Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 30/9
Trồng rau trên móng nhà liền kề tiền tỷ tại dự án dang dở Westpoint Nam 32; Nhiều áp lực đè nặng thị trường địa ốc cuối năm; Hà Nội: Thêm 2 khu tập thể cũ sẽ được phá dỡ, xây mới vào cuối năm 2023... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Luật Nhà ở tạo thuận lợi thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp
Tại Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban soạn thảo cho rằng, Luật Nhà ở sửa đổi lần này cần phải tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp nhưng cũng cần phù hợp với hiến pháp.
Sáng 30/9, tại TP.HCM, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo nhằm lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban soạn thảo chủ trì với sự tham gia của các địa phương phía Nam và nhiều doanh nghiệp liên quan.
Theo Ban soạn thảo, Luật Nhà ở sửa đổi lần này nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để từng bước cải thiện điều kiện nhà ở của nhân dân. Vì, Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở. Do đó, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để phát triển và vận hành thông suốt thị trường bất động sản, xây dựng thể chế và các mô hình phù hợp để gắn kết quá trình công nghiệp hóa với đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, xây dựng chính sách xã hội về nhà ở.
Phát biểu khai mạc Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị - Trưởng Ban soạn thảo cho rằng, tất cả các nội dung đóng góp ngày hôm nay sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu nhằm chung sức, góp phần để xây dựng dự thảo sửa đổi, làm sao cho đảm bảo được các yêu cầu, tăng cường được công tác quản lý Nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản. Đồng thời phải tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp nhưng cũng đảm bảo phù hợp với hiến pháp, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật của nước ta.
Trồng rau trên móng nhà liền kề tiền tỷ tại dự án dang dở Westpoint Nam 32
Sau nhiều năm, khu đô thị mới Nam đường 32 (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn trong tình trạng vắng vẻ. Nhiều diện tích bỏ hoang, móng nhà xây dở dang đang được người dân tận dụng trồng rau.
Theo thông tin từ báo chí, Khu đô thị mới Nam đường 32 (hay còn gọi là Westpoint Nam 32) được UBND tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt Quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 từ năm 2008.
Đến khoảng giữa năm 2010, UBND huyện Hoài Đức có thông báo về việc thu hồi gần 47 ha đất trên địa bàn xã Đức Giang, Đức Thượng và thị trấn Trạm Trôi để bàn giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 thực hiện dự án đầu tư xây dựng dự án Westpoint Nam 32.
Tuy nhiên, đầu năm 2015, dự án này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh trong tổng thể quy hoạch tỷ lệ 1/5.000. Quy mô diện tích dự án được phê duyệt là gần 50 ha.
Dự án Westpoint Nam 32 có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 1.700 tỷ đồng, quy mô dân cư khoảng 12.000 người, dự kiến bàn giao nhà vào quý IV/2016. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai dự án vẫn "ì ạch", ngổn ngang và thiếu tính đồng bộ.
Bên trong dự án có nhiều hạng mục như liền kề, biệt thự, nhà ở xã hội, công viên nhưng hiện mới chỉ có khu liền kề, còn lại phần lớn diện tích dự án đang bỏ hoang.
Theo chia sẻ của người dân, trong giai đoạn 1 dự án, chủ đầu tư đã bán 549 căn. Dù đã thu tiền của người dân theo đúng hợp đồng đã ký nhưng đến nay có khoảng 200 căn nhà chưa xây dựng (một số căn đã xây dựng đến phần móng, một số căn đã xây dựng đến tầng 2, tầng 3 và hầu hết là các căn chưa được xây dựng). Hơn 300 căn nhà đã được xây dựng, bàn giao từ lâu nhưng chưa có sổ đỏ. Một số vị trí đường theo thiết kế chưa được xây dựng.
Nhiều áp lực đè nặng thị trường địa ốc cuối năm
Thực trạng đói vốn, chi phí tăng, thanh khoản kém suốt quý III khiến bất động sản bước vào quý IV với nhiều áp lực đè nặng thị trường.
Thông tin cho biết, quý III, thị trường nhà ở ế ẩm do chịu phản ứng kép từ việc kiểm soát tín dụng và vướng tháng 7 Âm lịch. Hai tháng 7 và 8, giao dịch nhà ở tại TP.HCM xuống thấp kỷ lục trong bối cảnh cả chủ đầu tư và khách mua nhà đều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tháng 8, căn hộ cao cấp phủ sóng 100% rổ hàng mới chào bán ra thị trường, đẩy tình trạng thừa nhà giá cao thiếu nhà giá thấp lên đỉnh điểm.
Dữ liệu giữa quý III của trang Batdongsan về lượng tin đăng rao bán tài sản tháng 8 trên hệ thống trực tuyến của đơn vị này tăng 273% so với cùng kỳ 2021, cho thấy áp lực xả hàng ngày càng lớn. Trước đó, HoREA cũng cảnh báo thị trường địa ốc đã lộ nhiều dấu hiệu bất ổn như giao dịch trầm lắng, sụt giảm nguồn cung, lệch pha cung cầu, thiết hụt vốn đã diễn ra suốt những tháng giữa năm và có thể kéo dài sang những tháng cuối năm.
Chia sẻ của ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, cho biết trước bức tranh màu xám kinh tế vĩ mô toàn cầu (Mỹ, châu Âu và nhiều nước thuộc khu vực châu Á) đang giảm tốc, Việt Nam khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Sức khỏe của thị trường địa ốc liên quan mật thiết đến yếu tố vĩ mô, nếu phục hồi kinh tế chưa bứt phá mạnh, bất động sản sẽ thiếu lực đỡ, khó chống chọi trước các biến động dễ dẫn đến chuyển biến xấu.
Ông Nghĩa phân tích, siết tín dụng, lãi suất tăng khiến thanh khoản bất động sản sụt giảm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó khăn đi kèm với lượng trái phiếu bất động sản rất lớn đáo hạn trong hai năm tới, chỉ là bề nổi của tảng băng. Bên cạnh cơn khát vốn kéo dài, các góc khuất của thị trường địa ốc còn nằm ở khía cạnh chi phí kinh doanh tăng lên, chi phí vốn cao hơn trước và tâm lý tiêu dùng co cụm (thắt chặt chi tiêu, trong đó có chi tiêu và đầu tư cho bất động sản).
Hà Nội: Thêm 2 khu tập thể cũ sẽ được phá dỡ, xây mới vào cuối năm 2023
Tiếp tục cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, UBND TP.Hà Nội vừa bổ sung Khu tập thể Hóa chất và Khu tập thể Rau quả nông sản (tại 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) vào danh mục nhà chung cư thuộc trường hợp phá dỡ nhà chung cư để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định tại Khoản 3, Điều 110 Luật Nhà ở ngày 25/11/2014.
Cả 2 khu tập thể này đã được 100% các chủ sở hữu đồng ý thống nhất về chủ trương xây dựng mới tại Hội nghị nhà chung cư họp ngày 29/6/2020.
Theo đó, UBND TP.Hà Nội giao UBND quận Long Biên trong quý IV/2022 hoàn thành việc khảo sát, xác định số liệu hiện trạng nhà chung cư (số lượng, diện tích căn hộ cũ được cấp Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận theo quy định, diện tích sử hữu chung, diện tích khác, diện tích nhà thuộc sở hữu nhà nước...), các công trình khác thuộc phạm vi dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư làm cơ sở để các nhà đầu tư lập đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí nhà ở tạm thời.
Cũng trong quý IV/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng UBND quận Long Biên, Sở Quy hoạch - Kiến trúc xác định phạm vi ranh giới dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư làm căn cứ lập quy hoạch chi tiết, thực hiện chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất theo quy định Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và pháp luật có liên quan.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với UBND quận Long Biên rà soát, đề xuất việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tại 2 khu tập thể; trong đó, lưu ý quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ cải tạo 2 khu tập thể do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Gia Bảo và Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng lập đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận tại văn bản số 2066/QHKT-P3 ngày 23/6/2011), làm cơ sở để nhà đầu tư xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng yêu cầu trong quý I/2023, UBND quận Long Biên phải hoàn thành việc lựa chọn chủ đầu tư dự án và tổ chức Hội nghị nhà chung cư để lấy ý kiến của các chủ sở hữu nhà chung cư đối với Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời; gửi Sở Xây dựng để chủ trì tổ chức kiểm tra, lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan, báo cáo UBND thành phố chấp thuận nguyên tắc Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời trước khi UBND quận phê duyệt theo ủy quyền tại Quyết định số 2932/QĐ-UBND ngày 5/7/2021 của UBND TP.Hà Nội.
Huyền Diệu