Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 7/9
Đắk Lắk xây dựng hệ thống giếng khoan tại các trường học vùng khó khăn; Bạc Liêu: Lò đốt rác tại huyện Phước Long xây xong rồi bỏ hoang; Mưa bão gây thiệt hại lớn tại Hàn Quốc... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 7/9.
Đắk Lắk xây dựng hệ thống giếng khoan tại các trường học vùng khó khăn
Ngày 7/9, tại Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Cư K'bang, huyện Ea Súp, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty cổ phần nhựa Bình Minh tổ chức lễ khởi công xây dựng Dự án hệ thống giếng khoan cấp nước sinh hoạt, nhà vệ sinh cho các trường học vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Theo lãnh đạo Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk, Dự án hệ thống giếng khoan cấp nước sinh hoạt, nhà vệ sinh được triển khai xây dựng tại nhiều trường học vùng khó khăn trên địa bàn các huyện: Ea Súp, Cư Kuin, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, Lắk và M’Drắk (tỉnh Đắk Lắk) do Công ty cổ phần nhựa Bình Minh tài trợ, với tổng kinh phí khoảng 2,2 tỷ đồng.
Công trình đầu tiên được triển khai xây dựng tại Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Cư K’bang, huyện Ea Súp dự kiến có chiều sâu khoảng 180m, đường kính 152mm, lượng nước khai thác ước đạt 25-30m3/ngày đêm.
Công trình được lắp đặt đầy đủ các thiết bị như: máy bơm, ống nhựa dẫn, dây điện, tủ điện... để dẫn nước đến bể chứa, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 530 học sinh và 40 cán bộ quản lý, giáo viên sinh hoạt tại trường.
Việc triển khai xây dựng Dự án hệ thống giếng khoan cấp nước sinh hoạt, nhà vệ sinh cho các trường học khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa rất lớn, không chỉ góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô cho học sinh và giáo viên tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa mà còn giữ gìn vệ sinh trường lớp, bảo đảm môi trường, sức khỏe cho học sinh và giáo viên vùng sâu.
Quảng Nam: 10 đợt thiên tai năm 2022 gây thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng
Ngày 6/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2021, 8 tháng đầu năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhất là trong 8 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của 10 đợt thiên tai đã gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng,… của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ước tính thiệt hại khoảng 980 tỷ đồng.
Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến năm 2021, thời tiết thủy văn các địa phương Quảng Nam có biến động lớn, diễn biến rất phức tạp: nền nhiệt độ cao, lượng mưa phân hóa mạnh, mùa khô mực nước sông xuống rất thấp, mùa mưa bắt đầu khá sớm và kết thúc muộn, đặc biệt cuối tháng 12 vẫn còn bão số 9, có cường độ rất mạnh trên Biển Đông. Trong 8 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của 10 đợt thiên tai đã gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng,… của Nhà nước và nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ước tính thiệt hại khoảng 980 tỷ đồng.
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn trái mùa từ ngày 30/3 đến ngày 04/4, dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ đã gây thiệt hại nặng nề về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng... của Nhà nước và nhân dân. Tổng ước tính thiệt hại khoảng 1.016 tỷ đồng.
Đến nay đã có 10/18 địa phương: Nam Trà My, Duy Xuyên, Quế Sơn, Bắc Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Hội An, Tiên Phước, Điện Bàn, Hiệp Đức xây dựng, phê duyệt và gửi Kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 cấp huyện về Sở Nông nghiệp và PTNT; 04/18 địa phương: Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn rà soát, cập nhật và gửi phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro năm 2022 cấp huyện về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.
Bạc Liêu: Lò đốt rác tại huyện Phước Long xây xong rồi bỏ hoang
Dù không được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, UBND huyện Phước Long vẫn xây dự án lò đốt rác tập trung hàng tỷ đồng rồi bỏ hoang suốt nhiều năm gây lãng phí và bức xúc trong dư luận.
Sau khi UBND huyện Phước Long xây dựng xong lò đốt tập trung nêu trên đã gặp phải phản ứng dữ dội từ người dân. Bởi theo người dân tại khu vực lò đốt rác tập trung ấp 3, xã Phong Thạnh Tây A được xây dựng trên phần đất có mục đích là nuôi trồng thủy sản. Nếu đi vào hoạt động, nhiều hộ nuôi tôm trong khu vực này lo ngại ô nhiễm, gây thiệt hại cho đời sống sản xuất. Ngoài ra, lò đốt rác còn nằm phía sau khu dân cư của nhiều hộ dân đang sinh sống, từ đó dấy lên những lo ngại về sức khỏe, đời sống sinh hoạt của bà con.
Chính vì vậy, từ ngày xây dựng hoàn thiện đến nay, dự án này vẫn không đi vào hoạt động và bỏ hoang nhiều năm nay. Việc xây dựng dự án với hàng tỷ đồng tiền ngân sách nhưng không phát huy được hiệu quả đã gây lãng phí nghiêm trọng về kinh tế, tài nguyên đất đai, gây búc xúc trong dư luận…
Dù chưa hoạt động này nào, thế nhưng với việc hơn 2 năm bị bỏ hoang, hiện nay nhiều hạng mục dự án lò đốt rác tập trung đã bị xuống cấp trầm trọng, cổng sắt đã bị hoen rỉ, hàng rào đổ sập, cỏ dại mọc um tùm. Đáng nói, việc dự án lò đốt bị bỏ hoang còn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác thu gom, xử lý rác thải đang có dấu hiệu quá tải trên địa huyện Phước Long.
Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trong ứng phó biến đổi khí hậu
Từ ngày 2/9 đến ngày 6/9 vừa qua, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu John Kerry đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Dự kiến, hai nước sẽ thành lập Nhóm công tác về biến đổi khí hậu Việt Nam - Hoa Kỳ trước khi Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu COP27 diễn ra vào cuối năm nay.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông John Kerry đã tới Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bến Tre, và Thành phố Hà Nội, Việt Nam để chứng kiến những tác động của biến đổi khí hậu trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tham gia các cuộc đối thoại song phương về chủ đề biến đổi khí hậu với Chính phủ Việt Nam và tiếp nối những trao đổi giữa hai bên kể từ năm 2013 đến nay về quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đặc phái viên Kerry nhất trí hợp tác sâu rộng nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam và các nỗ lực khác nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết trong khuôn khổ COP26 vừa qua tại Glasgow, Scotland; đồng thời đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực trong công cuộc đấu tranh chống khủng hoảng khí hậu.
Việt Nam bày tỏ quyết tâm sớm thông qua Quy hoạch Điện VIII (PDP-8) với lộ trình phát triển ngành điện quốc gia phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, với các mục tiêu tham vọng về tăng trưởng năng lượng tái tạo; nỗ lực tối đa trong giảm dần điện than, trong đó bao gồm phát triển thêm hàng chục Gigawatts điện năng lượng tái tạo với mức giá hợp lý từ năm 2030 và đảm bảo an ninh năng lượng. Để thực hiện PDP-8, Việt Nam dự kiến sử dụng nguồn lực trong nước cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, nhất là từ các nước phát triển, về tài chính và công nghệ. Những lĩnh vực chủ yếu về hỗ trợ kỹ thuật bao gồm đánh giá tiềm năng năng lượng gió và mặt trời, tư vấn pháp lý, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ năng lượng tái tạo, phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý.
Mưa bão gây thiệt hại lớn tại Hàn Quốc, quân đội huy động xe bọc thép cứu hộ
Cơn bão Hinnamnor tiếp tục gây thiệt hại lớn tại Hàn Quốc. Tính đến 11h sáng nay (7/9) đã có tổng cộng 10 người thiệt mạng, 2 mất tích và 3 người bị thương.
Hiện nay, các cơ quan cứu hộ cứu nạn Hàn Quốc đang tiếp tục tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích. Trước đó, trong số 9 người bị mất tích ở bãi đỗ xem ngầm thuộc một chung cư ở thành phố Pohang, đã có hai người được cứu hộ thành công, 7 người còn lại đã tử vong.
Trong khi đó, nhiều hộ gia đình tại thủ đô Seoul và thành phố Ulsan đã phải lánh nạn đến nơi ở tạm thời do nhà bị hư hỏng. Hàng nghìn người khác tại các tỉnh lân cận Seoul được sơ tán đến hội trường làng hoặc nơi tạm trú. Trong đó, hơn 914 người đến nay chưa thể trở về nhà.
Đến thời điểm hiện tại có khoảng 8.328 ngôi nhà và hơn 3.085 cửa hàng ở đảo Jeju và tỉnh Gyeonggi bị ngập hoặc hư hại. Nhiều tuyến được bị tắc nghẽn do sạt lở đất và nhiều tuyến đường bị hư hại. Hơn 5000ha đất canh tác nông nghiệp bị thiệt hại.
Chính phủ Hàn Quốc đã trích 50 tỷ won (36 triệu USD) ngân sách dự phòng để hỗ trợ công tác khắc phục thiệt hại sau bão, tập trung cho hai thành phố Gyeongju và Pohang - tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi hứng chịu thiệt hại lớn.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, thành phố Pohang có khả năng sẽ được tuyên bố là Khu vực thảm họa đặc biệt, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ thực hiện ngay lập tức các biện pháp cần thiết để hỗ trợ khắc phục thiệt hại.
Quân đội Hàn Quốc đang dốc toàn lực để triển khai hoạt động cứu hộ các khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng. Nước mưa cuốn theo bùn đất lên đường phố, xe cộ bị tê liệt trong biển nước. Quân đội đã huy động cả xe đổ bộ tấn công của lực lượng Thủy quân lục chiến, phối hợp với lực lượng cứu hộ của Cơ quan phòng cháy chữa cháy, tìm đến nhà những người dân bị cô lập.
Xe bọc thép cũng được huy động tới hiện trường vụ hỏa hoạn tại nhà máy thép Posco ở thành phố Pohang, chở các nhân viên cứu hỏa khó tiếp cận hiện trường vì ngập nước. Quân đội đã sử dụng xuồng cao su để đưa những người cao tuổi bị cô lập trong các căn nhà ngập nước. Có tổng cộng 27 người đã được cứu hộ bằng xuồng cao su. Bộ Quốc phòng cũng đã huy động trực thăng và máy bay vận tải của Lục quân, Hải quân, Không quân để cử 15 đội tìm kiếm, cứu hộ. Quân đội đã lập ra 7 nhóm đối phó nhanh để hỗ trợ các nạn nhân phải cấp cứu.
Lan Anh