nghiệp khác có đủ năng lực tài chính triển khai thực hiện dự án, để không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đưa ra giải pháp xử lý đối với các dự án “treo”, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, giải pháp xử lý bằng công cụ thuế, đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt tài chính mạnh đối với dự án “treo” cũng lũy tiến theo thời gian bị “treo” là phù hợp hơn cả. Ngân sách địa phương thu được thêm, còn nhà đầu tư có dự án “treo” tự “xót tiền” mà chủ động chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.

Đồng thời, để dự án thu hồi đất phát huy hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thời gian tới, tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm của những địa phương đề nghị danh mục thu hồi đất nhiều nhưng làm chậm. Đồng thời, tỉnh phải nghiên cứu tham mưu Ban thường vụ Tỉnh ủy để ban hành nghị quyết chuyên đề về việc xử lý các dự án có thu hồi đất chậm thực hiện, kéo dài.

Huỳnh Mai (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai huỷ bỏ gần 1.000 dự án có thu hồi đất do chậm tiến độ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới