Thứ năm, 02/05/2024 15:43 (GMT+7)
Thứ hai, 05/09/2022 18:10 (GMT+7)

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/9

Theo dõi KTMT trên

Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh; Lý giải việc vòi rồng xuất hiện hy hữu trên hồ Trị An; Đề xuất 6 giải pháp nâng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ... là những tin tức môi trường nổi bật ngày 5/9.

Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 5/9/2022 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh. Trưởng Ban Chỉ đạo là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Ban Chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh (Ban Chỉ đạo) là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa hoạt động giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành về tăng trưởng xanh; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và thực hiện các nhiệm vụ khác về tăng trưởng xanh do Thủ tướng Chính phủ giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng Ban là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các Ủy viên bao gồm lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Lý giải việc vòi rồng xuất hiện hy hữu trên hồ Trị An

Ngày 5/9, lãnh đạo UBND huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết sau 3 ngày xảy ra vòi rồng trên địa bàn, địa phương đã động viên và trợ cấp đột xuất cho các hộ dân thiệt hại do bị vòi rồng đánh lật úp lồng, bè.

Lãnh đạo địa phương cho biết trận lốc xoáy hôm 2/9 đã làm tốc mái, lật hoàn toàn nhà bè của 3 hộ dân với diện tích hơn 70 m2. Ngoài ra, 3 hộ dân khác bị cuốn ghe đánh cá. Rất may, sự việc không gây thiệt hại tính mạng của người dân.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/9 - Ảnh 1
Vòi rồng xuất hiện ở Đồng Nai là trường hợp hiếm, bởi lúc này mới bắt đầu vào đầu mùa mưa, trải qua một mùa khô kéo dài nên đối lưu rất mạnh.

Ba ngày trước, vòi rồng tạo cột nước cao gần 1.000 m trên mặt hồ Trị An (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Ban đầu vòi rồng nhỏ và thấp nhưng chỉ một lúc sau, cột nước đã phình to và cuộn lên rất cao. Vòi rồng di chuyển vào gần bờ khiến một số lồng bè của người dân bị hư hỏng, lật úp.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, lý giải vòi rồng xuất hiện trong những đám mây đối lưu mạnh. Đặc điểm nhận diện là khối mây trắng xóa, có chân mây cách mặt đất chỉ 500-600 m, còn đỉnh thì lên tới 6.000-10.000 m.

Hơi nước dày đặc chứa trong những đám mây khổng lồ này. Trường hợp đối lưu không quá mạnh, trời sẽ đổ mưa rào. Khi đối lưu mạnh sẽ tạo ra dòng xoáy từ dưới chân mây và tạo ra vòi rồng. Dòng xoáy này chỉ có phạm vi vài chục mét, nhưng xoáy rất mạnh dưới đáy của đám mây, có cường độ tương đương với một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Vị chuyên gia cho rằng vòi rồng xuất hiện ở Đồng Nai là trường hợp hiếm. Sở dĩ vòi rồng xuất hiện hôm 2/9 vì lúc này mới bắt đầu vào đầu mùa mưa, trải qua một mùa khô kéo dài nên đối lưu rất mạnh.

Cùng với đó, gió mùa tây nam đang hoạt động mạnh những ngày gần đây kéo hơi nước từ biển vào rồi gom thành ổ mây dông khá lớn, tụ lại ở Tây Nguyên, Đồng Nai và các tỉnh thuộc Tây Nam Bộ.

"Đất liền hay biển đều có thể xảy ra vòi rồng, nhưng đa phần ở ven biển vì nơi đây đủ hơi nước để tạo xoáy sâu. Trên đất liền, vào những ngày mây phát triển dữ dội mới có vòi rồng", chuyên gia khí tượng giải thích.

Sạt lở điểm khai thác quặng ở Yên Bái

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, mưa kéo dài từ 3 đến 5/9 tại một số nơi ở tỉnh Yên Bái đã làm 39 nhà dân các huyện Văn Chấn, Văn Yên bị hư hỏng, ngập; hơn 60 héc ta diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây giống bị ngập úng, vùi lấp.

Điểm khai thác than quặng 30, 31 thuộc Công ty TNHH Phát triển số 1, tại xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn cũng bị sạt lở làm thiệt hại ao nuôi cá của người dân.

Về giao thông: Sạt lở ta luy dương, ta luy âm tại nhiều tuyến đường liên xã ở các huyện Văn Chấn và Văn Yên, với tổng khối lượng khoảng 1 nghìn mét khối và chiều dài gần 100m.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện đã chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả, nhanh chóng kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng ổn định chỗ ở và ổn định cuộc sống.

Hà Tĩnh: Đề xuất 6 giải pháp nâng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ

Dự án đầu tư “Tăng cường khả năng thoát lũ hạ du hồ Kẻ Gỗ” là dự án rất quan trọng và cấp bách. Việc triển khai dự án này sẽ đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển thủy lợi Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể hệ thống thủy lợi tỉnh Hà Tĩnh.

Đặc biệt, dự án góp phần đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng, bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do nước gây ra; thích ứng với biển đổi khí hậu, nước biển dâng.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/9 - Ảnh 2
Hà Tĩnh đề xuất 6 giải pháp nâng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Xuân Thịnh - Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được 80% khối lượng báo cáo nghiên cứu khả thi. Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh; các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét trong tháng 8 năm 2022”.

Trong nhóm nâng cao năng lực phòng lũ cho hồ có 6 giải pháp được đưa ra gồm: Nâng cao đỉnh đập lên 2m nhằm tăng dung tích phòng lũ lên khoảng 25 triệu m3 nước so với quy trình vận hành năm 2011; giảm nhu cầu dùng nước hạ lưu; mở rộng tràn xả lũ Dốc Miếu, đóng hoàn toàn tràn trong cống lấy nước; xây dựng hồ chứa ở thượng lưu để cắt tần suất lũ về hồ Kẻ Gỗ; điều chỉnh quy trình vận hành và hoàn thiện thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát vận hành.

“Để giải quyết được bài toán tăng dung tích phòng lũ cho hồ Kẻ Gỗ cần kết hợp nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Tuy nhiên, trong 6 giải pháp đưa ra, việc nâng cao đập và xây dựng hồ chứa mới ở thượng lưu đòi hỏi chi phí đầu tư xây dựng lớn. Hơn nữa, giải pháp nâng cao đập sẽ ảnh hưởng đến quy mô đập chính hiện nay, nhiều vấn đề mất an toàn đập cũng có thể phát sinh nếu không đánh giá đúng hiện trạng thân đập cũ cũng như xây dựng biện pháp thi công công trình hợp lý.

Còn xây dựng hồ chứa mới, đồng nghĩa quy trình vận hành cũng phức tạp hơn, thậm chí nếu đập thượng lưu có sự cố thì nguy cơ vỡ đập chính hiện nay là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất lựa chọn giải pháp giảm nhu cầu dùng nước hạ lưu; mở rộng tràn xả lũ kết hợp điều chỉnh quy trình vận hành và hoàn thiện thiết bị quan trắc, khí tượng thủy văn, hệ thống giám sát vận hành”, đại diện đơn vị tư vấn nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Hàn Quốc tạm ngừng hoạt động để ứng phó với siêu bão Hinnamnor

Truyền thông Hàn Quốc mới đây đưa tin các hãng hàng không lớn nước này đã thông báo hủy một số chuyến bay trong khi nhiều doanh nghiệp sẽ ngừng hoạt động do lo ngại ảnh hưởng của siêu bão Hinnamnor.

Cục Khí tượng Hàn Quốc (KMA) cho biết siêu bão Hinnamnor được dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực cách thành phố cảng Busan 20km về phía Bắc-Tây Bắc vào sáng 6/9 nhưng hiện đang gây ra mưa lớn trên khắp các tỉnh, thành Hàn Quốc.

Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/9 - Ảnh 3
Siêu bão Hinnamnor được cho là một trong những cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Hàn Quốc.

Mặc dù khi đổ bộ vào khu vực ngoài khơi Busan, dự kiến bão sẽ hạ cấp xuống mức "rất mạnh" với sức gió ở tâm bão là 43mét/giây song Hinnamnor vẫn được cho là một trong những cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Hàn Quốc. Hàn Quốc phân loại bão gồm 4 cấp độ: trung bình, mạnh, rất mạnh và siêu mạnh căn cứ vào sức gió ở tâm bão. Bão "siêu mạnh" là những cơn bão có tốc độ gió tối đa đạt từ 54mét/giây trở lên.

Lo ngại ảnh hưởng của cơn bão thứ 11 trong năm nay và thuộc loại siêu bão, các hãng hàng không lớn của Hàn Quốc, như Korean Air Lines và Asiana Airlines, đã thông báo hủy một số chuyến bay khởi hành sau 13h ngày 5/9 (11h cùng ngày giờ Việt Nam).

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác như công ty thép Posco và các công ty đóng tàu như Korea Shipbuilding & Offshore Engineering, Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering, Samsung Heavy Industries dự kiến ngừng hoạt động vào ngày 6/9.

Cơ quan phòng chống thảm họa thiên tai trung ương đã ban bố khuyến cáo về thiên tai tại các thành phố ở miền Nam Hàn Quốc gồm Gwangju, Busan, Daegu và Ulsan và ở các tỉnh Bắc và Nam Jeolla, tỉnh Nam Gyeongsang bắt đầu từ sáng 4/9.

Từ chiều 4/9, Hàn Quốc đã đóng cửa hơn 600 đường đi bộ trong các công viên quốc gia trên khắp đất nước, đình chỉ hoạt động của 52 phà phục vụ 37 tuyến giao thông. Chính quyền Jeju, tỉnh Nam Jeolla và các thành phố lân cận đã yêu cầu khoảng 33.000 tàu di chuyển đến nơi tránh trú an toàn.

Cơ quan chức năng khuyến nghị các trường học cho học sinh chuyển sang chế độ học trực tuyến và các công ty cho phép lùi giờ làm việc trong ngày 6/9.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Cập nhật tin tức môi trường nổi bật ngày 5/9. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới