Thứ năm, 25/04/2024 13:56 (GMT+7)
Thứ năm, 28/11/2019 14:05 (GMT+7)

Điều trị nghiện bằng methadone làm giảm 40% hành vi vi phạm pháp luật

Theo dõi KTMT trên

Tỉ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40,8% xuống còn 1,34% sau hai năm tham gia điều trị methadone; tiết kiệm cho ngân sách nhà nước 4.372 tỉ đồng/năm. Điều trị nghiện bằng methadone giúp giảm tổng số trường hợp nhiễm mới HIV hằng năm từ khoảng 30 nghìn ca từ những năm 2006 - 2007 xuống còn khoảng 10 nghìn ca năm 2015.

Điều trị nghiện bằng methadone làm giảm 40% hành vi vi phạm pháp luật - Ảnh 1

Nghiện ma túy được coi là bệnh mạn tính của não bộ, chưa có phương thuốc đặc hiệu để chữa khỏi. Các giải pháp cai nghiện hiệu quả không cao, tỉ lệ tái nghiện lên đến hơn 90%. Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm điều trị methadone tại TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh từ tháng 4-2008. Đến nay, 63 tỉnh trên toàn quốc đã triển khai điều trị cho hơn 52 nghìn bệnh nhân, với hình thức cơ sở điều trị toàn diện và cấp phát thuốc tuyến xã.

Điều trị methadone làm giảm sử dụng ma túy, không còn tình trạng đói ma túy. Đồng thời thuốc methadone ngăn chặn các hiệu ứng phấn khích do tác dụng ma túy, góp phần điều chỉnh hành vi tâm lý, giúp người bệnh hiền lành hơn, sống hướng thiện hơn, dễ tìm được việc làm, có cơ hội để cải thiện cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động bình thường của xã hội, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử ở nơi làm việc theo khuyến cáo của UNAIDS. Điều trị methadone đã giúp làm giảm các hành vi bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Việc điều trị này giúp bệnh nhân giảm hành vi tiêm chích ma túy, từ đó dẫn đến giảm lây nhiễm HIV. Ngoại trừ năm tỉnh, thành phố ghi nhận một trường hợp nhiễm HIV mới, các tỉnh, thành phố báo cáo không phát hiện trường hợp nhiễm HIV mới trong tổng số bệnh nhân điều trị.

Kết quả từ các nghiên cứu do Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố thực hiện thời gian qua đều ghi nhận hiệu quả của điều trị methadone trong việc làm giảm đáng kể hành vi sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị.

Theo Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long, kết quả cho thấy, trước khi tham gia điều trị 100% bệnh nhân sử dụng heroin, sau 24 tháng tỉ lệ này chỉ còn 15,8%; trước điều trị hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 93,6% bệnh nhân sử dụng hơn 3-5 lần/ngày, tuy nhiên sau 24 tháng điều trị không có bệnh nhân nào sử dụng từ hai lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng ma túy trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng chỉ còn từ 2-3 lần/tháng.

“Đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm mạnh, bình quân giảm từ 40,8% xuống còn 1,34% sau hai năm tham gia điều trị methadone”, ông Long cho hay.

10 năm qua, chương trình điều trị nghiện bằng methadone đã góp phần làm giảm chi phí cho xã hội nói chung, giúp khắc phục những hậu quả khác của ma túy đối với xã hội. Theo ước tính, nếu không tham gia điều trị methadone, trung bình một người nghiện tiêu tốn 230.000 đồng/ngày mua heroin (84 triệu đồng/năm). Như thế, với hơn 52.000 bệnh nhân đang điều trị methadone, chương trình đã tiết kiệm được cho xã hội 4.372 tỉ đồng/năm. Tính từ thời điểm thí điểm năm 2008 cho đến nay, chương trình đã tiết kiệm cho xã hội khoảng 22.870 tỉ đồng (hơn một tỉ USD).

Chương trình đã góp phần quan trọng vào thành công của chương trình phòng chống HIV/AIDS trong thời gian vừa qua, nhất là giúp làm giảm mạnh lây truyền HIV qua đường máu nhất và các trường hợp nhiễm HIV mới, khi đã đưa tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy giảm từ khoảng 30% năm 2001-2002 xuống còn 9,5% năm 2016. Tổng số trường hợp nhiễm mới HIV hằng năm giảm từ khoảng 30.000 ca từ những năm 2006-2007 xuống còn khoảng 10.000 ca năm 2015.

Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, với các kết quả đạt được trong 10 năm qua và để đáp ứng với nhu cầu điều trị của bệnh nhân, nhất là việc hiện thực hóa mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy tại nước ta theo chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian tới đây, trong những năm tới, Cục sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai chương trình, nhất là tại các địa phương trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, tiếp tục đôn đốc, giám sát và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong việc mở điểm cơ sở điều trị, để qua đó tăng độ bao phủ của dịch vụ điều trị. Đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều trị và quản lý bệnh nhân. Cục sẽ tiếp tục tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho việc triển khai chương trình nhất là các chính sách liên quan đến nguồn lực tài chính và nhân lực; tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm các yêu cầu về nguồn lực đầu tư cho chương trình theo quy định.

Bạn đang đọc bài viết Điều trị nghiện bằng methadone làm giảm 40% hành vi vi phạm pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Festival phở 2024 tổ chức tại Nam Định
Từ ngày 15-17/3 diễn ra Festival phở năm 2024 được tổ chức tại Nam Định - địa phương nổi tiếng với món ăn truyền thống lâu đời của người Việt, thu hút hàng nghìn người tham gia.
Hà Nam: “Trắng đêm” giữ bình yên cho người dân đón Tết
Để ngăn chặn hành vi sử dụng chất liệu nổ, pháo hoa, pháo nổ trái phép trong đêm giao thừa cán bộ chiến sỹ công an xã Nhật Tân đã tổ chức tuyên truyền, tuần tra, lập chốt tại các điểm nóng, khu vực nhạy cảm, sử dụng flycam giám sát từ trên cao.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.