Thứ sáu, 19/04/2024 04:33 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/04/2022 21:00 (GMT+7)

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới

Theo dõi KTMT trên

Năm 2022, cung – cầu năng lượng sẽ tạo lập được sự cân đối vững chắc hơn so với năm 2021 và giá năng lượng sẽ có xu hướng ổn định hơn nhưng vẫn đứng ở mức cao.

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Ngành Năng lượng là hạ tầng cơ sở quan trọng của nền kinh tế - xã hội. Ngành Năng lượng gồm các phân ngành Điện, Than, Dầu khí, Năng lượng tái tạo… là một hệ thống lớn và thống nhất có mối quan hệ mật thiết với nhau, đầu ra của của phân ngành này là đầu vào của phân ngành kia và ngược lại.

Tại Việt Nam, theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 ngày 17/06/2010: Năng lượng bao gồm nhiên liệu, điện năng, nhiệt năng thu được trực tiếp hoặc thông qua chế biến từ các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo và tái tạo. Tài nguyên năng lượng không tái tạo gồm than đá, khí than, dầu mỏ, khí thiên nhiên, quặng urani và các tài nguyên năng lượng khác không có khả năng tái tạo. Tài nguyên năng lượng tái tạo gồm sức nước, sức gió, ánh sáng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo.

Những thuật ngữ trong bài viết này (năng lượng, năng lượng không tái tạo, năng lượng tái tạo) sẽ được hiểu theo nội dung như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả số 50/2010/QH12 đưa ra.

Diễn biến thị trường năng lượng trên thế giới

Các số liệu thống kê (Hình 1) cho thấy, tổng sản xuất năng lượng sơ cấp (NLSC) của thế giới năm 2020 đạt 14.811,2 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), giảm 3,79% so với năm 2019 và tăng bình quân 0,73%/năm trong giai đoạn 2015-2020. Tổng tiêu thụ NLSC của thế giới năm 2020 đạt 14.596,2 triệu TOE (giảm 4,18% so với năm 2019 và tăng bình quân 0,45%/năm trong giai đoạn 2015-2020).

Như vậy, mức giảm tổng sản xuất và tiêu thụ NLSC của thế giới năm 2020 so với 2019 là mức giảm mạnh nhất (so với năm trước) của các năm trong giai đoạn 1945-2020; trong giai đoạn 2015-2020, có 2 năm (2016 và 2017) tổng sản xuất NLSC thấp hơn tổng tiêu thụ, nhưng 4 năm còn lại có tổng sản xuất NLSC cao hơn tổng tiêu thụ. Tương quan cung – cầu này khiến cho giá thị trường năng lượng thế giới thường trong tình trạng biến động khá mạnh…

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới - Ảnh 2

Số liệu tại Hình 2 cho thấy, trong năm 2020, tiêu thụ năng lượng từ hạt nhân, năng lượng tái tạo và các loại khác chiếm 16,65% tổng tiêu thụ NLSC của thế giới (tỷ trọng này tăng 2,46 điểm % so với năm 2015); tiêu thụ năng lượng từ khí tự nhiên chiếm 24,84% (tăng 1,88 điểm % so với năm 2015); Ngược lại, tiêu thụ năng lượng từ than đá chiếm 27,78% (giảm 1,65 điểm % so với năm 2015); tiêu thụ năng lượng từ dầu mỏ và các chất lỏng khác chiếm 30,73% (giảm 2,69 điểm % so với năm 2015)…

Từ những diễn biến nêu trên thời gian qua cho thấy, tỷ trọng sản xuất và tiêu thụ năng lượng từ năng lượng tái tạo, từ khí tự nhiên của thế giới có xu hướng tăng; còn tỷ trọng sản xuất và tiêu thụ năng lượng từ dầu mỏ, từ than đá có xu hướng giảm. Đây là xu thế tốt, có tác dụng bảo vệ môi trường…

Theo BP Statistical Review of World Energy 2021, tổng phát thải CO2 từ tiêu dùng NLSC năm 2020 của toàn cầu đạt 32.284,1 triệu tấn (giảm 6,3% so với 2019). Nguyên nhân chính của giảm phát thải CO2 là do giảm tiêu thụ NLSC trên toàn thế giới (các quốc gia thực hiện giãn cách xã hội để chống COVID-19).

