Thứ sáu, 19/04/2024 20:58 (GMT+7)
Thứ tư, 14/12/2022 02:54 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/12

Theo dõi KTMT trên

Bất động sản giảm giá, nhà đầu tư vẫn e dè xuống tiền; Sức mua căn hộ phía Nam giảm mạnh; Lãi hàng trăm triệu từ xây nhà nguyên căn để bán;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Bất động sản giảm giá, nhà đầu tư vẫn e dè xuống tiền

Báo cáo thị trường bất động sản của nhiều đơn vị nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà. Nguồn cung mới có thể sụt giảm bởi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/12 - Ảnh 1
Sau thời gian "sốt nóng", nhiều căn biệt thự tại khu đô thị Nam An Khánh vẫn đang bỏ hoang (Hoài Đức, Hà Nội). (Ảnh: Hà Phong).

Thông tin từ báo chí cho biết, thời gian gần đây, nhiều phân khúc bất động sản như đất nền, nhà liền kề, biệt thự đã xảy ra tình trạng giảm giá do nhà đầu tư đang bị áp lực tài chính. Trong đó, đất nền là sản phẩm ghi nhận sự sụt giảm về giá lớn nhất so với thời điểm đỉnh cơn "sốt đất".

Đơn cử, tại các khu vực ven Hà Nội từng "sốt giá" như Thạch Thất, Sơn Tây, Sóc Sơn…, giao dịch bất động sản đều rơi vào trầm lắng. Theo đó, giá đất nền đã đồng loạt giảm sâu 20-30%, thậm chí đến 40% so với thời điểm đầu năm.

Cụ thể, đất nền phân lô tại xã Bình Yên (Thạch Thất, Hà Nội) đầu năm nay có giá bán 22 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay, nhiều người đang rao bán cắt lỗ, giảm giá chỉ còn khoảng 15 triệu đồng/m2. Tương đương, có lô đất nền 60m2 được rao bán giá 900 triệu đồng.

Sức mua căn hộ phía Nam giảm mạnh

Tháng 11, lượng căn hộ bán được tại khu vực phía Nam chỉ đạt hơn 200 căn, cho thấy sức mua sa sút so với các mùa cao điểm bán hàng ba năm qua.

Báo cáo mới nhất về thị trường chung cư của DKRA Vietnam cho biết, trong tháng 11, các tỉnh phía Nam chỉ có TP.HCM, Bình Dương bán dự án mới và tiêu thụ được 213 căn, bằng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, tức giảm gần 90% so với tháng 11/2021. Dữ liệu này cho thấy sức mua nhà chung cư tháng qua xuống thấp so với 4 tháng gần đây do chịu tác động từ việc kiểm soát tín dụng, đồng thời lực cầu nhà ở cũng thấp nhất so với các mùa cao điểm bán hàng ba năm qua.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/12 - Ảnh 2
Căn hộ ở khu đông TP.HCM. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Đơn vị khảo sát này đánh giá, trên thị trường sơ cấp tháng 11 cũng ghi nhận các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh lên đến 40-50% giá trị bất động sản. Thanh khoản thứ cấp tiếp tục sụt giảm, giá bán ghi nhận giảm 3-5% so với tháng trước. Phần lớn ở những giao dịch trong tháng qua đều do người bán cần tiền gấp phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân, giảm áp lực do lãi suất cho vay leo thang.

Thông tin báo chí cho thấy, đến đầu tháng 12, trên thị trường sơ cấp nhiều doanh nghiệp bất động sản chọn đóng rổ hàng sớm vì ế ẩm, chờ qua giai đoạn khó khăn chứ không tung sản phẩm dù đây là mùa cao điểm bán hàng thường niên.

Lý do của việc đóng rổ hàng năm nay sớm là doanh nghiệp khảo sát thị trường suốt quý III và hai tháng 10, 11 của quý IV cho thấy tâm lý của người mua đang xuống thấp.

Chủ đầu tư một dự án căn hộ tại quận 2 cũ (nay là TP.Thủ Đức) cho biết đã thăm dò thị trường từ tháng 5 đến nay, nhận thấy thanh khoản càng về cuối năm càng yếu dần. Đa số khách hàng hoãn kế hoạch mua nhà năm nay và muốn giữ tiền mặt trong 3-6 tháng tới, nên doanh nghiệp quyết định chờ qua năm 2023 mới tìm thời cơ tái khởi động việc bán hàng.

Lãi hàng trăm triệu từ xây nhà nguyên căn để bán

Nhiều nhà đầu tư ở Hà Nội chọn hướng tìm mua các khu đất rộng, phân lô, xây các căn nhà ống để bán. Tuy vậy, ngành này đang suy giảm lợi nhuận và khó khăn trong triển khai.

Anh Cường (55 tuổi, nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội) đã có 20 năm kinh doanh bất động sản. Công việc của anh chủ yếu mua đất, phân lô, xây nhà và bán lại.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/12 - Ảnh 3
Những căn nhà ở phân lô thường nằm tại các vùng ven trung tâm thành phố. (Ảnh: Thanh Vũ).

“Vào năm 2018, tôi tự tin vay ngân hàng gần chục tỷ đồng để mua cả trăm mét vuông đất thổ cư ở các vùng ven trung tâm. Chẳng hạn như ở Yên Nghĩa, cứ 30 m2 là tôi xây một căn nhà, nội thất đầy đủ, sổ đỏ, pháp lý đàng hoàng, giá chào bán khoảng 2 tỷ đồng. Với mỗi căn bán được, sau khi trừ vốn, việc lãi hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường”, anh Cường chia sẻ.

Theo anh Cường, khoảng 4 năm trước, việc bán nhà phân lô có thể mang về mức lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này đang suy yếu qua từng năm do Nhà nước siết chặt tín dụng bất động sản, chi phí xây dựng tăng cao, cùng với đó là những quy định mới ngày càng khắt khe về việc phân lô, tách thửa.

Theo ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc Công ty BHS Group, việc kinh doanh nhà ở phân lô tương tự với câu chuyện mua buôn, bán lẻ. “Lô đất phân ra càng nhỏ thì lợi nhuận càng cao. Trong thời điểm thị trường ‘nóng sốt’, chuyện bán lãi gấp đôi là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên, hiện tại, mức lãi khoảng 15-30% có thể coi là thành công đối với nhà đầu tư”, ông Lê Xuân Nga chia sẻ.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng nhà đầu tư không còn quá mặn mà với loại hình nhà ở phân lô. Hiện mọi người chỉ dừng lại ở động thái nghe ngóng, thăm dò thị trường. Quyết định đầu tư vẫn có thể được đưa ra nếu khu đất phân lô nằm ở vị trí đẹp, phục vụ nhu cầu ở thực và mang lại cho nhà đầu tư mức lãi cao hơn ngân hàng, từ 10%-20%.

Riêng tại Hà Nội, các quy định mới về việc phân lô, tách thửa đã khiến mô hình kinh doanh này không còn hoạt động sôi nổi như trước, đặc biệt là ở các vùng ven trung tâm.

Kể từ ngày 15/8, tại các khu vực thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận, bao gồm Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, mảnh đất phải rộng từ 40 m2 trở lên mới đạt điều kiện tách thửa, trong khi trước đây, chỉ cần từ 30 m2 là đủ. Bên cạnh đó, trường hợp thửa đất phải chia tách để làm ngõ chung, chiều rộng mặt cắt tối thiểu sẽ từ 2 m trở lên.

“Mùa gặt” bất động sản năm nay diễn biến "lạ"?

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm 2022, như thường lệ, thời điểm cuối năm luôn được coi là “mùa vụ” trông đợi nhất trong năm của thị trường bất động sản. Nhìn lại thời điểm cuối năm 2021, thị trường sôi sục, môi giới chỉ mong cho Tết đến thật chậm bởi càng những ngày giáp Tết giao dịch mua - bán càng sôi động.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/12 - Ảnh 4
Ảnh minh họa

“Thời điểm cuối năm ngoái, sốt đất diễn ra ở nhiều nơi. Tôi còn nhớ đến ngày 28-29 Tết vẫn còn khách hàng đặt cọc vì sợ nếu để ra Tết sẽ bị mất hàng”, một môi giới chia sẻ.

Thế nhưng, thời điểm hiện tại, sự ảm đạm, trầm lắng vẫn đang bao trùm ngành địa ốc. Theo số liệu của DKRA về thị trường địa ốc phía Nam trong tháng 11, cả tháng chỉ bán được 213 căn hộ, bằng 11% so với tháng 11/2021. Còn nhà phố/biệt thị cũng chỉ bán được 172 căn, giảm 83% so với cùng kỳ. Biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng cũng trong tình cảnh ế ẩm tương tự khi chỉ bán được lần lượt 56 căn và 35 căn, giảm lần lượt 83% và 96% so với tháng 11/2021.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, thị trường bất động sản cuối năm khó được trở lại như những năm trước.

Trước tình cảnh ế ẩm như hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho nhân viên nghỉ tết sớm. Đơn cử, một công ty bất động sản tại khu vực miền Bắc đã cho nhân viên nghỉ từ ngày 12/12/2022 đến hết ngày 05/02/2023. Riêng bộ phận Kinh doanh tiếp tục triển khai bán các sản phẩm đang có của công ty với cơ chế, chính sách theo thông báo. Đây được cho là sự việc chưa từng có trong tiền lệ của thị trường bất động sản.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 13/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới

Petrovietnam kinh doanh ra sao trong quý I?
Trong quý I/2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 2,54 triệu tấn, vượt 19,4% .