Chủ nhật, 08/09/2024 06:30 (GMT+7)
Thứ năm, 20/10/2022 17:44 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 20/10

Theo dõi KTMT trên

Giao dịch đất nền tại những khu vực từng “nóng” giờ ra sao?; Cục Thuế TP.HCM đề xuất xử lý hơn 1.051 tỷ đồng vụ bỏ cọc 4 lô đất ở Thủ Thiêm;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm gần 21% tổng dư nợ

Tăng trưởng tín dụng đến ngày 26/9 đạt 10,83% - mức cao nhất nhiều năm. Vốn chảy vào bất động sản 8 tháng tăng gần 15,7%, còn vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm hơn 35%.

Số liệu này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan tới vấn đề chất vấn.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 20/10 - Ảnh 1
Tín dụng đổ vào bất động sản tăng từ đầu năm. (Ảnh: Hữu Nghị).

Tính đến cuối tháng 9, tín dụng đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng 10,83% so với cuối năm ngoái. Ngân hàng Nhà nước đánh giá con số này phù hợp với diễn biến phục hồi kinh tế.

Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Đơn cử, tín dụng vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tăng gần 7,6%; công nghiệp xây dựng xấp xỉ 7,4%; thương mại dịch vụ tăng 11,34%...

Đặc biệt, tín dụng lĩnh vực bất động sản đến cuối tháng 8 tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021, tương ứng tăng thêm 3,7% so với 3 tháng trước đó. Vốn tín dụng vào bất động sản chiếm hơn 20,9% tổng dư nợ nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào mục đích vay tự sử dụng, tăng hơn 20,1% còn kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.

Vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoán giảm hơn 35%, chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng.

Tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông đến cuối tháng 6 giảm 1,72% so với cuối 2021.

Giao dịch đất nền tại những khu vực từng “nóng” giờ ra sao?

Sau thời gian nhiều khu vực lên cơn sốt nóng, thị trường bất động sản bước vào giai đoạn hạ nhiệt cục bộ, thậm chí một số nơi đã xuất hiện tình trạng cắt cắt lỗ.

Theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tại TP. HCM và khu vực Đông Nam Bộ, trong quý III chỉ ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 nền, giảm 65% so với quý II. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 78% so với quý trước (mức thấp nhất kể từ đầu năm).

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 20/10 - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Diễn biến ảm đạm cũng xuất hiện tại khu vực Nam Trung Bộ khi Khánh Hòa không có dự án đất nền mới mở bán trong quý vừa qua, giao dịch tập trung ở phân khúc đất nền ở vùng ven, với giá 5-6 triệu đồng/m2. Thị trường đất nền tại địa phương này ghi nhận chững lại từ đầu tháng 9 vừa qua, lượng giao dịch sụt giảm so với quý trước. Tại Bình Định, giao dịch trong quý chủ yếu tập trung ở loại hình đất đấu giá, tuy nhiên, thanh khoản ở mức thấp.

Tại khu vực Trung Bộ, quý III có 18 dự án nhà ở đang chào bán, cung cấp ra thị trường gần 1.700 sản phẩm. Trong đó, có khoảng 1.000 sản phẩm đất nền. Số lượng giao dịch trong quý này đạt gần 700 giao dịch, tỷ lệ hấp thụ 40,7%.

Khu vực Tây Nguyên, sau khi việc phân lô, tách thửa, chuyển nhượng trên toàn tỉnh Lâm Đồng cơ bản được kiểm soát, hoạt động mua bán bán đất nền giảm mạnh khi trong chỉ có hơn 6.000 nền được giao dịch thành công quý vừa qua, giảm hơn 13.000 so với quý trước. Giá có xu hướng giảm nhẹ, một số nhà đầu tư đã chấp nhận cắt lỗ.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, hơn 70% nguồn cung trong quý là dự án thấp tầng, đất nền với giá trung bình các dự án khoảng 33,5 triệu đồng/m2, tỷ lệ hấp thụ thấp. Nhu cầu mua bán trao đổi ký gửi giảm mạnh.

Trong đó, Thanh Hóa có tới 18 dự án đang chào bán, nhu cầu ở thực tăng mạnh trong 3 tháng quý III. Cuối quý III, đầu quý IV nhu cầu ở thực có dấu hiệu chững lại do khó khăn tài chính, chuyển sang xu hướng đầu tư đất nền ở các khu vực có nguồn vốn đầu tư công lớn.

Cục Thuế TP.HCM đề xuất xử lý hơn 1.051 tỷ đồng vụ bỏ cọc 4 lô đất ở Thủ Thiêm

Cục Thuế TP.HCM vừa có văn bản gửi đến UBND TP.HCM để báo cáo tình hình xử lý đối với các tổ chức trúng đấu giá các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Trong báo cáo, Cục Thuế TP.HCM cho biết, ngày 9/9/2022, đơn vị này đã nhận được Quyết định số 3065 của UBND thành phố về việc hủy các Quyết định 4420/QĐ-UBND, 4421/QĐ-UBND, 4422/QĐ-UBND, 4423/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND thành phố về công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với các lô đất 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 20/10 - Ảnh 3
4 lô đất bỏ cọc ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. (Ảnh TL).

Căn cứ Quyết định trên, Cục Thuế TP.HCM đã ban hành các thông báo vào ngày 06/10/2022 để thu hồi, hủy bỏ các thông báo nghĩa vụ tài chính cho 4 tổ chức trúng đấu giá đối với các lô đất thuộc Khu chức năng số 3 Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đồng thời, theo Quyết định số 3065 ngày 9/9 thì UBND thành phố giao Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố rà soát đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xử lý số tiền đặt cọc 20% và tiền cưỡng chế nợ thuế, trình UBND thành phố xử lý theo quy định.

Theo Cục Thuế TP.HCM, tại tờ trình ngày 3/8, trong văn bản của Sở TN-MT có nêu: trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.

Còn theo quy định tại hợp đồng mua bán tài sản đấu giá các lô 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12 ký giữa các bên gồm Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở TN-MT), Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thành phố và bốn tổ chức trúng đấu giá được Phòng Công chứng số 7 chứng nhận quy định rõ nội dung: quá thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thông báo của cơ quan thuế mà bên trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá là vi phạm hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Không chỉ môi giới, nhiều nhà đầu tư BĐS “nghỉ nghề” đi kinh doanh nhà hàng, cafe, quán ốc…

Đó là “chuyện vui nhưng có thật” đang diễn ra trên thị trường BĐS. Hàng loạt nhà đầu tư đợi thị trường bằng cách mở dịch vụ khác để kiếm thêm thu nhập giữa bối cảnh thị trường BĐS gặp khó.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 20/10 - Ảnh 4
Ảnh minh họa.

Vốn là nhà đầu tư lâu năm trên thị trường BĐS, kiếm tiền trăm, tiền tỉ lúc thị trường BĐS tốt, chị Ng hiện phải kinh doanh thêm cửa hàng cà phê và ăn uống để “bù” lại những ngày thị trường trầm lắng. Suốt nửa năm qua, gần như chị Ng không có thu nhập từ nghề chính của mình là đầu tư BĐS.

Số vốn có được từ đầu tư BĐS trước đó, chị bỏ hết vào kinh doanh trong lúc đợi thị trường. Theo chị Ng, dù việc kinh doanh không mấy thuận lợi do sự cạnh tranh tăng lên từng ngày nhưng để dòng tiền đó chờ thị trường hoặc bỏ vào BĐS ở giai đoạn này cũng không mấy khả quan. Chưa kể, để có dòng tiền trả các khoản lãi vay từ việc đầu tư đất thì lúc thị trường khó khăn, chị đã quyết định kinh doanh để tiền đẻ được ra tiền.

“Thời điểm trước đây, tôi chỉ đầu tư đất là chủ yếu, không phải vất vả để kinh doanh như hiện nay. Thế nhưng, lúc thị trường gặp khó, mình phải tính toán làm việc khác để chờ đợi thị trường tốt lên”, chị Ng chia sẻ.

Cùng từng nhiều lần thắng thế trong đầu tư BĐS, Anh H, ngụ TP.HCM cũng phải “nghỉ nghề” suốt 4-5 tháng nay. Anh quyết định dùng 500 triệu đồng dư ra từ việc đầu tư BĐS trước đó để mở quán cafe. Nhà đầu tư này chia sẻ: Thời buổi khó khăn, kinh doanh làm ăn gì cũng khó. Chấp nhận “nhặt tiền lẻ” nhưng nếu không làm thì không biết khi nào thị trường BĐS mới hồi phục để làm ăn. Chưa kể, theo anh H, hiện nguồn tiền nằm hết vào trong đất nếu cứ ngồi một chỗ chờ đợi thì không ổn. Vì thế, kinh doanh thêm mảng khác với hi vọng sẽ có đồng ra vào lúc “thất nghiệp”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 20/10. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Bão số 3 Yagi là cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
"Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ" - ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.