Thứ sáu, 26/04/2024 08:13 (GMT+7)
Thứ ba, 06/09/2022 18:15 (GMT+7)

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 6/9

Theo dõi KTMT trên

Kon Tum lại động đất 3.0 độ Richter; Tiếp tục triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”; Siêu bão mạnh nhất năm 2022 đang quét qua Hàn Quốc... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 6/9.

Kon Tum lại động đất 3.0 độ Richter

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, vừa ghi nhận 1 trận động đất mạnh 3.0 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.812 độ vĩ Bắc, 108.214 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 6/9 - Ảnh 1
Vị trí xảy ra động đất ngày 6/9.

Ngày 4/9, tại đây cũng xảy ra trận động đất mạnh 2.7 độ và ngày 1/9 là trận động đất mạnh 3.4 độ.

Nhận định bước đầu, các nhà khoa học Viện Vật lý địa cầu cho rằng động đất liên tiếp thời gian qua ở Kon Tum là động đất kích thích, gây ra do hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện. Nhưng để khẳng định nguyên nhân phát sinh và có cơ sở để dự báo, đơn vị cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất tại khu vực này.

Địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum hiện có 6 công trình thủy điện và 125 công trình thủy lợi. Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, cho biết trước tình hình động đất, dư chấn xảy ra liên tục, diễn biến khó lường, chính quyền huyện đã tăng cường công tác quản lý, giám sát nhất là đối với hai hồ chứa thủy điện lớn, gồm Đăk Đrinh với dung tích trên 248 triệu m3 nước và hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum với dung tích trên 145 triệu m3 nước.

Được xem là một trong những tác nhân có thể gây ra các trận động đất kích thích tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, công tác quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện Thượng Kon Tum hiện đang được thực hiện chặt chẽ.

Cùng với 3 Trạm quan trắc đo dư chấn động đất đã lắp đặt, Công ty Thủy điện Thượng Kon Tum hợp đồng với Viện Vật lý địa cầu tiếp tục lắp đặt thêm 3 Trạm nữa để cảnh báo kịp thời và phục vụ nghiên cứu chuyên sâu về động đất trong khu vực.  Đơn vị này cũng đã thuê tư vấn chuyên ngành tính toán lại cấp động đất ứng với các mực nước khác nhau và theo tính toán công trình chịu được động đất cấp 7.

Yên Bái: Đã xử phạt hơn 1,2 tỷ đồng trong lĩnh vực tài nguyên môi trường

Trong 7 tháng đầu năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái đã thành lập 13 cuộc thanh tra, kiểm tra gồm 3 cuộc theo kế hoạch đã được phê duyệt (trong đó có 1 cuộc thanh tra hành chính công tác phòng, chống tham nhũng đối với Chi cục Bảo vệ môi trường, 1 cuộc thanh tra chuyên ngành đối với 4 công ty có dự án thủy điện, 1 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với 16 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh) và 10 cuộc kiểm tra đột xuất.

Qua đó, 8 cuộc thanh tra, kiểm tra đã có báo cáo, kết luận kiểm tra, còn 5 cuộc đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra hoàn thiện báo cáo và đã xử lý vi phạm hành chính đối với 6 tổ chức vi phạm pháp luật lĩnh vực tài nguyên môi trường với số tiền xử phạt là 1,26 tỷ đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Đá cẩm thạch Dốc Thẳng, với vi phạm đổ thải không đúng vị trí trong thiết kế mỏ; không thực hiện một trong các nội dung của Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, với tổng số tiền xử phạt 230 triệu đồng.

Trong đó, phạt về khoáng sản là 120 triệu đồng; phạt về bảo vệ môi trường là 110 triệu đồng, buộc doanh nghiệp đổ thải đúng vị trí đã xác định trong thiết kế mỏ.

Ngoài ra, lực lượng thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái cũng đã thực hiện thanh tra hành chính công tác phòng, chống tham nhũng đối với Chi cục Bảo vệ môi trường; 1 cuộc kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất và hoạt động khoáng sản tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; 1 cuộc kiểm tra việc chấp hành pháp luật lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Chi nhánh Yên Bái - Công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tích hợp Anifer tại xã Đông An, huyện Văn Yên (dự án chăn nuôi lợn khép kín công nghệ cao kết hợp trồng cây ăn quả.

Tiếp tục triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa”

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Đình Huỳnh cho hay để bảo vệ cảnh quan môi trường và các giá trị di sản, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, Ban Quản lý vịnh đã đề xuất và được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đồng thuận tiếp tục triển khai chương trình “vịnh Hạ Long không rác thải nhựa,” trong đó tập trung nhiệm vụ chống rác thải nhựa trong hoạt động du lịch trên vịnh.

Các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động du lịch, dịch vụ trên vịnh cam kết không sử dụng, mua bán các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần; thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường khi tham gia hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 6/9 - Ảnh 2
UBND tỉnh Quảng Ninh đồng thuận tiếp tục triển khai chương trình “vịnh Hạ Long không rác thải nhựa", trong đó tập trung nhiệm vụ chống rác thải nhựa trong hoạt động du lịch trên vịnh.

Các chủ tàu du lịch tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến cho du khách không mang sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần xuống tàu và sử dụng trong quá trình tham quan vịnh Hạ Long; có biện pháp từ chối vận chuyển đối với các trường hợp khách cố tình không chấp hành quy định này.

Chi hội Tàu du lịch, các doanh nghiệp cảng, bến tàu du lịch... chú trọng tuyên truyền và yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh dịch vụ trong phạm vi cảng, bến không bán các sản phẩm nhựa dùng 1 lần cho khách tham quan vịnh Hạ Long.

