Đồng Nai đầu tư xây dựng hàng loạt dự án thoát nước quy mô lớn
Theo kế hoạch đầu tư công giai đoạn năm 2021 -2025, tỉnh Đồng Nai sẽ đầu tư xây dựng 22 dự án liên quan đến cấp thoát nước trên địa bàn.
Tại Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh Đồng Nai về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, tỉnh có 12 dự án thoát nước tại các huyện, thành phố. Nhiều dự án lớn có tổng mức đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng như: Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong (huyện Long Thành) có mức đầu tư khoảng 584 tỷ đồng, Tuyến thoát nước dải cây xanh tại huyện Nhơn Trạch có mức đầu tư hơn 310 tỷ đồng; Dự án chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan tại TP. Biên Hòa là hơn 267 tỷ đồng...
Còn theo danh mục dự án và phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đồng Nai dự kiến thực hiện 22 dự án thuộc lĩnh vực cấp, thoát nước. Các công trình này được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1,1 ngàn tỷ đồng. Trong đó, thoát nước có 12 dự án bao gồm cả dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 và dự án giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, các dự án hạ tầng thoát nước chuyển tiếp như tuyến thoát nước dải cây xanh tại huyện Nhơn Trạch; chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan tại TP. Biên Hòa, hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong huyệnLong Thành… Các dự án này chủ yếu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, đã và đang trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng khởi công mới một số dự án trong điểm như tuyến thoát nước đường số 2 từ trung tâm huyện Nhơn Trạch đến hương lộ 19 huyện Nhơn Trạch; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT. Long Thành, huyện Long Thành giai đoạn ưu tiên; hệ thống thoát nước ấp Tân Đạt, ấp Tân Phát, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom… Đây là nhóm dự án ưu tiên cho các huyện đang trong quá trình phấn đấu lên đô thị.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch - Nguyễn Thế Phong cho biết, dự án có thời gian thực hiện 4 năm; tính đến tháng 9/2022, huyện đã giải ngân hết nguồn vốn bố trí cho giải phóng mặt bằng và đang triển khai thi công.
Còn theo đại diện UBND TP. Biên Hòa cho biết, trên địa bàn thành phố có 2 dự án thoát nước lớn dự kiến triển khai giai đoạn 2016-2020 gồm, dự án chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan và hệ thống thoát nước, xử lý nước thải TP. Biên Hòa. Vậy nhưng thực tế, các dự án này thời điểm đó chưa bố trí được vốn. Hiện dự án chống ngập úng rất cấp thiết và thành phố đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện trong thời gian sớm nhất. Từ năm 2018-2021, địa phương đã hoàn thành đầu tư 19 dự án thoát nước, cơ bản xử lý các điểm ngập nặng trước đây, còn một số điểm ngập cũ và điểm ngập mới phát sinh thành phố sẽ khắc phục.
Theo Kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai năm 2022 do UBND tỉnh ban hành đã nêu rõ, cả tỉnh hiện chỉ TP. Biên Hòa có 1 hệ thống thoát nước sinh hoạt đô thị với công suất hơn 1% tổng lượng phát sinh, các địa phương còn lại vẫn đang trong giai đoạn lập dự án khả thi. Về hạ tầng thoát nước, thời gian qua, tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa đường kết hợp đầu tư hệ thống thu gom nước mưa các tuyến đường huyết mạch; đầu tư hệ thống thoát nước; nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh hạn chế ngập nước đô thị. Tuy nhiên, tình trạng ngập cục bộ khi mưa lớn ở các đô thị, khu công nghiệp vẫn còn, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và giao thông.
Do đó, tỉnh Đồng Nai yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải tại các đô thị, khu vực có nguy cơ ngập đã được phân bổ kế hoạch đầu tư. UBND các huyện, thành phố rà soát các yêu cầu về bảo vệ môi trường khu đô thị, khu dân cư và đánh giá mức độ đạt được của địa phương so với yêu cầu, từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện; tổng hợp các dự án về thoát nước và xử lý nước thải đô thị đã, đang và chưa triển khai thực hiện trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, hiện Đồng Nai đã cơ bản kiểm soát được các loại chất thải rắn, nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp. Riêng nước thải sinh hoạt và thoát nước mưa còn thiếu các dự án do nguồn vốn đầu tư lớn, khó kêu gọi xã hội hóa. Do vậy, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, tỉnh ưu tiên các dự án hạ tầng thoát nước cho các địa phương đang phấn đấu thành đô thị.
Phong Văn