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới - Ảnh 3

Mức phát thải CO2 bình quân đầu người toàn thế giới là 4,121 tấn/người. Trong đó các nước có mức phát thải CO2 cao gồm có: Singapore 35,922; UAE 24,749; Ả Rập Xê-Út 16,278; Úc 14,520; Canada 13,659; Mỹ 13,427...

Việt Nam có mức phát thải CO2 rất thấp (với 2,886 tấn/người), chỉ bằng 70% của thế giới và rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam thuộc trong số các nước có mức phát thải CO2 trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đối cao, tới 833,6 kgCO2/1.000USD GDP.

Năm 2020, tiêu thụ năng lượng toàn cầu giảm đã khiến cho giá năng lượng có những phiên giảm mạnh, đặc biệt là giá dầu thô. Nguồn cung dầu dư thừa nhiều khiến cho giá dầu giao kỳ hạn tháng 5/2020 lần đầu tiên trong lịch sử đã giảm xuống mức âm. Giá dầu WTI vào cuối phiên giao dịch ngày 20/4/2020 đã giảm xuống còn -37,63 USD/thùng. Giá dầu thô bình quân của 3 thị trường Brent, Dubai và West Texas Intermediate tháng 4/2020 đã về mức 21,04 USD/thùng (là mức giá bình quân tháng thấp nhất của giai đoạn từ tháng 3/2002-12/2021)… (Hình 3).

Tuy nhiên, sang năm 2021, giá năng lượng tăng và sự thắt chặt cân bằng cung - cầu năng lượng đã trở thành xu hướng toàn cầu. Kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi bởi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 đã có những chuyển biến tốt hơn trước tại nhiều nước. Theo đó, ngày 20/10/2021 giá dầu thô Brent đã đạt mức 85,76 USD/thùng (cao nhất trong giai đoạn từ ngày 05/10/2018 đến 31/12/2021); Ngày 26/10/2021 giá dầu thô WTI đã đạt mức 85,64 USD/thùng (cao nhất trong giai đoạn từ ngày 14/10/2014 đến 31/12/2021).

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới - Ảnh 4

Giá dầu thô bình quân của 3 thị trường Brent, Dubai và West Texas Intermediate tháng 10/2021 đã đạt mức 82,06 USD/thùng (tăng 98,89% so với mức giá bình quân năm 2020 và là mức giá bình quân tháng cao nhất của giai đoạn từ tháng 11/2014-12/2021), kết quả là giá dầu thô bình quân năm 2021 tăng 67,41% so với năm 2020. Giá xăng RON 95 tại Singapore bình quân tháng 10/2021 cũng đạt 97,87 USD/thùng (tăng 109,26% so với mức giá bình quân năm 2020), kết quả là giá xăng RON 95 bình quân năm 2021 tăng 71,66% so với năm 2020.

Giá khí đốt và LNG thậm chí còn tăng mạnh hơn: Giá khí tự nhiên tại châu Âu bình quân tháng 12/2021 đã đạt mức 38,03 USD/triệu BTU (bằng 11,73 lần, tức là tăng 1.072,94% so với mức giá bình quân năm 2020 và là mức giá bình quân tháng cao nhất trong lịch sử giao dịch mặt hàng này tại châu Âu). Kết quả là giá khí tự nhiên tại châu Âu bình quân năm 2021 tăng 397,09% so với năm 2020.

Giá than đá cũng tăng rất mạnh: Giá than nhiệt điện tại cảng Newcastle, Australia (giá FOB, giao ngay, nhiệt lượng 6.000 kcal/kg) bình quân tháng 10/2021 đã đạt mức 224,51 USD/tấn (bằng 3,69 lần, tức là tăng 269,32% so với mức giá bình quân năm 2020 và là mức giá bình quân tháng cao nhất trong lịch sử giao dịch mặt hàng này). Kết quả là giá than nhiệt điện tại Australia bình quân năm 2021 tăng 127,11% so với năm 2020.

Giá điện châu Âu tăng đã thu hút sự quan tâm của toàn cầu. Tại Vương quốc Anh, nơi cán cân cung - cầu điện đang được thắt chặt đáng kể, giá bán buôn điện trung bình hàng ngày đạt 330,25 GBP/MWh vào ngày 15/9/2021 (bằng 22,51 lần, tức là tăng 2.151,19% so với mức đáy trung bình được ghi nhận vào ngày 25/05/2020 và tăng 810,53% so với mức giá bình quân năm 2020). Tại Đức, giá điện đã đạt mức kỷ lục 206,46 Euro/MWh vào ngày 12/10/2021 (tăng 1.228,57% so với mức đáy trung bình được ghi nhận vào ngày 24/04/2020 và tăng 536,04% so với mức giá bình quân năm 2020).

Diễn biến thị trường năng lượng Việt Nam

Ở Việt Nam, năng lượng vừa là ngành sản xuất, vừa là ngành kết cấu hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội, là động lực cho quá trình phát triển của đất nước. Được sự quan tâm, tạo điều kiện về nhiều mặt của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, ngành Năng lượng Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các số liệu Hình 4 cho thấy, trong năm 2020, tổng sản xuất NLSC của Việt Nam đạt 64,65 triệu TOE (tăng 0,35% so với năm 2019 và giảm bình quân 1,31%/năm trong giai đoạn 2015-2020); tổng tiêu thụ NLSC của Việt Nam đạt 87,08 triệu TOE (giảm 2,06% so với năm 2019 và tăng bình quân 4,12%/năm trong giai đoạn 2015-2020).

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới - Ảnh 5

Trong giai đoạn 2015-2020, tổng tiêu thụ NLSC của Việt Nam luôn lớn hơn tổng sản xuất; tốc độ tăng tiêu thụ khá lớn trong khi sản xuất NLSC lại có xu hướng giảm (tốc độ tăng bình quân/năm của tiêu thụ cao hơn của sản xuất lên tới 5,43 điểm %); tức là Việt Nam phải nhập khẩu ròng năng lượng…

Hình 5 cho thấy, năm 2020, tiêu thụ năng lượng từ than đá chiếm 49,65% tổng tiêu thụ NLSC của Việt Nam (tỷ trọng này tăng 9,34 điểm % so với năm 2015 và cao hơn tỷ trọng của toàn thế giới rất nhiều). Ngược lại, tiêu thụ năng lượng từ khí tự nhiên chiếm 7,90% (tỷ trọng này giảm 3,86 điểm % so với năm 2015 và thấp hơn tỷ trọng của toàn thế giới khá nhiều); tiêu thụ năng lượng từ dầu mỏ và các chất lỏng chế biến từ dầu mỏ chiếm 25,19% (tỷ trọng này giảm 3,72 điểm % so với năm 2015 và thấp hơn tỷ trọng của toàn thế giới); tiêu thụ năng lượng từ năng lượng tái tạo và các loại khác chiếm 17,26% (tỷ trọng này giảm 1,76 điểm % so với năm 2015 và cao hơn tỷ trọng của thế giới)…

Từ những diễn biến nêu trên của Việt Nam thời gian qua cho thấy, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng từ than đá có xu hướng tăng rất mạnh, còn tỷ trọng tiêu thụ năng lượng từ năng lượng tái tạo, từ khí tự nhiên, từ dầu mỏ lại có xu hướng giảm. Đây là xu thế không phù hợp với xu thế chung của thế giới vì sẽ làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, gây ô nhiễm môi trường…

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới - Ảnh 6

Năm 2020, do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và cả nước cũng thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm khá mạnh vào tháng 4 và 5/2020. Mức giá xăng dầu thấp nhất trong năm 2020 có hiệu lực từ ngày 13-28/5/2020 với 1 số mức cụ thể như sau: Giá xăng RON 95-III là 12.230 VND/lít (là mức giá thấp nhất của giai đoạn từ ngày 08/5/2009-12/2021 và giảm 39,13% so với mức giá bình quân cả năm 2019); giá xăng E5 RON 92-II là 11.520 VND/lít (là mức giá thấp nhất kể từ khi loại xăng này được bán trên thị trường Việt Nam và giảm 39,15%); dầu hỏa là 7.880 VND/lít (là mức giá thấp nhất của giai đoạn từ ngày 27/4/2006-12/2021 và giảm 48,72%); dầu Diesel 0,05S-II là 9.850 VND/lít (là mức giá thấp nhất của giai đoạn từ ngày 21/3/2016-12/2021 và giảm 39,73%)…

Tuy nhiên, do giá xăng dầu thế giới biến động theo xu hướng tăng khá mạnh và kinh tế đất nước có dấu hiệu phục hồi, tình trạng giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19 được nới lỏng dần… nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng khá mạnh. Cụ thể, trong năm 2021 giá bán lẻ xăng dầu đạt đỉnh vào các ngày từ 10 - 25/11/2021 với: Giá xăng RON 95-III là 24.990 VND/lít (là mức giá cao nhất của giai đoạn từ ngày 07/8/2014-12/2021 và tăng 62,39% so với mức giá bình quân cả năm 2020); giá xăng E5 RON 92-II là 23.660 VND/lít (là mức giá cao nhất kể từ khi loại xăng này được bán trên thị trường Việt Nam và tăng 61,75%); dầu hỏa là 17.630 VND/lít (là mức giá cao nhất của giai đoạn từ ngày 22/12/2014-12/2021 và tăng 67,47%); dầu Diesel 0,05S-II là 18.710 VND/lít (là mức giá cao nhất của giai đoạn từ ngày 22/11/2014-12/2021 và tăng 53,78%).

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới - Ảnh 7

Kết quả là giá bình quân năm 2021 của xăng RON 95-III là 20.730 VND/lít (tăng 34,70% so với năm 2020), của xăng E5 RON 92-II là 19.620 VND/lít (tăng 34,13%); của dầu hỏa là 14.614 VND/lít (tăng 38,83%); của dầu Diesel 0,05S-II là 15.680 VND/lít (tăng 28,87%)... Như vậy, mặt bằng giá xăng dầu ở Việt Nam năm 2021 tăng bình quân khoảng 35% so với năm 2020, mức tăng này chỉ bằng khoảng 50% so với mức tăng mặt bằng giá xăng dầu thế giới năm 2021 so với năm 2020.

Lý do của diễn biến này là vì năm 2021 liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tăng cường sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để kiềm chế tăng giá xăng dầu trong nước trước hiện tượng tăng rất mạnh của giá xăng dầu thế giới. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2020 chênh lệch giữa tổng trích lập với tổng sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là 6.436 tỷ đồng (trong đó, trích lập là 10.220 tỷ đồng, chi sử dụng là 3.784 tỷ đồng), trong khi đó, ước tính năm 2021 chênh lệch giữa tổng trích lập với tổng sử dụng Quỹ là (âm) -8.560 tỷ đồng, tức là thực chất đã bù lỗ cho bán lẻ xăng dầu 8.560 tỷ đồng. Hoạt động này đã làm cho tổng số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vào đầu năm 2020 là 2.780 tỷ đồng, vào cuối năm 2020 tăng lên 9.235 tỷ đồng nhưng ước tính vào cuối năm 2021 giảm xuống chỉ còn khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dự báo thị trường năng lượng thế giới giai đoạn 2022-2025

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố tháng 10/2021, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vượt mức trước đại dịch COVID-19 vào năm 2022. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022 sẽ đạt bình quân 100,81 triệu thùng/ngày, tăng 4,67% so với mức bình quân của năm 2021; Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2022 sẽ đạt bình quân 99,60 triệu thùng/ngày, tăng 3,42% so với mức bình quân của năm 2021… Nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng do dùng để thay thế cho khí đốt tự nhiên trong sưởi ấm và sản xuất điện.

Sản lượng dầu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ khoảng 6,0 triệu thùng/ngày vào năm 2022. Mức tăng chủ yếu là từ các nước OPEC +, điều này cho thấy OPEC+ sẽ hoàn toàn nới lỏng việc cắt giảm sản xuất của họ từ quý III/2022. Một số nước OPEC + đang đầu tư vào các dự án khai thác dầu mới. IEA và OPEC kỳ vọng rằng, theo chính sách hiện tại, nhu cầu dầu mỏ có thể còn tăng chậm trong vài năm trước khi sẽ tăng cao ở các năm tiếp theo. Dự báo về giá dầu thô được phản ánh trong Bảng 1, trong đó giá dầu thô bình quân của 3 thị trường Brent, Dubai và West Texas Intermediate năm 2022 sẽ đạt 74,0 USD/thùng (tăng 7,14% so với giá bình quân năm 2021); sau đó giảm xuống còn 65,0 USD/thùng vào năm 2023...

Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới - Ảnh 8

Sản lượng than toàn cầu năm 2022 cũng dự kiến sẽ tăng khi gián đoạn nguồn cung đã giảm bớt. Sản lượng than của Trung Quốc sẽ tăng bởi những nỗ lực của chính phủ nhằm nâng cao sản lượng, tạo nguồn than phục vụ sản xuất điện để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong nước… Dự báo giá than nhiệt điện của Australia bình quân năm 2022 sẽ ở mức 120,0 USD/tấn (giảm 13,07% so với giá bình quân năm 2021); sau đó giảm xuống còn 90,0 USD/tấn vào năm 2023…

Sản lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu năm 2022 dự kiến cũng sẽ tăng cùng với sự phục hồi của sản xuất dầu đá phiến và EIA dự báo xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ tăng 6% so với năm 2021. Xuất khẩu từ Nga và Azerbaijan cũng sẽ tăng do được tạo điều kiện thuận lợi bởi các đường ống mới trong khu vực… Dự báo giá khí tự nhiên tại châu Âu bình quân năm 2022 sẽ ở mức 12,60 USD/triệu BTU (giảm 21,82% so với giá bình quân năm 2021); sau đó giảm xuống còn 9,20 USD/triệu BTU vào năm 2023…

Đối với Việt Nam, giá các mặt hàng năng lượng năm 2022 về cơ bản sẽ biến động theo xu hướng chung của giá các loại năng lượng trên thị trường thế giới như đã mô tả ở trên. Riêng giá điện ở Việt Nam năm 2022 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào quan điểm điều hành giá của Chính phủ (bởi vì hiện nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) muốn tăng giá điện bình quân phải được sự đồng ý của Chính phủ). Có thể dự báo sơ bộ về xu hướng biến động giá điện ở Việt Nam năm 2022 như sau: Lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân gần đây nhất là vào ngày 20/3/2019 (theo Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện).

Theo đó, mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Từ đó đến nay, mặc dù chi phí và giá các đầu vào của ngành điện tăng khá mạnh, nhưng Chính phủ vẫn chưa cho EVN tăng giá bán điện bình quân bởi vì lý do chủ yếu là muốn hạn chế những tác động xấu của đại dịch COVID-19 tới đời sống kinh tế - xã hội. Trong năm 2022, nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn còn rất căng thẳng thì nhiều khả năng là Chính phủ vẫn sẽ yêu cầu EVN giữ nguyên giá bán điện bình quân như đã quy định từ năm 2019; nếu dịch COVID-19 dịu dần và kinh tế - xã hội hoạt động bình thường trở lại thì có thể Chính phủ sẽ cho phép EVN điều chỉnh giá bán điện bình quân tăng từ 8 – 10% so với mức giá quy định từ năm 2019.

Về giá bán lẻ xăng dầu, năm 2021 giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam tăng chậm hơn tốc độ tăng giá xăng dầu trên thị trường thế giới khá nhiều, bởi vì các cơ quan chức năng đã tăng cường sử dụng nguồn tài chính từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ cho giá bán lẻ trong nước. Bước sang năm 2022, số dư của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu còn rất ít, cho nên sẽ không có nguồn tài chính mạnh để hỗ trợ cho giá bán lẻ trong nước như năm 2021. Thêm nữa, theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 02/1/2022), mỗi tháng sẽ có 3 lần điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào các ngày 01, 11 và 21 (mỗi lần cách nhau 10 ngày, thay vì 15 ngày như trước đó). Vì vậy, giá bán lẻ xăng dầu năm 2022 ở Việt Nam sẽ biến động theo sát hơn với sự biến động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Tài liệu tham khảo:

1. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), https://www.petrolimex.com.vn;

2. EIA và BP, Statistical Review of World Energy 2021;

3. World Bank, https://www.worldbank.org/.

* Phạm Minh Thụy - Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1+2 tháng 2/2022

Theo Tạp chí Tài chính

Bạn đang đọc bài viết Diễn biến thị trường năng lượng thế giới năm 2020-2021 và dự báo cho thời gian tới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới