Chủ nhật, 28/04/2024 01:38 (GMT+7)
Thứ ba, 12/09/2023 06:19 (GMT+7)

Diện tích công viên cây xanh tại TP.HCM đang bị "xẻ thịt"

Theo dõi KTMT trên

Nhiều diện tích đất công viên cây xanh của TP.HCM đang bị lấn chiếm “xẻ thịt” làm nhà hàng, quán ăn, quán cà phê..., việc này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan, công tác quy hoạch, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường...

Nhiều diện tích đất công viên tại TP.HCM ngang nhiên bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích

TP.HCM hiện có 405 công viên, bao gồm: Các công viên công cộng và các công viên trong khu dân cư, với tổng diện tích hơn 500 ha. Trong 10 năm gần đây, tổng diện tích công viên, mảng xanh của thành phố tăng thêm ước đạt 250ha.

Đồng thời, tại Nghị quyết Đảng bộ TP.HCM lần XI, thành phố đặt chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025 tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên và 10ha mảng xanh công cộng. Đến năm 2030, đất công viên cây xanh (CVCX) ở thành phố đạt 1m²/người, tăng 450ha so với năm 2020. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều công viên lớn, mảng xanh tại thành phố hiện đang bị lấn chiếm, sử dụng sai công năng hoặc những khu đất quy hoạch làm công viên cũng đang bị chiếm làm của riêng.

Nguyên nhân nhiều diện tích đất công viên bị lấn chiếm được cho là do một số đơn vị được giao nhiệm vụ nhưng còn chậm triển khai như thiết lập ranh mốc, số hóa các công viên công cộng; rà soát thu hồi việc sử dụng, cho thuê đất công được quy hoạch đất công viên; rà soát các trụ sở, cơ quan, nhà dân, công trình chiếm dụng khai thác không đúng chức năng trên các mặt bằng công viên.

Diện tích công viên cây xanh tại TP.HCM đang bị "xẻ thịt" - Ảnh 1
Các phương tiện giao thông bủa vây công viên Hòa Bình tại quận 5 TP.HCM

Bên cạnh đó, công tác mời gọi đầu tư, khuyến khích các nguồn lực bên ngoài tham gia lĩnh vực công viên cây xanh còn gặp vướng mắc; chưa bố trí, cân đối được vốn về triển khai theo kế hoạch đã đề ra; công tác quy hoạch công viên hiện chưa đồng đều giữa các địa phương.

Việc nhiều diện tích công viên cây xanh bị lấn chiếm làm cho mảng xanh trong đã ít nay còn khan hiếm hơn, đồng nghĩa với việc người dân không có nơi vui chơi, giải trí. Không chỉ vậy, việc lấn chiếm công viên để làm bãi xe, bán hàng rong, nhà hàng, quán cà phê,… còn mất mỹ quan, hạ tầng công cộng xuống cấp nhanh chóng, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, môi trường bị đe dọa nghiêm trọng.

Theo Nhà báo Bùi Trọng Điển, hiện TP.HCM đang hướng tới một đô thị thông minh, sáng tạo, xanh và phát triển bền vững; trong đó phát triển công viên mảng xanh như một  trụ cột quan trọng. Để làm được điều này, đòi hỏi thành phố cần khắc phục ngay các bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải có đơn vị chịu trách nhiệm chính nếu để xảy ra việc công viên bị sử dụng sai mục đích, lấn chiếm; mảng xanh không được phủ đúng như quy hoạch, kế hoạch. Kiên quyết xử lý các chủ đầu tư khu đô thị, khu dân cư chây ì không thực hiện diện tích công viên cây xanh theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, đẩy nhanh việc huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển công viên không chỉ là vui chơi, nghỉ ngơi mà còn là địa điểm tham quan, du lịch lý tưởng cho người dân và du khách. Truyền thông để người dân tích cực tham gia phong trào trồng cây phân tán tại các khu vực mình sinh sống, đồng thời chú trọng việc bảo vệ hệ thống cây xanh ở từng con đường, tuyến phố.

Công tác quản lý lỏng lẻo, thiếu sự quyết liệt?

Điển hình, tại dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (CVLSVH) là công trình khoa học cấp quốc gia, được đầu tư mới đồng bộ, hiện đại và lớn nhất nước được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tiền khả thi vào tháng 5/1997. Dự án này do UBND TP.HCM là chủ đầu tư với tổng diện tích 395 ha. Trong đó chủ yếu nằm ở phường Long Bình, quận 9, TP.HCM và gần 27 ha nằm trên địa bàn Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao mặt bằng, Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc đã không quản lý tốt để lấn chiếm, tự ý cho một số doanh nghiệp thuê mặt bằng trên đất công viên.

Ngày 17/7/2018 Thanh tra TP.HCM đã có kết luận số 25/KL-TTTP-P5 về việc thanh tra công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất thuộc dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc. Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt những vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Theo kết luận thanh tra, tính đến ngày 31/12/2017, Trung tâm Đầu tư và Phát triển Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc ký kết 19 hợp đồng với 15 đơn vị, trong đó đa số là hợp đồng thuê mặt bằng, có một số hợp đồng với tiêu đề là Hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng thực chất là thuê mặt bằng. Tổng diện tích của 19 hợp đồng là hơn 35,4 ha.

Ngoài ra, tại đây còn có 24 trường hợp lấn chiếm mặt bằng sử dụng trái phép với tổng diện tích hơn 4,6 ha để kinh doanh quán cà-phê, giải khát, quán ăn, bãi xe cơ giới chuyên dùng, xe container, garage sửa xe…

Sau khi có kết luận thanh tra, Ban quản lý Công viên Lịch sử - Văn hoá dân tộc đã đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động, xây dựng tường rào, đào mương, cắm biển cảnh báo…nhưng người dân vẫn phá rào, mở lối đi khác. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm, một số hộ dân, doanh nghiệp vẫn không chịu bàn giao đất, thậm chí tái chiếm, bất hợp tác trong việc tuân thủ kết luận thanh tra.

Tương tự, hiện nay, trong khu dân cư Tân Quy Đông có nhiều người làm hàng rào ngăn cách, mở quán kinh doanh, buôn bán cà phê, ăn sáng, thậm chí có những hộ làm hàng rào sắt kiên cố, cổng đổ bê tông cốt thép,…

Diện tích công viên cây xanh tại TP.HCM đang bị "xẻ thịt" - Ảnh 2
Hàng trăm m2 đất công viên cây xanh tại khu dân cư Tân Quy Đông ngang nhiên bị Công ty TNHH ẩm thực Hàng Dương lấn chiếm trở thành địa điểm kinh doanh nhà hàng tại phường Tân Phong, quận 7 trong suốt nhiều năm nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Nổi bật là nhà hàng Hàng Dương Quán và Hàng Dương Sakura do Công ty TNHH ẩm thực Hàng Dương làm chủ đầu tư đã ngang nhiên lấn chiếm, sử dụng hàng trăm m2 phần đất công viên cây xanh tập trung để tổ chức kinh doanh bằng cách bố trí bàn ghế, lắp dựng khung sắt mái bạt cố định và di động. Đáng chú ý, việc lấn chiếm này đã kéo dài nhiều năm và vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Vấn đề Công ty TNHH ẩm thực Hàng Dương ngang nhiên “xẻ thịt” đất công viên đã gây bức xúc cho người dân địa phương và dư luận xã hội. Không chỉ vậy, việc kinh doanh trên đất công cộng còn gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến quy hoạch, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Theo tìm hiểu, việc Công ty TNHH ẩm thực Hàng Dương lấn chiếm đất công viên đã bị người dân nhiều lần phản ánh đến chính quyền thành phố. Để giải quyết tình trạng lấn chiếm tại khu dân cư Tân Quy Đồng, UBND thành phố và Sở Xây dựng có văn bản đề nghị UBND quận 7 và UBND phường Tân Phong xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, đến nay, tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.

Trước những phản ánh về tình trạng lấn chiếm đất công viên cây xanh, hành lang bảo vệ an toàn bờ sông. Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế môi trường đã liên hệ với UBND quận 7 và UBND phường Tân Phong. Tại buổi làm việc ngày 11/08 vừa qua, đại diện UBND phường Tân Phong xác nhận có tình trạng lấn chiếm như phản ánh.

Đồng thời, ông Phạm Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phong cũng cho biết, sau khi nhận được phản ánh và chỉ đạo từ lãnh đạo địa phương, thành phố, UBND phường đã nhiều lần kiểm tra, xử lý những công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép. Tuy nhiên, đến nay tại số 16 lô IV khu phố 2 vẫn còn tồn tại công trình trái phép lấn chiếm đất công viên của Nhà hàng Hàng Dương Sakura. Đại diện UBND phường cho biết sẽ tiếp tục làm việc, yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ và trả lại mặt bằng công viên theo đúng quy định.

Liên quan đến sự việc trên, Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.

Lợi ích to lớn từ những thảm xanh

Theo GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh, cây xanh mang lại nhiều lợi ích cho con người và sinh giới như: Giá trị dịch vụ của cây xanh làm nền tảng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí ở các thành phố, thị trấn, các khu công nghiệp, các làng nghề; ngăn chặn tình trạng xói mòn, sạt lở đất bờ sông, bờ biển, chắn sóng, ngăn chặn cát bay, cát nhảy dọc các bờ biển; giữ độ ẩm cho nền đất, bảo vệ nguồn nước, điều hòa khí hậu lưu giữ carbon, thải khí CO2; duy trì sự sống cho các loài động vật, vi sinh vật, nấm; ngăn chặn hạn chế dịch bệnh… Điều quan trọng, cây xanh còn tạo dựng cảnh quan sinh thái xanh tươi phục vụ văn hóa, tinh thần của con người, giúp cải thiện chất lượng môi trường không khí các tiểu vùng, giảm thiểu tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh, vào mùa hè, cây xanh thông qua cơ chế quang hợp giúp điều hòa không khí, mỗi một cây xanh sống riêng rẽ có thể chuyển đổi 400 lít nước/ngày (nếu cung cấp đủ độ ẩm), ban đêm cây xanh mất nhiệt chậm hơn tạo ra bức màn chắn giữa nhiệt độ đêm lạnh, nhiệt độ dưới tán cây ban đêm ấm hơn ngoài chỗ trống và ban ngày mát hơn nhiệt độ nơi không có cây xanh từ 3 - 50C, cây xanh có chức năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn gió làm thoát hơi nước ngăn chặn dòng chảy của nước mưa trên mặt đất.

Bên cạnh đó, cây xanh còn có khả năng hấp thụ các chất độc hại từ không khí khác như: Anhydrid, Sunfua, Fuo, Amoniac do quá trình quang hợp. Cây xanh sản xuất các Ion âm, có khả năng hấp thụ những chất dạng hạt lơ lửng và thanh lọc nguồn không khí và có thể chuyển hóa nhiều chất độc hại trong đất và nguồn nước. Ngoài ra, cây xanh như tấm lá chắn có khả năng cản bụi ở các đô thị, thị trấn, khu công nghiệp. Theo Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, một cây xanh có tán rộng - lớn có thể cản được 10 – 30 kg bụi, nhờ đó nồng độ bụi thổi qua một cây xanh có thể giảm đi 20 - 60%. Hệ thống rễ cây đâm sâu giúp đất tơi, xốp hơn, nhờ đó khi mưa lớn, nước sẽ thẩm thấu nhanh góp phần giảm tình trạng ngập úng tại đô thị. Tại trung du và miền núi, cây xanh giữ vai trò chủ chốt trong điều hòa dòng chảy, rễ cây cũng tạo cho đất kết cấu chắc chắn hơn, giảm xói mòn, sạt lở khi mưa lớn. Nhờ hệ rễ tạo ra khoảng trống trong đất, hệ rễ cây góp phần dự trữ mạch nước ngầm cho mùa khô, tán lá rộng lớn của cây xanh có khả năng điều tiết nhiệt độ, giảm sự bốc hơi nước, cải thiện tình trạng hạn hán ở nhiều nơi.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Diện tích công viên cây xanh tại TP.HCM đang bị "xẻ thịt". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới