Thứ sáu, 22/11/2024 11:31 (GMT+7)
Thứ ba, 19/04/2022 22:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/4

Theo dõi KTMT trên

Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế rủi ro; Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế rủi ro; Những “biến số” của thị trường bất động sản… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế rủi ro

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản là giải pháp nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra bong bóng bất động sản.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc kiểm soát chặt không có nghĩa là dòng tiền không vào bất động sản nữa mà chỉ hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/4 - Ảnh 1
Năm nay, dự kiến tăng trưởng tín dụng bất động sản từ 9-10%. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh)/TTXVN

Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, năm nay sẽ không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như: kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

Cấn Văn Lực cho biết, hiện tổng dư nợ cho vay bất động sản khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ tín dụng cả nền kinh tế; trong đó, có 65% dư nợ tín dụng bất động sản là vay mua nhà, sửa nhà.

Theo TS. Cấn Văn Lực, hai năm vừa qua, tận dụng lãi suất rẻ, người dân tăng mua nhà, sửa nhà, đầu tư nhà đất, với tín dụng cho vay mua, sửa nhà tăng 15-16%, cho vay kinh doanh bất động sản tăng 7-8%. Năm nay, dự kiến tăng trưởng tín dụng bất động sản từ 9-10%.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc siết lại tín dụng bất động sản là việc cần làm để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, giảm thiểu các rủi ro cho nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường địa ốc tăng “nóng” thời gian qua khi đa số các nhà đầu tư đều sử dụng đòn bẩy tài chính.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm gần đây, hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản giảm về tỷ trọng so với tín dụng của toàn hệ thống. Theo đó, tín dụng đổ vào bất động sản giảm từ trên 26% năm 2018 xuống khoảng 12% năm 2020, thấp hơn tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến cuối năm 2021, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản duy trì khoảng 12%.

Vì đâu thị trường bất động sản khắp nơi đều lên “cơn sốt”?

Hiện nay, cơn sốt bất động sản không chỉ tập trung ở một số đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM mà đã lan ra khắp cả nước, len lỏi tới cả những vùng quê, vùng núi.

Sau Tết Nguyên đán, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn. Cơn sốt đất bây giờ xuất hiện ở các tỉnh như Bình Phước, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị… và nhiều khu vực xung quanh TP.HCM.

Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam, hiện nay tình trạng sốt đất đã lan rộng ra nhiều địa phương, có xu thế chạy theo các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Điều đáng nói, giờ đây sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận TP.HCM hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, mặt bằng giá đất hiện tại lên khá cao, có nơi tăng 2 đến 3 lần so với thời điểm mua vào. Bất ngờ hơn nữa là các khu vực miền núi vùng cao cũng hòa chung với cơn sốt đất tăng giá.

Một trong những nguyên nhân khiến cơn sốt đất đang có dấu hiệu lan rộng mạnh mẽ là bởi nguồn tiền đầu tư còn rất lớn, xu hướng các nhà đầu tư, cá nhân đổ xô vào mua đất diễn ra hối hả ở thời điểm bình thường mới, những tác động xấu của đại dịch Covid -19 đang dần lùi xa.

Sốt đất không còn là câu chuyện diễn ra ở các đô thị lớn, vùng lần cận các thành phố như TP.HCM hay Hà Nội mà đã đi xa, len lỏi khắp các vùng quê, miền Núi xa xôi. Nhiều chuyên gia đánh giá, vụ Thủ Thiêm đã tạo ra hiệu ứng tăng giá đất mạnh lan tỏa sang các địa phương khác.

Cảnh loạt biệt thự bỏ hoang dọc đại lộ nghìn tỷ ở TP Vinh

Nằm ở vị trí ‘đất vàng’ của thành phố Vinh (Nghệ An), tuy nhiên hàng loạt khu biệt thự sau khi xây dựng xong phần thô đang bị bỏ hoang hàng chục năm nay.

Dự án khu đô thị Tây đại lộ V.I.Lê Nin tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh, Nghệ An, có vị trí tiếp giáp với 2 trục đường lớn nhất trên địa bàn TP Vinh là đại lộ Lê Nin và đường 72 m.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/4 - Ảnh 2

Dự án được triển khai từ năm 2003, do Công ty Cổ phần xây dựng số 9 - Vinaconex 9 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, bên cạnh những ngôi nhà đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, dự án này vẫn còn khá nhiều ngôi nhà đang bị bỏ hoang sau khi đã xây xong phần thô.

Những căn nhà bị bỏ hoang đều có vị trí đắc địa, nằm ngay mặt đường 72 m. Đây là trục đường nối thành phố Vinh với thị xã Cửa Lò.

Dãy biệt thự liền kề tại xóm 19, xã Nghi Phú, TP. Vinh do Vinaconex 9 làm chủ đầu tư được xây dựng gần 20 năm nhưng không có người ở.

Những “biến số” của thị trường bất động sản

Trong quý 1/2022, đối với bất động sản nhà ở, ngoài phân khúc đất nền có ghi nhận nguồn cung và lượng tiêu thụ mới tăng, các phân khúc còn lại như căn hộ và nhà phố/biệt thự giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021.

Chia sẻ tại toạ đàm "Tạo đà phục hồi thị trường BĐS phía Nam", ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho rằng, trong quý 1/2022, toàn thị trường phân khúc đất nền ghi nhận 11 dự án mở bán (7 dự án mới và 4 dự án ở giai đoạn mở bán tiếp theo). Cung cấp ra thị trường 1.832 nền, tương đương với quý 4/2021 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ chung toàn thị trường đạt 68%, với khoảng 1.240 nền được thị trường đón nhận, tăng nhẹ ở mức 6% so với lượng tiêu thụ của quý trước và cùng kỳ năm 2021 (khoảng 1.174 nền).

Ở phân khúc căn hộ, thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh trong quý đầu năm 2022 ghi nhận 18 dự án mở bán, bằng 42% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt xấp xỉ 76% nguồn cung mới bằng 45% so với quý trước và bằng 59% so với cùng kỳ năm trước.

Với nhà phố biệt thự, thị trường TP.HCM và các tỉnh giáp ranh 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 611 căn mở bán đến từ 12 dự án bằng 17% so quý trước và bằng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 71% tương đương 432 căn, bằng 18% so với quý 4/2021 và bằng 65% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Thắng, nguồn cung giảm nhiều nhưng giá lại tăng mạnh ở thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Ở thị trường sơ cấp, phân khúc đất nền quý I/2022 có sự gia tăng giá bán ở một số địa phương như Long An, tăng 4-6% so với quý trước, Bình Dương tăng 3-5%... Đồng Nai có những dự án đất nền hơn 74 triệu đồng, tiệm cận một số địa phương ở TP.HCM. Phân khúc căn hộ, mặt bằng giá sơ cấp TP.HCM tăng từ 3%-5%, Bình Dương tăng từ 2%-4%. Thị trường Bình Dương có những căn hộ tiệm cận 53 triệu đồng/m2.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 19/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới