Thứ sáu, 03/05/2024 07:27 (GMT+7)
Thứ năm, 11/03/2021 17:26 (GMT+7)

Điện sinh khối – tiềm năng thôi chưa đủ

Theo dõi KTMT trên

Điện sinh khối là điện tạo ra từ các nguồn sinh khối như rơm rạ, bã mía, xơ bắp, lá khô, vụn khô, phân của các trại chăn nuôi. Nếu khai thác triệt để nguồn nguyên liệu này sẽ giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường vừa hướng tới giảm "cơn khát" điện trong mùa hè.

Việt Nam là nước nông nghiệp lâu đời, nguồn nguyên liệu sản xuất năng lượng sinh khối (NLSK) khoảng 118 triệu tấn/năm. Nếu quy đổi ra dầu sẽ tương đương 80,7 triệu tấn quy dầu, gấp 2 lần tổng lượng khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tiềm năng lớn như vậy nhưng hầu hết các nguồn NLSK của chúng ta vẫn chưa thể tận dụng, lãng phí thậm chí là nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Nguồn năng lượng dồi dào

Hiện nay, trên thế giới NLSK là nguồn năng lượng thứ tư, chiếm tới 15% tổng năng lượng tiêu thụ toàn thế giới. Ở các nước đang phát triển, NLSK thường là nguồn năng lượng lớn nhất, chiếm 35-45% tổng cung cấp năng lượng. Sẽ không ngoa khi nói NLSK giữ vai trò sống còn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới cũng như ở Việt Nam.

Ðất nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi như nóng ẩm, mưa nhiều, đất đai phì nhiêu… nên sinh khối phát triển rất nhanh. Do vậy, nguồn phụ phẩm từ nông, lâm nghiệp phong phú, liên tục gia tăng. Tuy nhiên, những nguồn phụ phẩm đó lại đang bị coi là rác thải tự nhiên, đang bị lãng phí, nguy hiểm hơn lại trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường như tình trạng đốt rừng, rơm rạ, mùn cưa ở miền Bắc hoặc đổ trấu xuống sông, kênh rạch ở Ðồng bằng sông Cửu Long… NLSK nằm trong trong chu trình tuần hoàn ngắn, được các tổ chức về phát triển bền vững và môi trường khuyến khích sử dụng. Tận dụng được nguồn nhiên liệu này sẽ đồng thời cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế và đảm bảo bảo vệ môi trường.

Tiềm năng về NLSK của Việt Nam được đánh giá là rất đa dạng và có trữ lượng khá lớn. Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, tổng nguồn sinh khối vào khoảng 118 triệu tấn/năm bao gồm khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía và trên 50 triệu tấn vỏ cà phê, vỏ đậu, phế thải gỗ... Nguồn sinh khối chủ yếu của nước ta gồm gỗ và phụ phẩm cây trồng, trong đó gồm rừng tự nhiên, rừng trồng, cây trồng phân tán, cây công nghiệp và cây ăn quả, phế phẩm gỗ công nghiệp.

Theo Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần 25 triệu tấn, tương đương với 8,8 triệu tấn dầu thô. Riêng tiềm năng năng lượng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Ðặc biệt nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm.

Điện sinh khối – tiềm năng thôi chưa đủ - Ảnh 1
Nhà máy điện sinh khối.

Tiềm năng lớn điện sinh khối tại Việt Nam

Bên cạnh tiềm năng về phong điện, thủy điện, điện mặt trời, có thể nói, Việt Nam là nước có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối từ chất thải từ nông nghiệp, rác, nước thải đô thị... phân bổ rộng khắp trên toàn quốc, trong đó, một số dạng sinh khối có thể sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt). Lượng sinh khối khổng lồ này, nếu không được xử lý sẽ là nguồn ô nhiễm lớn và phát sinh liên tục, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái (đất, nước và không khí) cũng như sức khỏe con người. Thêm vào đó, với sự phát triển sản xuất và đô thị hóa, sức chịu tải của các hệ sinh thái giảm đi, chắc chắn các xung đột môi trường liên quan sẽ gia tăng.

Điện sinh khối – tiềm năng thôi chưa đủ - Ảnh 2

Với lợi thế một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía. Phế phẩm nông nghiệp rất phong phú dồi dào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phế phẩm nông nghiệp toàn quốc và vùng Đồng bằng sông Hồng với 15% tổng sản lượng toàn quốc. Hằng năm tại Việt Nam có gần 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp trong đó 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện, và theo số liệu tính toán, cứ 5 kg trấu tạo ra 1 kWh điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn trấu mỗi năm thu lại được hàng trăm MW điện.

Khác với các nguồn điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch như dầu khí hay than đá, điện sinh khối là dạng năng lượng có thể tái tạo và có trữ lượng lớn, nên được đánh giá là một trong những nguồn năng lượng của tương lai. Trên thế giới hiện nay, sinh khối là nguồn năng lượng lớn thứ 4, chiếm khoảng 14% - 15% tổng năng lượng tiêu thụ. Ở các nước phát triển, nguồn năng lượng sinh khối chiếm 35% - 45% tổng cung cấp năng lượng. Mỹ là nước sản xuất điện sinh khối lớn nhất thế giới với hàng trăm nhà máy điện sinh học, sản xuất hàng ngàn MW điện mỗi năm. Năng lượng sinh khối có thời điểm ước chiếm 4% tổng năng lượng được tiêu thụ ở Mỹ và 45% năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng là những quốc gia phát triển sản xuất điện sinh khối. Tại Hàn Quốc, Chính phủ đang tích cực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 11%, trong đó năng lượng sinh khối là 7,12%. Trung Quốc cũng ban hành Luật Năng lượng tái tạo, với hàng loạt nhà máy điện sản xuất từ sinh khối có công suất lớn.

Tồn tại nhiều hạn chế

Trong những năm gần đây, sự quan tâm phát triển các công nghệ NLSK đã tăng mạnh trên toàn cầu để thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch. Ngay cả những nước phát triển như Mỹ cũng đã có những chính sách để thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch. Nguyên nhân là do các nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt dần và chi phí cho nhiên liệu này ngày càng tăng cao. Nếu với tốc độ tiêu thụ năng lượng hiện tại thì trữ lượng dầu của thế giới được dự báo sẽ cạn kiệt trước năm 2050 và các nguồn năng lượng này còn là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Khác với các công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ NLSK không chỉ thay thế năng lượng hóa thạch mà còn góp phần xử lý chất thải vì chúng tận dụng các nguồn chất thải để tạo ra năng lượng. Rào cản lớn nhất để tiếp cận và khai thác những nguồn năng lượng này chính là công nghệ và chi phí thiết bị đắt hơn so với thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc hiện nay, NLSK vẫn chiếm tỉ lệ lớn hơn 50%. Mặc dù giá trị tuyệt đối vẫn tăng nhưng tỉ lệ giảm dần do năng lượng thương mại tăng nhanh hơn. Vấn đề là năng lượng sinh khối hiện nay chủ yếu vẫn chỉ sử dụng để sản sinh nhiệt lượng trong đun nấu thức ăn, kinh tế hộ gia đình với tỉ lệ gấp 3 lần tổng năng lượng tiêu thụ so với công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Chỉ có 1/4 NLSK được sử dụng sản xuất, bao gồm sản xuất vật liệu xây dựng như gốm, sứ, gạch, sản xuất đường như tận dụng bã mía để đồng phát nhiệt và điện ở 43 nhà máy đường trong cả nước. Mới đây Viện Cơ điện Nông nghiệp đã nghiên cứu thành công dây chuyền sử dụng phụ phẩm sinh khối đồng phát điện và nhiệt để sấy sản phẩm mía đường. Mặt khác, NLSK đang được sử dụng để sấy lúa, nông sản tại Ðồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, nước ta cũng đã có một số dự án nhà máy điện sinh khối được triển khai và đi vào hoạt động như: Dự án xây dựng nhà máy điện sinh khối Biomass tại khu Rừng Xanh, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ năm 2013 với công suất 40MW và sản lượng điện là 331,5 triệu kWh/năm. Tại Cần Thơ, nhà máy điện sinh khối đốt trấu tại Khu Công nghiệp Trà Nóc 2, do Công ty Cổ phần nhiệt điện Đinh Hải đầu tư cũng đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với công suất 20 tấn hơi/giờ.

Mới đây tỉnh Hậu Giang vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang do Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC2), Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Sơn Mỹ và Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo và Nông nghiệp Ninh Thuận làm chủ đầu tư. Nhà máy có quy mô công suất thiết kế 20 MW; diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 10,84 ha đất và 0,55 ha đất mặt nước, với mục tiêu sản xuất điện, truyền tải và phân phối. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến trên 875 tỉ đồng (từ nguồn vốn của nhà đầu tư). Dự án này được thực hiện theo hình thức: Nhà nước thu hồi đất và cho nhà đầu tư thuê đất để thực hiện dự án theo quy định.

Tuy nhiên, việc khai thác nguồn năng lượng hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. “Nút thắt” là do nhà đầu tư chưa mặn mà vì giá bán điện lên lưới điện quốc gia quá thấp.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08/2020/QĐ-TTg, ngày 5/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg ngày 24/3/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam. Trong đó, giá mua điện được điều chỉnh từ 1.641đồng/kWh lên 1.968 đồng/kWh. 

Đây là cơ chế giá điện cao nhất hiện nay tại Việt Nam đối với một loại năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn này. Điều này được kỳ vọng thu hút hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực điện sinh khối.

Ông Sven Ernedal, Giám đốc Dự án Năng lượng Tái tạo và Hiệu quả Năng lượng (4E)/EVEF, thuộc Chương trình Hỗ trợ Năng lượng (ESP) đánh giá: “Việc Chính phủ Việt Nam đưa ra các Quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển điện sinh khối sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh và chất lượng nguồn cung điện. Năng lượng sinh khối đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện cam kết đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chiến lược tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững(SDGs) của Việt Nam. Nguồn năng lượng tái tạo, sẽ giúp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng tăng khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng”.

Trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao thì giải pháp sử dụng nguồn điện sinh khối để thay thế mang ý nghĩa to lớn trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Hơn nữa, Việt Nam lại có tiềm năng to lớn để phát triển điện sinh khối cả trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, số các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tính đến thời điểm này vẫn còn quá ít và chỉ có vài dự án là điện sinh khối nối lưới, việc đầu tư mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của quốc gia.

Trên thế giới, khái niệm “biomass energy” thường hiểu đơn giản là năng lượng từ những thứ có sự sống (living things), và đa phần có nguồn gốc từ thực vật. Mặt khác, các dạng khác như chất thải rắn đô thị (Municipal Solid Waste –MSW), chất thải công nghiệp, chất thải động vật,.. cũng được xem là nguồn nguyên liệu sinh khối; tuy nhiên, bài viết này chỉ tập trung vào các dạng dư lượng nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long như trấu, rơm rạ, bã mía để tạo ra năng lượng sinh khối.

Thanh Thúy

Bạn đang đọc bài viết Điện sinh khối – tiềm năng thôi chưa đủ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.