Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 20/6
Loạt bất động sản tại TP.HCM đang được ngân hàng thanh lý; Giá chung cư Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục tăng; Nhà đầu tư ồ ạt bỏ cọc sau khi đấu giá đất ở mức 'trên trời'… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay, 20/6.
Loạt bất động sản tại TP.HCM đang được ngân hàng thanh lý
Hàng loạt lô đất, biệt thự giá trị tại TP.HCM đang được Sacombank, Agribank và các ngân hàng khác rao bán với giá từ vài chục tỷ cho tới vài trăm tỷ đồng.
Trong thời gian ngắn gần đây, các ngân hàng lớn liên tục phát đi thông báo về việc thu giữ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản. Đáng chú ý, phần lớn bất động sản đang được rao bán đợt này tập trung ở TP.HCM, trong đó, giá khởi điểm dao động từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng.
Mới nhất, Sacombank cho biết, ngân hàng đang có nhu cầu thanh lý một loạt bất động sản tại quận 5, quận 10, quận 11, quận 12, quận Bình Thạnh và huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Trong đó, bất động sản giá trị nhất được Sacombank rao bán đợt này là lô đất 1.774 m2 tại số 28-30 Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5. Đây là lô đất thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Hồng, sau đó được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản vay phát sinh tại Ngân hàng Phương Nam (nay đã sáp nhập vào Sacombank).
Tuy nhiên, do khách hàng không trả được nợ, Sacombank đã bán khoản nợ này cho VAMC và được ủy quyền xử lý tài sản đảm bảo. Hiện tại, bà Hồng cũng đã ủy quyền cho Sacombank toàn quyền định đoạt tài sản để xử lý nợ.
Với loại hình đất ở đô thị lâu dài, Sacombank đưa ra giá khởi điểm cho lô đất này lên tới 530,5 tỷ đồng, tương đương 299 triệu/m2.
Tại huyện Nhà Bè, Sacombank cũng đang rao bán lô đất và nhà xưởng gắn liền rộng gần 60.000 m2 tại Lô A18, Khu công nghiệp Hiệp Phước, xã Long Thới. Đây là đất khu công nghiệp có thời hạn sử dụng đến cuối năm 2048.
Bất động sản này do Công ty CP Thuộc da Hào Dương thuê lại từ Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước để làm nhà xưởng và được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của công ty. Giá khởi điểm Sacombank đưa ra cho lô đất này là 500 tỷ đồng.
Giá chung cư Hà Nội và TP.HCM vẫn tiếp tục tăng
Nguồn cung bất động sản nhà ở sụt giảm đẩy giá nhà rao bán leo thang. Trong tháng 5, mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 8%, của TP.HCM tăng 5%.
Theo báo cáo thị trường bất động sản tháng 5 của Batdongsan.com.vn, giá rao bán chung cư Hà Nội và TP.HCM trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng so với mặt bằng giá 2021. Trong đó, Hà Nội có tốc độ tăng giá căn hộ nhanh hơn TP.HCM. Cụ thể, mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 8%, của TP.HCM tăng 5%. Bên cạnh giá rao bán tăng, tháng 5/2022 cũng ghi nhận mức độ quan tâm hầu hết các phân khúc chung cư ở hai đô thị lớn tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Tại Hà Nội, nhu cầu tìm thuê căn hộ tăng 6%, nhu cầu tìm mua căn hộ tăng lần lượt 6% và 4% đối với phân khúc cao cấp và trung cấp và chỉ giảm nhẹ 3% ở phân khúc bình dân trong tháng 5/2022 so với tháng 5/2021.
Tại TP.HCM, mức độ quan tâm căn hộ cho thuê tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tìm mua căn hộ cao cấp và trung cấp tăng 14% và 5%. Riêng căn hộ bình dân có nhu cầu mua giảm 14%. Tháng 5/2022, lượng tin đăng bán phân khúc này cũng giảm đến 18% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giá nhà tăng cao liên tục là do tình trạng khan hiếm nhà ở. Giá nhà đã vượt quá khả năng thu nhập của đa số người dân được biểu hiện qua chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở (so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6-7 lần thu nhập).
Nhà đầu tư ồ ạt bỏ cọc sau khi đấu giá đất ở mức 'trên trời'
Nhiều địa phương cho rằng, việc nhà đầu tư rầm rộ đấu giá đất nông thôn và miền núi ở mức cao ngất rồi đồng loạt bỏ cọc có thể là chiêu thức để “thổi giá” các lô đất xung quanh khu vực đấu giá mà họ đã mua trước đó.
Mới đây, phiên đấu giá 39 lô đất thuộc Khu dân cư Cà Tu, tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà ( Quảng Ngãi ), khiến nhiều nhà đầu tư được phen “khiếp vía” vì mức giá trúng cao chót vót. Cụ thể, 39 lô đất có tổng diện tích hơn 5.344m2, tổng giá khởi điểm là hơn 20,4 tỷ đồng. Trong đó, diện tích các lô từ hơn 126 - 175m2, giá khởi điểm từ 414 - 782 triệu đồng/lô. Nhà đầu tư tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá trị lô đất theo giá khởi điểm.
Buổi đấu giá thu hút hơn 1.000 người mua hồ sơ, kết thúc phiên đấu giá, cả 39 lô đất của huyện miền núi đã được đấu giá thành công, tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 44,8 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với tổng giá khởi điểm, vượt xa kế hoạch mà UBND huyện Sơn Hà đề ra.
Đáng chú ý, gần như các lô đất đều được đấu thành công ở mức tăng gấp 2–3 lần giá khởi điểm, điển hình như lô hơn 700 triệu đấu thành công ở mức 1,8 tỷ đồng, lô hơn 600 triệu được đấu thành công ở mức hơn 1,8 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần). Bên cạnh đó, phiên “chợ đất” còn diễn ra vô cùng náo nhiệt và gay cấn vì mỗi lô đất đều phải trải qua 10–15 vòng trả giá mới đến mức giá cuối cùng, thậm chí có lô còn lên gần 30 vòng trả giá.
Doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp kỳ vọng tăng trưởng cao
Bất động sản khu công nghiệp được cho là ngành có nhiều thuận lợi khi nhu cầu thuê đất tại các khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực.
Đồng thời, việc đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, phân quyền nhiều hơn cho các địa phương có thể giúp giảm thủ tục cấp phép đầu tư tại các khu công nghiệp. Giới phân tích nhận định, 2022 sẽ là năm các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng cao.
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2021 có 397 khu công nghiệp đã được thành lập, bao gồm 352 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 37 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 122,9 nghìn ha.
Trong đó có 291 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 87,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 58,7 nghìn ha và 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,7 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 70,9%, xấp xỉ so với cuối năm 2020.
Trong 6 tháng 2022, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập 9 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 2.472 ha, tổng vốn đầu tư các dự án đạt 29.411 tỷ đồng.
Các dự án cũng quy định thời gian xây dựng từ -4 năm kể từ khi được thành lập và thời gian hoạt động kể từ 50 năm kể từ ngày thành lập.
SSI cho rằng, nguồn cung các khu công nghiệp mới này có thể đi vào hoạt động vào cuối 2023 đến năm 2025. Dù vậy, SSI cũng nhận định các thủ tục pháp lý liên quan đến việc cấp phép đầu tư khu công nghiệp đã được đơn giản hóa, nhưng tiến độ đền bù giải tỏa vẫn còn khá chậm, có thể dẫn đến làm chậm tiến độ đi vào hoạt động của dự án.
Bùi Hằng