Thứ sáu, 29/03/2024 20:37 (GMT+7)
Thứ ba, 11/10/2022 08:50 (GMT+7)

Doanh nhân Việt Nam – Sự phát triển xuyên thế kỷ

Theo dõi KTMT trên

Doanh nhân Việt Nam là một cộng đồng rất đa dạng, hình thành từ nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội nhưng họ có một đặc điểm chung là làm công việc kinh doanh với mục tiêu đạt được sự giàu có và thành đạt.

Bài báo giấy

Doanh nhân trước hết phải làm ra lợi nhuận và biết đóng góp tích cực cho xã hội. Hầu hết các doanh nhân tập hợp trong một tầng lớp xã hội gọi là tầng lớp doanh nhân. Từ xưa đến bây giờ, doanh nhân Việt Nam chủ yếu cố gắng chiếm lĩnh thị trường nội địa trong nước. Nhưng thời nay các doanh nhân Việt Nam đã bắt đầu có những bước tiến mới đầu tư lớn ra nước ngoài.

Hình dáng Doanh nhân Việt Nam từ các thương lái thế kỷ XVI-XVIII

Thời kỳ từ thế kỷ XVI-XVIII là một thời kỳ đặc biệt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đất nước liên tiếp bị chia cắt bởi các cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều kéo dài hơn nửa thế kỷ và sau đó là sự phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài với cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hơn 200 năm. Tuy nhiên, thời kỳ Đại Việt bị chia cắt thành hai lãnh thổ riêng biệt Đàng Trong – Đàng Ngoài cũng đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc. Cùng với những thành tựu to lớn trong công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã thiết lập được một nền ngoại thương phát triển cực kỳ rực rỡ, tạo nên một nền kinh tế phát triển ổn định trong một thời gian khá dài…

Thế kỷ XVI-XVIII đã chứng kiến một thời kỳ phát triển khá hưng thịnh của hoạt động thương nghiệp. Một mặt do nhu cầu thoát khỏi sự gò bó của nông nghiệp cũng như sự phát triển tự thân của nó (chủ yếu là ở Đàng Trong), do điều kiện giao thông đi lại thuận lợi hơn trước, do nhu cầu của cuộc sống hàng ngày tăng lên, nên sự trao đổi hàng hóa ngày càng cần thiết… Mặt khác, sự hình thành của luồng giao lưu buôn bán quốc tế tác động mạnh mẽ đến các vùng lâu nay xa cách, đóng kín và làm cho nhu cầu hàng hóa đặc sản địa phương tăng lên không ngừng. Bên cạnh đó, một thời nhà Thanh đóng cửa buộc các thương nhân Trung Quốc cũng như nước ngoài phải dồn sang Việt Nam… Tất cả những điều đó vừa làm cho việc buôn bán với nước ngoài phát triển, vừa làm cho nội thương thêm nhộn nhịp.

Doanh nhân Việt Nam – Sự phát triển xuyên thế kỷ - Ảnh 1
Tranh vẽ thương cảng Hội An vào cuối thế kỷ XVIII

Theo ghi chép của sử cũ, ở các thế kỷ từ XVI-XVIII việc buôn bán với thương nhân nước ngoài đã phát triển và mở rộng hơn hẳn những thế kỷ trước. Bên cạnh những thương nhân Châu Á: Trung Quốc, Giava, Xiêm… quen thuộc và ngày càng đông đảo, đã xuất hiện các thuyền buôn Nhật Bản và đặc biệt là các thuyền buôn phương Tây: Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… Có thể nói đây là một bước phát triển cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Đại Việt nói chung và Đàng Trong nói riêng thời bấy giờ…

Các Doanh nhân hiến tặng tài sản trong Tuần lễ vàng

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trong niềm vui chung của hàng chục triệu đồng bào được làm dân của một nước độc lập thì một trong muôn vàn khó khăn đặt ra trước mắt với chính quyền non trẻ là nền kinh tế kiệt quệ…

Không chỉ nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ vì quân Pháp và Nhật đánh nhau rồi lại thêm quân đồng minh tràn vào mà tình hình tài chính quốc gia phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng: Kho bạc trống rỗng, thuế chưa thu được, Ngân hàng Đông Dương nằm trong tay tư bản Pháp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính: "Tiền mặt ở Ngân khố Trung ương lúc bấy giờ chỉ có 1.250.000 đồng, trong đó có 580.000 đồng bằng hào nát mà số nợ lại lên tới hơn 564.000.000 đồng…". Tình hình tài chính nguy ngập trong khi Chính phủ lâm thời lại phải chi tiêu nhiều việc khẩn cấp và quan trọng để tổ chức và chỉnh đốn bộ máy hành chính, sắm sửa vũ khí cho quốc phòng cùng các công cuộc kiến thiết quốc gia khác.

Đứng trước những thách thức đó, Chính phủ và Bộ Tài chính mà đứng đầu là Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đã đưa ra nhiều biện pháp để vượt qua khó khăn chưa từng có. Cùng với việc hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là phải huy động mọi nguồn lực để vừa nuôi bộ máy nhà nước, vừa phục vụ sản xuất, chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Chỉ 2 ngày sau khi tuyên bố đất nước được độc lập, ngày 4/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký sắc lệnh số 04 thành lập "Quỹ Độc lập". Sắc lệnh nêu rõ: "Lập tại Hà Nội và các tỉnh trong cả nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên giúp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của Quốc gia" và "Mọi việc quyên tiền và đồ vật và việc tổ chức sẽ đặt dưới quyền kiểm soát của Bộ Tài chính".

Tiếp sau đó, trong khuôn khổ "Quỹ độc lập", Chính phủ đã đề ra chương trình tổ chức "Tuần lễ vàng" từ ngày 17-24/9/1945, kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân, nhất là tầng lớp thương nhân trong xã hội. Tin Chính phủ lâm thời phát động "Tuần lễ vàng" từ Hà Nội nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh, thành trên cả nước.

Doanh nhân Việt Nam – Sự phát triển xuyên thế kỷ - Ảnh 2
Các tầng lớp công thương Hà Nội nô nức ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ vàng tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tháng 9/1945). Ảnh tư liệu

Nhân diễn ra "Tuần lễ vàng" Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc, ở phần đầu Người viết: "Cùng toàn quốc đồng bào! Ban tổ chức "Tuần lễ vàng" ở Hà Nội có mời tôi đến dự cuộc lễ khai mạc "Tuần lễ vàng". Vì bận việc, tôi không đến được, nhưng tôi có bức thư này ngỏ cùng toàn quốc đồng bào: Nhờ sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào ngót 80 năm nay, nhất là trong 5 năm nay, chúng ta đã xây đắp được nền tự do độc lập của chúng ta.

Ngày nay chúng ta cần củng cố nền tự do độc lập ấy để chống lại với sự dã tâm xâm lăng của bọn đế quốc Pháp. Muốn củng cố nền tự do độc lập ấy, chúng ta cần sức hy sinh phấn đấu của toàn quốc đồng bào; nhưng chúng ta cũng rất cần sức quyên giúp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có". Cuối thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh. Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận. Mong toàn quốc đồng bào làm tròn nghĩa vụ. Việt Nam độc lập muôn năm!".

"Tuần lễ vàng" ở Hà Nội khai mạc vào sáng 17/9/1945 tại thềm Nhà hát Lớn. Do bận công việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cố vấn Vĩnh Thụy (tức cựu hoàng Bảo Đại) thay mặt đọc diễn văn khai mạc. Sau lời khai mạc của cố vấn Vĩnh Thụy, đoàn người xếp hàng tiến đến hòm lớn đặt ngay trong sảnh nhà hát. Đi đầu là các nhà tư sản rồi tầng lớp trí thức và các tầng lớp dân chúng Hà Nội. Sau này bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ của nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô, chủ hiệu buôn tơ lụa nổi tiếng Phúc Lợi ở 48 Hàng Ngang kể lại: "Vợ chồng tôi cảm kích trước bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào cả nước khi cụ nói về trách nhiệm của người dân trước quốc gia non trẻ nên ngay trong ngày đầu tiên vợ chồng tôi đã ủng hộ 117 lạng vàng".

Tổng cộng từ khi được giác ngộ, gia đình nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Việt Minh, Chính phủ lâm thời 5.147 lạng vàng. Nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà chuyên sản xuất sơn cũng rất tích cực đóng góp tiền vàng, ông còn vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5 kg. Riêng ông Nguyễn Sơn Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng.

Doanh nhân Việt Nam – Sự phát triển xuyên thế kỷ - Ảnh 3
Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ trong ngày mở đầu Tuần Lễ Vàng tại Nhà hát lớn Hà Nội 17/9/1945 (hàng trước từ trái sang ông Bô, bà Hồ, thân mẫu ông Bô).

Ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ nổi tiếng Hà thành có hiệu vải ở 48 Hàng Đào cũng là một trong những tư sản đã tham gia đóng góp tích cực, bà Nguyễn Thị Lãm (bà Tam Kỳ) đã xếp lớp 300 lạng vàng vào hộp bánh đem ra đóng góp ủng hộ ngân khố quốc gia. Một nhà tư sản khác là bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn Lợi Quyền ở phố Hàng Ngang, bà Lai góa chồng năm 28 tuổi nhưng tự tay gây dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán tơ lụa. Bà đã đóng góp 109 lạng vàng, mặc dù khi đó hai con bà đang du học tại Pháp. Trân trọng tình cảm của bà Vương Thị Lai dành cho dân tộc, ngày 10/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng bà chiếc huy chương hình ngôi sao bằng vàng. Tấm huy chương này là quà tặng của Việt kiều yêu nước ở Trung Quốc gửi biếu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một gia đình tiêu biểu khác là ông bà Đỗ Đình Thiện. Sắc lệnh số 4 ngày 4/9/1945 đã cử ông bà Đỗ Đình Thiện "phụ trách Quỹ Trung ương ở Hà Nội" trong "Tuần lễ vàng". Để vận động mọi người ủng hộ cách mạng, bản thân ông bà đã làm gương khi ủng hộ 10 vạn đồng (trị giá 4 kg vàng) vào "Quỹ Độc lập" và 100 lạng trong "Tuần lễ vàng". Đặc biệt, ông bà Đỗ Đình Thiện còn bỏ ra 1 triệu đồng mua bức tranh của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh rồi sau đó tặng lại TP.Hà Nội. Ngoài ra còn rất nhiều nhà tư sản khác như: Chủ nhà in theo Công giáo Ngô Tử Hạ, ông Tống Minh Phương…

Doanh nhân Việt Nam – Sự phát triển xuyên thế kỷ - Ảnh 4
Những nhà hào phú, công thương và các tầng lớp nhân dân yêu nước hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ trong buổi Lễ "Tuần lễ vàng" đóng góp tiền, vàng ủng hộ quỹ độc lập, tại Nhà hát lớn Hà Nội, ngày 16/9/1945.

Trong "Tuần lễ vàng" các tầng lớp nhân dân cả nước đã quyên góp được 370 kg vàng và 20 triệu đồng Đông Dương. Riêng tại Hà Nội, các giới đã góp được 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc cùng tiền bạc và nhiều hiện vật khác, tổng trị giá lên 7 triệu đồng Đông Dương. Cảm kích trước tấm lòng vì nước của giới công thương Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng ủng hộ cho "Quỹ Độc lập", ngày 13/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với đại diện là các nhà tư sản ở Nhà hát Lớn và ngày đó đã trở thành "Ngày Doanh nhân Việt Nam".

Có một điều rất đáng khâm phục là các nhà tư sản Hà Nội biết rõ âm mưu của Thực dân Pháp muốn quay lại chiếm Việt Nam và nếu Thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam và Hà Nội thì chắc chắn công việc sản xuất, buôn bán của họ sẽ bị gây khó dễ nhưng họ vẫn chấp nhận. Có thể nói, công lao đóng góp của các nhà tư sản yêu nước Hà Nội cho cách mạng, cho kháng chiến chống Pháp là đáng trân trọng. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có con phố nào mang tên các doanh nhân yêu nước…

Các Doanh nhân tiêu biểu thời kỳ hiện nay

Doanh nhân Việt Nam hiện nay là một cộng đồng rất đa dạng, hình thành từ nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội nhưng họ có một đặc điểm chung là làm công việc kinh doanh với mục tiêu đạt được sự giàu có và thành đạt. Họ không chỉ là các ông chủ tư nhân mà còn bao gồm cả bộ phận cán bộ, lãnh đạo, quản lý và nghiệp vụ kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước; không chỉ là một bộ phận của trí thức mà còn có trong giai cấp nông dân, đội ngũ cán bộ, công chức...; là những người có hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng và có cả những người mới lập nghiệp nghèo nhưng có chí làm giàu.

Có thể nói, doanh nhân không phải là một giai cấp hay tầng lớp xã hội mà còn là một cộng đồng gồm hàng triệu người làm nghề kinh doanh có mức độ sở hữu, quyền lực và địa vị xã hội khác nhau, ít được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên môn, là lực lượng đông nhưng chưa mạnh, có tiềm năng phát triển lớn.

Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022: Tiêu chí hàng đầu là đạo đức và trách nhiệm. Các ứng viên phải là đại diện tiêu biểu xét theo 6 tiêu chuẩn Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố (bao gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình).

Ở nước ta hiện nay doanh nhân là ai? Hiện đã có hàng chục định nghĩa khác nhau về doanh nhân được công bố với nhiều quan niệm và cách hiểu khác nhau.

- Quan niệm thứ nhất, định nghĩa doanh nhân theo tiêu chí nghề nghiệp của họ trong xã hội. Cách định nghĩa này dựa vào sự giải thích từ “doanh nhân” của các từ điển. Có sự khác nhau trong quan niệm của giới học thuật nước ta về việc giải nghĩa từ doanh dẫn đến cách hiểu không giống nhau về danh tư doanh nhân. Doanh nhân có nghĩa rất rộng, gồm tất cả những người biết lo toan làm ăn; là tất cả những người làm việc trong lĩnh vực kinh tế, trước hết là nhóm những người làm công việc quản lý kinh tế, bao gồm những người làm công việc quản lý Nhà nước về kinh tế và những người hoạt động trong các doanh nghiệp.

- Quan niệm thứ hai về doanh nhân lại quá hẹp, chỉ bao gồm các ông chủ doanh nghiệp tư nhân, không bao gồm những người lãnh đạo các doanh nghiệp Nhà nước… Quan niệm như vậy đã loại những người làm kinh doanh cá thể, hộ gia đình và trong doanh nghiệp Nhà nước khỏi khái niệm doanh nhân.

-Quan niệm thứ ba về doanh nhân đã cố gắng khắc phục tính chất quá rộng hoặc quá hẹp của hai quan niệm trên.

-Doanh nhân là những người làm kinh doanh, là các nhà kinh doanh (hiểu là người làm kinh doanh lớn).

Muốn biết doanh nhân là ai thì cần nhận biết thế nào là kinh doanh. Kinh doanh, theo nghĩa rộng, là tất cả các hành vi có mục đích vị lợi, nhằm đạt được lợi nhuận cho chủ thể. Doanh nhân là một khái niệm rộng chỉ nhiều loại đối tượng người theo lĩnh vực hoạt động (sản xuất, dịch vụ, thương mại…) và quy mô khác nhau (cá thể, hộ gia đình, doanh nghiệp…). Hiện nay, trên thế giới cũng như nước ta, nói đến doanh nhân là người ta nghĩ ngay tới nhóm đối tượng tiêu biểu nhất của nó là những người sáng lập và lãnh đạo các doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, công ty lớn.

Nhìn chung, doanh nhân Việt Nam hiện nay là một cộng đồng gồm hàng triệu người, có vai trò ngày càng tăng lên trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Cộng đồng doanh nhân nước ta tăng trưởng nhanh trong thời kỳ đổi mới, đông nhưng không mạnh; quy mô đầu tư nhỏ và thu nhập thấp; trình độ, thái độ và kỹ năng nghề nghiệp thấp; rất khác nhau về mức độ trong những đặc điểm và tiêu chí chung; mối liên kết giữa các thành viên, nhóm, bộ phận trong nội khối yếu; nhân cách của họ chưa sáng trước xã hội. Đó là những hạn chế cần được khắc phục trên con đường phát triển của cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

Công cuộc đổi mới ở nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi, nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho phát triển nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân là đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phát triển đội ngũ doanh nhân là bước đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng ta khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Doanh nhân Việt Nam – Sự phát triển xuyên thế kỷ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nhạc sỹ Văn Cao tác giả Quốc ca Việt Nam
Ngày 16/8/1945 khai mạc Đại hội Đại biểu Quốc dân tại Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thông qua 3 Quyết định lớn trong đó Đại hội quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh ở giữa, Quốc ca là Tiến Quân ca của Văn Cao.

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.