Thứ sáu, 29/03/2024 17:39 (GMT+7)
Thứ năm, 28/04/2022 16:00 (GMT+7)

Đồng Nai hướng đến nền kinh tế bền vững, chú trọng đầu tư tăng trưởng xanh

Theo dõi KTMT trên

Đồng Nai là một trong 5 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế nên ngoài thực hiện theo chủ trương của Chính phủ về tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, Đồng Nai còn đề ra nhiều kế hoạch, giải pháp riêng trong nhiều ngành kinh tế.

Đặt mục tiêu tăng trưởng xanh lên hàng đầu

Thời gian qua, Chính phủ đã không ngừng đẩy mạnh, tăng cường kết nối giữa các địa phương với doanh nghiệp (DN) trong nước, nước ngoài, các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững. Từ đó, tìm ra những giải pháp phù hợp để hút các nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế của từng địa phương.

Tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia điển hình trong thực hiện mạnh mẽ các sáng kiến đổi mới để phát triển bền vững và đưa ra gói kích thích mới có quy mô dự kiến là 186 tỷ USD với hy vọng tạo ra 2,5 triệu việc làm. Việt Nam cũng sớm xác định tăng trưởng xanh là con đường phát triển bền vững nên đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu.

Đồng Nai hướng đến nền kinh tế bền vững, chú trọng đầu tư tăng trưởng xanh - Ảnh 1
Đồng Nai thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Để đạt được điều đó, vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã chọn tỉnh Đồng Nai là nơi thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp (KCN) sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến sẽ hoàn thành trong 2-3 năm tới và sẽ được nhân rộng ra các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.

Được biết, hơn 14 năm trước, tại tỉnh Đồng Nai đã có chính sách thu hút đầu tư vào các KCN có chọn lọc. Những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, công nghệ lạc hậu đều bị từ chối và tỉnh ưu tiên mời gọi các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Mục tiêu của tỉnh hướng đến mô hình công nghiệp xanh góp phần xây dựng nền kinh tế xanh.

Bà Nguyễn Thị Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và XI đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Vì vậy, 31 KCN của tỉnh đi vào hoạt động đều phải xử lý nước thải tập trung. Gần đây, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã theo xu hướng chuyển đổi công nghệ, sử dụng ít lao động hơn và trong sản xuất những công đoạn có ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động DN chuyển sang dùng robot”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng thông tin thêm, Đồng Nai vừa được Chính phủ phê duyệt bổ sung thêm 6,5 ngàn ha đất phát triển KCN. Dự kiến, Đồng Nai sẽ hình thành 8 KCN nữa và tỉnh sẽ ưu tiên phát triển KCN sinh thái.

Trong phát triển công nghiệp xanh tại Đồng Nai, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được coi là đầu tàu, góp phần thúc đẩy DN trong nước cùng thực hiện. Hiện KCN Amata (TP.Biên Hòa) được Bộ KH-ĐT chọn làm điểm KCN sinh thái vì có các DN FDI đã đạt được nhiều tiêu chí về sản xuất xanh.

Cần đạt được nhiều tiêu chí mới có thể phát triển bền vững

Trên thực thế, đến thời điểm hiện tại, các nhãn hàng trên thế giới đều yêu cầu các đối tác phải ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng may mặc TAL Việt Nam, ông James Phillips, cho hay, hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chí về sản xuất bền vững, trách nhiệm với môi trường, người lao động cho nhà cung cấp. Do đó, các DN may mặc Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển.

“Muốn đáp ứng được những yêu cầu trên, DN sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước, sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường. Đồng thời, DN hoạt động phải có trách nhiệm với môi trường và xã hội”, ông James Phillips chia sẻ.

Đồng Nai hướng đến nền kinh tế bền vững, chú trọng đầu tư tăng trưởng xanh - Ảnh 2
Tự động hóa đang hỗ trợ phát triển công nghiệp xanh tại Đồng Nai.

Ngoài ra, trên các lĩnh vực khác như: sản xuất máy móc thiết bị và phụ tùng; máy tính, linh kiện điện tử; phương tiện vận tải; giày dép; xơ sợi dệt; sản phẩm gỗ; các loại nông sản, thực phẩm chế biến…, các đối tác nước ngoài cũng yêu cầu ngày một cao về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa.

Trong cuộc đua giành thị phần, DN đi trước trong chuyển đổi xanh, đáp ứng được các yêu cầu về phát triển bền vững sẽ có nhiều cơ hội hợp tác tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng Nai nằm trong tốp 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, muốn giữ vững ngôi vị này các DN buộc phải đạt được các tiêu chí về sản xuất xanh theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài.

Huỳnh Huỳnh

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai hướng đến nền kinh tế bền vững, chú trọng đầu tư tăng trưởng xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.
Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.