Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 22/6
Bất động sản liền thổ tăng giá 20%; Bộ Xây dựng: Sẽ có Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho loại hình nhà ở riêng lẻ; Hà Nội chốt phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay, 22/6.
Bộ Xây dựng: Sẽ có Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) cho loại hình nhà ở riêng lẻ
Ngày 21/6, Bộ Xây dựng có Văn bản số 2256/BXD-KHCN gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xin ý kiến đối với dự thảo TCVN Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế. Trong dự thảo có khuyến cáo, nhà ở riêng lẻ chỉ nên xây dựng tối đa 2 tầng hầm; trường hợp nhà cao từ 7 tầng hoặc có 2 tầng hầm trở lên phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn cháy theo quy định hiện hành.
Trước đó, thực hiện kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của Bộ Xây dựng, Viện Kiến trúc quốc gia là đơn vị được giao dự thảo tiêu chuẩn TCVN đối với Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế (TCVN). Dự thảo đã được xây dựng chi tiết, gửi xin ý kiến các tổ chức, cá nhân và các chuyên gia. Đến nay, sau khi tiếp thu ý kiến, Viện Kiến trúc quốc gia đã hoàn chỉnh dự thảo TCVN.
Theo quy định tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, để đảm bảo phù hợp với các quy định có liên quan và tình hình thực tế trước khi công bố TCVN đưa vào áp dụng, Bộ Xây dựng gửi dự thảo TCVN “Nhà ở riêng lẻ - Yêu cầu chung về thiết kế” để lấy ý kiến rộng rãi. Trong dự thảo lần này, các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc được quy định chi tiết, gồm:
Nhà ở riêng lẻ phải xây dựng tuân theo chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao nhà ở riêng lẻ tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khoảng lùi tối thiểu của mặt tiền nhà ở riêng lẻ so với chỉ giới đường đỏ phụ thuộc chiều cao công trình và chiều rộng của lộ giới, được lấy theo quy định về quy hoạch xây dựng.
Khoảng cách tối thiểu giữa các dãy nhà ở riêng lẻ liền kề hoặc công trình trong khu vực phát triển mới phải được quy định tại đồ án quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị. Bố trí các công trình, xác định chiều cao công trình phải đảm bảo giảm thiểu các tác động tiêu cực của điều kiện tự nhiên (nắng, gió…), tạo ra các lợi thế cho điều kiện vi khí hậu trong công trình và phải đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực và tuổi thọ thiết kế của công trình. Không xây dựng trên các vùng có nguy cơ địa chất nguy hiểm (sạt lở, trượt đất…), vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho khu vực xây dựng. Nhà ở riêng lẻ cần tuân thủ về phân cấp công trình xây dựng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (theo Thông tư số 06/2021/TT-BXD).
HoREA kiến nghị bổ sung quy định về “đặt cọc” và thanh toán trong giao dịch bất động sản
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung quy định về “đặt cọc” trong các Hợp đồng kinh doanh bất động sản và quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản.
Theo đó, văn bản của HoREA nêu rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước đối với hành vi “đặt cọc” trong kinh doanh bất động sản. Cụ thể, hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không quy định điều chỉnh, quản lý hành vi giao kết “đặt cọc” trong kinh doanh bất động sản, huy động vốn bán bất động sản hình thành trong tương lai xảy ra trước thời điểm ký Hợp đồng kinh doanh bất động sản, mà hành vi “đặt cọc” chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015. Trong đó quy định, “1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim loại quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.
HoREA cho rằng, mặc dù Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định tại Điều 15: “Giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng”.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 16 về “thanh toán trong giao dịch bất động sản” quy định “1. Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán” và tại khoản 1 Điều 57 quy định “1. Việc thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng”, nhưng do Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không quy định về hành vi “đặt cọc”, trong lúc Bộ luật Dân sự 2015 lại không giới hạn giá trị “đặt cọc” nên đã dẫn đến có trường hợp bên bán, bên huy động vốn đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho khách hàng, nhà đầu tư làm ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.
Hà Nội chốt phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo
Nguồn thông tin từ thành phố Hà Nội cho biết, thành phố chọn phương án thiết kế cầu Trần Hưng Đạo với kết cấu vòm, hai đường cong tiếp xúc nhau, lặp lại 6 nhịp, tạo biểu tượng về không gian và thời gian.
Theo đó, UBND thành phố lựa chọn phương án đoạt giải nhất cuộc thi tuyển chọn kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hồi tháng 10/2021.
Với phương án này, cầu chính dài 900 m, gồm 6 nhịp, tổng chiều dài cầu và đường dẫn hai đầu khoảng 5,5 km, qua các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Long Biên.
Đơn vị thiết kế phương án này từng giải thích, kiến trúc cầu lấy cảm hứng từ sự giao thoa giữa Hà Nội cổ kính và Hà Nội hiện đại hai bên bờ sông Hồng thông qua hình ảnh những làn sóng uốn lượn trên vòm cầu, tạo nên những vòng kết nối vô tận.
Cầu gồm hai chiều, mỗi chiều hai làn xe cơ giới và một làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, các khoảng không được tận dụng bố trí làn xe đạp tại vị trí sát vành vòm.
Phần đường dành cho người đi bộ nằm ngoài vành vòm. Đầu cầu có đường lên xuống cho người đi bộ. Trụ cầu có các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Hai đầu cầu có công viên phục vụ người dân vui chơi, giải trí.
Dự kiến công trình được thực hiện trong hơn 3 năm, hoàn thành vào quý II/2025. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 8.700 tỷ đồng.
Bất động sản liền thổ tăng giá 20%
Tháng 5, giá chào bán nhà phố, đất nền tăng 10-20% so với cuối năm ngoái, thanh khoản giảm nhẹ trên thị trường sơ cấp và khá chậm trên thị trường thứ cấp.
Báo cáo của DKRA cho biết, đa số dự án đất nền mới chào bán tháng 5 tập trung tại Bình Dương và Long An, chiếm đến 92% tổng nguồn cung trong kỳ. TP.HCM không xuất hiện dự án đất nền mới nào (vì đa số là dự án cũ).
Tháng qua, giá chào bán đất nền dự án trên thị trường sơ cấp tăng phổ biến trên dưới 11% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ tập trung chủ yếu ở Long An (chiếm 70%), nguyên nhân chính do chủ đầu tư đã chạy booking từ 3-6 tháng trước.
Với phân khúc nhà phố, biệt thự tại TP.HCM, DKRA cũng ghi nhận tăng 15-20% so với đợt mở bán trước (mỗi giai đoạn cách nhau 4-5 tháng). Nguồn cung và lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu tại khu Nam và Tây Sài Gòn. Thị trường sơ cấp vẫn duy trì lực mua với tốc độ chậm, song giao dịch thứ cấp kém sôi động. Đa số các giao dịch nhà phố, biệt thự tháng qua chủ yếu tập trung vào những dự án đã bàn giao nhà, hạ tầng kết nối đồng bộ.
Với địa bàn phụ cận, Đồng Nai có nguồn cung nhà phố, biệt thự và lượng tiêu thụ phân khúc này vượt trội so với các tỉnh phía Nam. Bà Rịa Vũng Tàu có tỷ lệ hấp thụ kém, chỉ đạt 2% trên tổng nguồn cung mới toàn thị trường. Chi phí nguyên vật liệu tăng và việc siết tín dụng tiếp tục đẩy mặt bằng giá sơ cấp nhà phố, biệt thự tại các tỉnh phụ cận này tăng 10-20% so với đợt mở bán trước đó (mỗi đợt cách nhau 3-5 tháng).
Bùi Hằng