Doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm giải thích vì sao liên tục thất hứa
Nhiều nguyên nhân khách quan được hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm đưa ra giải thích cho việc không có tiền để đóng như cam kết.
Chiều 19/5, Trưởng phòng quản lý đất, Cục thuế TP.HCM Võ Thanh Thủy đã đưa ra thông tin: Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega - hai đơn vị trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, chưa nộp tiền thuế sử dụng đất. Đơn vị này đang tiến hành cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Tuy nhiên, ngành thuế chưa thông tin về việc tài khoản cưỡng chế của hai doanh nghiệp có đủ tiền cưỡng chế hay chưa.
Trước đó, hôm 18/5, trong văn bản cung cấp thông tin cho Trung tâm Báo chí Thành phố, ông Thái Minh Giao, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM thông tin, tại văn bản số 03 và 04 của Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega gửi Cục Thuế TP.HCM, hai doanh nghiệp này cho biết đã gặp nhiều khó khăn phát sinh nằm ngoài dự đoán như phản ứng trái chiều của thị trường, các thông tin tiêu cực được "tung hứng"; hay việc bỏ cọc của hai công ty trúng đấu giá thật sự gây nhiều khó khăn cho việc đàm phán của công ty với các nhà đầu tư.
Mặt khác, hai công ty cũng cho rằng, cùng với diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế chính trị đang diễn biến khá phức tạp ở Đông Âu, đã có nhiều nhà đầu tư quay lưng với dự án. Tất cả những điều này đã gây không ít khó khăn cho dòng vốn của dự án trong giai đoạn hiện tại.
Song song đó, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết, Công ty Dream Republic và Công ty Sheen Mega từng đề xuất phương án "trả góp" tiền sử dụng đất thành 6 đợt, từ tháng 4-9/2022 nhưng không được sở ban ngành đồng ý.
Chính vì thế, hai doanh nghiệp này xin nộp 100 tỷ đồng để thể hiện thiện chí trước 30/4 và cam kết sẽ hoàn thành thanh toán 100% khoản tiền đấu giá trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày thông báo nộp tiền sử dụng đất (trễ nhất vào ngày 6/7/2022) theo đúng quy định tại hợp đồng mua bán tài sản đấu giá đã ký với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM.
Đồng thời hai doanh nghiệp này cũng đề xuất Cục Thuế TP.HCM hỗ trợ tham vấn với UBND TP.HCM xem xét không áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành thuế đối với Công ty trong khoản thời gian 180 ngày nêu trên.
Đến thời điểm hiện nay, hai doanh nghiệp này vẫn chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo đúng cam kết tại hai văn bản nêu trên và cũng không có văn bản chính thức gửi Cục Thuế giải trình lý do vì sao chưa nộp tiền.
Cục Thuế TP.HCM đang tiến hành cưỡng chế nợ thuế theo quy định tại Luật quản lý thuế đối với nợ quá hạn nhưng chưa thanh toán theo đúng quy định.
Quyết định cưỡng chế tài khoản ngân hàng vẫn đang có hiệu lực, đến hết 30 ngày kể từ khi ban hành quyết định cưỡng chế (tức ngày 6/6), nếu Chi cục Thuế TP Thủ Đức vẫn chưa thu được tiền thì nơi này sẽ báo cáo lên Cục Thuế TP.HCM để chuyển qua hình thức cưỡng chế khác là phong tỏa hó/a đơn trong vòng 1 năm.
Nhưng thời hạn 180 ngày sẽ kết thúc vào ngày 6/7/2022, đến lúc đó Sở Tài nguyên và môi trường phải trình UBND TP.HCM quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất và khi đó hai doanh nghiệp này sẽ bị mất tiền đặt cọc.
Khi có quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất, Cục Thuế TP.HCM sẽ ngừng cưỡng chế theo quy định.
Thời điểm này cơ quan thuế cũng đang tính tiền chậm nộp theo quy định 0,03%/ngày. Việc tính chậm nộp cho đợt đầu tiên đã áp dụng từ ngày 6/2 và từ ngày 7/4, doanh nghiệp bị tính thêm tiền chậm nộp đợt 2. Hiện số tiền chậm nộp hai doanh nghiệp này phải trả hơn 2,3 tỷ đồng/ngày.
Câu hỏi lớn về tiềm lực tài chính của hai doanh nghiệp khi đấu giá đất Thủ Thiêm
Về tiềm lực tài chính của hai doanh nghiệp này khi họ tham gia đấu giá đất Thủ Thiêm đang là câu hỏi lớn. Có một điểm giống nhau của 2 doanh nghiệp là cấu trúc tài sản và kết quả kinh doanh gần như chỉ mang tính "tượng trưng".
Theo tìm hiểu nhiều nguồn tin được biết , Công ty Dream Republic có quy mô khá khiêm tốn. Tổng tài sản của doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020 chỉ vỏn vẹn 8,7 triệu đồng, 15,9 triệu đồng, 20 triệu đồng và 15,7 triệu đồng. Doanh nghiệp cũng không hề phát sinh doanh thu kể từ khi thành lập. Sau 4 năm, Dream Republic lỗ lũy kế gần 450 triệu đồng, qua đó kéo vốn chủ sở hữu xuống âm 447,5 triệu đồng.
Còn với Công ty Cổ phần Sheen Mega, tổng tài sản của công ty này tính tới cuối năm 2020 chỉ đạt vỏn vẹn 27,6 triệu đồng; trong khi đó, doanh thu thuần cũng ở mức 0 đồng, khấu trừ chi phí khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế trên 202 triệu đồng.
Bùi Hằng