Đồng Nai: Hướng đến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiệu quả
Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ tiêu giai đoạn 2022-2025 có 100% hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ khó đạt do ý thức của đại đa số người dân đối với phân loại rác chưa có, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được.
Theo đề án Quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2022-2025, đề án có tổng kinh phí dự kiến hơn 5,1 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 sẽ được rà soát bổ sung phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn kinh phí từ kinh phí sự nghiệp môi trường (cấp tỉnh và cấp huyện) hơn 2,6 nghìn tỷ đồng; kinh phí xây dựng cơ bản hơn 129 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải hơn 2,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đề án đặt chỉ tiêu năm 2025, tỷ lệ hộ gia trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đạt 100%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nên cân nhắc chỉ tiêu để phù hợp với thực tế và đảm bảo tính khả thi.
Theo ông Phan Văn Hết, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, phân loại CTRSH tại nguồn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đó là ý thức trách nhiệm của người dân, là xe chở rác, điểm tập kết, công nghệ xử lý chất thải... Hiện tại, ý thức của đại đa số người dân đối với phân loại rác chưa có, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được, do đó chỉ tiêu giai đoạn 2022-2025 có 100% hộ dân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn sẽ khó đạt.
“Phân loại CTRSH tại nguồn không thể du di mãi, nhưng cần phải hoàn chỉnh hạ tầng từ trạm trung chuyển, xe chở rác đến công nghệ xử lý trước khi yêu cầu người dân thực hiện. Tôi cho rằng, 3 năm nữa không thể đạt 100% hộ dân thực hiện phân loại rác, tôi đề nghị giảm tỷ chỉ tiêu này còn 95% vào năm 2025 và đến năm 2030 đạt 100%” - ông Hết kiến nghị.
Tương tự, ông Nguyễn Công Ngôn, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ - pháp luật (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng nai) chia sẻ, phân loại CTRSH tại nguồn là phải làm, phải xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch, giải pháp để người dân “chịu” làm và duy trì. Tuy nhiên, đặt chỉ tiêu cao, cố gắng đi vận động người dân ký cam kết thực hiện nhưng các điều kiện đi kèm như: thùng chứa, xe thu gom, vận chuyển rác, công nghệ xử lý không tốt thì cũng đâu lại vào đó. Ngoài ra, chỉ tiêu 100% hộ dân phân loại rác vào năm 2025 là không khả thi, cần điều chỉnh để đạt số thực chất và hiệu quả.
Đồng Nai tuy là địa phương đã có hơn 10 năm thực hiện phân loại rác nhưng chưa giảm được rác thải cần phải xử lý. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, thiết bị, phương tiện thiết yếu phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH chưa đồng bộ.
Về vấn đề này, theo GS-TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TP.HCM, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, để có thể quản lý CTRSH đồng bộ, hiệu quả hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, tỉnh cần tăng cường phân loại rác tại nguồn, đồng thời xử lý chất thải theo hướng chuyển đổi thành năng lượng, vật liệu tái sử dụng. Xây dựng các văn bản để áp dụng chế tài xử phạt đối với chủ nguồn thải, đơn vị dịch vụ không tuân thủ quy định.
Tương tự, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE), kiêm Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường TP.HCM tỏ ra băn khoăn, Đồng Nai đang triển khai dự án xây dựng nhà máy đốt CTRSH phát điện quy mô 1,2 ngàn tấn/ngày đồng thời đưa ra định hướng đến năm 2025 chuyển đổi công nghệ xử lý hiện có sang đốt rác thu hồi năng lượng, như vậy có nên phân loại rác.
“Phân loại rác là để tái chế, tái sử dụng nhiều nhất có thể. Đã phân loại hết thì lấy gì cung cấp cho các nhà máy đốt rác, còn phân loại rồi mà lại đưa vào lò đốt thì phân loại để làm gì?” - ông Sỹ nhận định.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 2.018 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom xử lý đạt 100%. CTRSH trên địa bàn Đồng Nai đang được xử lý tại 04 Khu xử lý chất thải (KXLCT) theo quy hoạch.
Trong đó, KXLCT Quang Trung xử lý khoảng 1.200 tấn/ngày, KXLCT Vĩnh Tân 450 tấn/ngày, KXLCT Túc Trưng khoảng 110 tấn/ngày. Các dự án này đều đạt tỷ lệ chôn lấp CTRSH dưới 15% với phương pháp tái chế chất thải thành mùn compost, công suất cơ bản đáp ứng được khối lượng CTRSH phát sinh giai đoạn từ nay cho đến năm 2025.
Đồng Nai đặt mục tiêu giảm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt xuống còn khoảng 5%. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi ngoài Đề án, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 khu xử lý đã đảm bảo chôn lấp dưới 15%, một số khu đang đầu tư dây chuyền, lò đốt để được tham gia đấu thầu xử lý chất thải sinh hoạt.
Bên cạnh đó, Đồng Nai đang đẩy mạnh thực hiện phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai dự án Nhà máy đốt rác phát điện quy mô 800 tấn/ngày (giai đoạn 1), dự án này sẽ giải quyết khoảng 50% tổng lượng rác phát sinh của toàn tỉnh. Tỉnh cũng cần các Bộ, ngành hỗ trợ định hướng công nghệ, quy chuẩn kỹ thuật, khung giá xử lý chất thải theo loại công nghệ đốt.
Vũ Thanh