Thứ sáu, 26/04/2024 00:38 (GMT+7)
Chủ nhật, 05/12/2021 18:47 (GMT+7)

Tín hiệu tích cực: Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp một số tỉnh phía Nam, cho đến nay đã có nhiều doanh nghiệp phục hồi, tái sản xuất kinh doanh. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp trở lại hoạt động mạnh mẽ

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021, Bộ KH&ĐT cho biết, tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tỉ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng trước. Bên cạnh đó, tỉ lệ doanh nghiệp mới thành lập tăng 44,6%; Vốn đăng ký tăng 38% và tỉ lệ lao động tăng 30,2%.

Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM, trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách triệt để (quý 3/2021) cho đến nay, tốc độ tăng trưởng của thành phố giảm hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm các chỉ tiêu kinh tế của thành phố trong năm giảm mạnh. 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số ngành đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu ước tăng 2,8%, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 24,9%; Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng ước tăng 7,5%. 

Tín hiệu tích cực: Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp đang thích ứng với cuộc sống bình thường mới (Ảnh: TTXVN).

TP.HCM đã giải quyết tình trạng việc làm cho 300.437 người (đạt 101,1% kế hoạch), thu hút nước ngoài đạt khoảng 5,8-6 tỉ USD (tăng gần 11%), lượng kiều hối về thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD (tăng gần 9%).

Đặc biệt, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 362.040 tỉ đồng, đạt 99,22%. Hiện TP.HCM đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để đạt 100% dự toán năm.

Theo thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, tuy dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp bị giảm doanh thu, giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. Nhưng đến nay, đã có khoảng 95% doanh nghiệp trong tỉnh phục hồi, tái sản xuất kinh doanh.

Theo bà Lê Thị Lệ Hà - Trưởng phòng Nhân sự và Tiền lương thuộc Công ty cổ phần May Nhà Bè Sóc Trăng chia sẻ, công ty ngưng hoạt động trong thời gian dài do dịch Covid-19 đồng nghĩa với việc nhiều đơn hàng không giao được, thu nhập người lao động cũng không còn.

Nhưng với sự hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo tỉnh, công ty đã tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sóc Trăng để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Chị Hà cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, công ty đã thực hiện đạt 80% kế hoạch và dự kiến sẽ đạt chỉ tiêu đề ra trong năm 2021, bởi nguồn nguyên liệu có thể đáp ứng các đơn hàng mới đến năm 2022. 

Với sự tiếp sức từ các chính sách, tháo gỡ khó khăn kịp thời của chính quyền địa phương, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn lao động trở về từ các tỉnh, công ty sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng sản xuất trong thời gian tới.

Chính quyền nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

Để giúp doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn kéo dài, Chính phủ liên tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, mở rộng sản xuất như giảm mức đóng bảo hiểm, vay vốn..; Hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động…

Ngoài ra gần đây, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh phía Nam đã có cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp Mỹ tại hội thảo “Chung tay hợp tác tái mở cửa, phục hồi và phát triển khu vực kinh tế phía Nam”, do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam tổ chức, nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.

Tại tỉnh Cần Thơ, UBND Thành phố đã phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức hội thảo trực tuyến “Giải pháp phòng chống Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế”. Qua đó, đưa ra các giải pháp tổng thể “eCovax” chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế như: Chỉ đạo xanh; An sinh xã hội xanh; Ứng dụng trợ lý y tế ảo (AI) trong quản lý f0 tại nhà; Giải pháp quản lý doanh nghiệp xanh; Giáo dục xanh;… 

Từ đó, UBND TP. Cần Thơ hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn bộ người dân các thông tin cơ bản về dịch Covid-19; Tạo kênh kết nối giữa các doanh nghiệp, người dân với các bác sĩ, các nguồn hỗ trợ khi cần, cứu trợ kịp thời các f0 tại nhà; Giảm tải cho các bệnh viện tuyến đầu trong việc chữa trị các bệnh nhân Covid-19.

Cùng chung định hướng, Bí thư Tỉnh Bình Dương đã yêu cầu toàn tỉnh thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, bảo đảm mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững đà tăng trưởng. 

Đồng thời, tỉnh Bình Dương đặc biệt chú trọng những vấn đề như: Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch đất đai, tập trung công tác đầu tư công và giải ngân công tác đầu tư công, phải kiên định với mục tiêu quy hoạch đô thị có chất lượng; Tập trung quyết liệt hơn nữa công tác đền bù giải tỏa; Tạo sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp trong công tác phát triển đô thị,…

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Tín hiệu tích cực: Nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.