Các công ty lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thông báo trực tiếp quy định không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần ngay từ khi khách du lịch đặt tour và trong quá trình tham quan, du lịch trên vịnh...

Trước đó, từ ngày 1/9/2019, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai thử nghiệm chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tại khu vực vịnh với nội dung “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên vịnh Hạ Long”.

TP.Đà Lạt xử lý nghiêm công trình lấn chiếm hàng lang suối

Sáng 6/9, UBND TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã chỉ đạo các phường, xã khẩn trương thành lập ngay Tổ công tác rà soát các vị trí, công trình lấn chiếm hành lang chỉ giới suối trên địa bàn.

Chỉ đạo trên được đưa ra khi cơn mưa chiều 1/9 vừa qua đã gây ngập lụt cục bộ tại một số vùng trũng, thấp tại các phường 2, 6, 8, TP.Đà Lạt. Cơn mưa kéo dài chưa tới 1 tiếng đồng hồ nhưng đã gây ngập lụt nghiêm trọng. Vị trí ngập nước sâu nhất tới gần 1m khiến nhiều xe ôtô, xe máy bị chết máy dọc đường. Mặc dù nước mưa rút nhanh nhưng đã gây nguy hiểm tới người dân, tài sản của các gia đình trong vùng bị ảnh hưởng và mỹ quan độ thị.

Những năm gần đây, vào mùa mưa, TP.Đà Lạt thường xuyên xảy ra ngập lụt cục bộ tại những khu vực trũng, thấp. Nguyên nhân được cho là cơ sở hạ tầng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng dân số. Đặc biệt, tại các khu vực sản xuất nông nghiệp, nhất là phường 6, 7, 8… hầu hết được làm nhà kính, nhà lưới khiến nước mưa không thể ngấm xuống lòng đất, buộc phải chảy dồn ra các con suối, mương thoát nước, đổ về khu vực trung tâm TP.Đà Lạt. Điều này đã làm tăng nguy cơ lũ quét, tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên hơn.

Để phòng ngừa ngập lụt cục bộ, ngày 5/9 vừa qua, UBND TP.Đà Lạt đã phải triệu tập cuộc họp về phòng chống thiên tai, khắc phục tình trạng ngập úng trên địa bàn. Theo đó, cùng với việc chỉ đạo các phường, xã thành lập Tổ công tác rà soát các vị trí, công trình lấn chiếm hành lang chỉ giới suối. Lãnh đạo UBND TP.Đà Lạt cũng đã chỉ đạo các địa phương và phòng chuyên môn vận động người dân tháo dỡ công trình vi phạm, nếu người vi phạm không chấp hành phải lập hồ sơ cưỡng chế ngay. Đồng thời, đề nghị người dân khơi thông hệ thống mương suối, cống thoát nước, không xả chất thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp bừa bãi.

Để ngăn chặn tình trạng xả rác không đúng nơi quy định, lấn chiếm hành lang suối, ảnh hưởng tới dòng chảy, UBND TP.Đà Lạt cũng sẽ lắp camera để giám sát hoạt động này.

Siêu bão mạnh nhất năm 2022 đang quét qua Hàn Quốc

Sáng sớm 6/9, siêu bão mạnh nhất năm - Hinnamnor đã đổ bộ vào thành phố Geoje của Hàn Quốc sau khi được dự báo sẽ quét qua nhiều nước châu Á như: Nhật Bản, Đài Loan.

Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) thông báo bão Hinnamnor là cơn bão thứ 11 trong năm nay đổ bộ vào TP Geoje, tỉnh Gyeongsang Nam. 7 giờ 10 phút bão Hinnamnor đã di chuyển khỏi thành phố ven biển Ulsan thuộc phía Đông Nam Hàn Quốc, hướng về phía biển Đông.

Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 6/9 - Ảnh 3
Sáng sớm 6/9, siêu bão mạnh nhất năm - Hinnamnor đã đổ bộ vào thành phố Geoje của Hàn Quốc.

Cường độ bão hinnamnor khi đổ bộ vào TP Geoje chưa được công bố ngay lập tức nhưng Cục Khí tượng Hàn Quốc nhấn mạnh Hinnamnor được phân loại là cơn bão "siêu mạnh" khi đi qua đảo Jeju. Bão Hinnamnor gây sức gió mạnh kỷ lục, tốc độ tối đa từ 40 đến 60 m/giây ở Jeju và các khu vực ven biển thấp hơn khác trong khoảng thời gian từ đêm 5/9 đến hết ngày 6/9.

Trang Bloomberg cho biết các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện hạt nhân lâu đời của quốc gia đã được tăng cường đề các biện pháp chống thiên tai đề phòng cơn bão tấn công vào hòn đảo nghỉ dưỡng Jeju và thành phố công nghiệp trọng điểm Ulsan trên bờ biển phía Đông Nam.

Sau khi quét qua đảo Jeju, bão Hinnamnor đi qua cách thành phố cảng Busan khoảng 180 km về phía Tây vào lúc 3 giờ sáng với áp suất khí quyển tại tâm bão là 945 hPa.

Cảnh báo mưa lớn được ban bố. Hàn Quốc dự kiến ghi nhận lượng mưa tích lũy từ 100-300 mm trong ngày 5 và 6/9, vùng núi Jeju và một số vùng ven biển phía Nam có lượng mưa lần lượt hơn 600 mm và 400 mm.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin môi trường nổi bật nhất ngày 6/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới