Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 7/12
Thị trường bất động sản hiện nay có giống giai đoạn khủng hoảng 2011-2013?; Lãi suất cho vay mua nhà tiếp tục tăng mạnh; Loạt dự án tại Quảng Nam bị Thanh tra Chính phủ vạch ra sai phạm;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.
Thị trường bất động sản hiện nay có giống giai đoạn khủng hoảng 2011-2013?
Tiềm lực nền kinh tế Việt Nam và sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay được các chuyên gia đánh giá là tốt hơn so với giai đoạn 2011-2013.
Trong một buổi tọa đàm hồi cuối tháng 11, Tiến sĩ Cấn Văn Lực- Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV - nhớ lại bối cảnh kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2013. Ông chia sẻ, trong năm 2007-2008, khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, thất nghiệp ở Mỹ lên tới con số 900.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp là 9%. Khủng hoảng kinh tế thế giới nhanh chóng lan rộng và tác động mạnh tới châu Á. Nền kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng sau sự kiện gia nhập WTO từ năm 2007.
Lúc bấy giờ nền kinh tế gặp 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, lạm phát ở mức rất cao do những năm trước đó chứng khoán bùng nổ, tín dụng bơm ra nền kinh tế 1 năm khoảng 27-30%. Năm 2011, tỷ lệ lạm phát là 18%. Trong khi năm 2022, dự báo lạm phát chỉ 3,3%. "Đây là điểm khác biệt rất lớn", ông Lực nhấn mạnh.
Thứ hai, tỷ giá biến động mạnh. Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhớ lại ngày 11/2/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có quyết định điều chỉnh tỷ giá thay đổi 9,3% trong một đêm. Ngoài ra, Nghị quyết 02 của Chính phủ ban hành ngày 9/12/2011 gần như đóng băng nền kinh tế.
Những chính sách điều hành vĩ mô giai đoạn này được ông Lực đánh giá là "giật cục".
"Không cho phép đầu tư, không cho phép giải ngân tín dụng ngân hàng, chỉ được cho vay sản xuất. Lĩnh vực phi sản xuất trong đó có bất động sản không được phép cho vay", Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhắc lại.
Năm 2011, lạm phát ở mức cao 18% thì sang năm 2012-2013 lần lượt giảm còn 6,81% và 6%. Cũng năm này, tỷ giá biến động 10% thì sang 2012 rút về mức 3%.
Thứ ba, nền kinh tế thực yếu, doanh nghiệp yếu ớt. Tăng trưởng kinh tế năm 2011 ở mức 6,2%, năm 2012 là 5,25%, 2013 là 6%. Nhưng năm nay tăng trưởng GDP được dự báo ít nhất khoảng 8%.
Lãi suất cho vay mua nhà tiếp tục tăng mạnh
Sau khi lãi suất huy động liên tục tăng thì lãi suất cho vay mua nhà đầu tháng 12 cũng được đẩy lên mức cao nhất là 15%/năm.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đang là tổ chức tín dụng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, lên tới 15%/năm. Tuy nhiên, OCB có chính sách cho vay khá tốt khi mà áp dụng tỷ lệ cho vay lên tới 100%.
Hiện tại, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi suất cho vay mua nhà cao nhất, từ 11% tới 12%/năm, tăng mạnh so với con số 6,79%/năm của cùng kỳ năm ngoái. Sau đó, lãi suất được “thả nổi” theo lãi suất tiết kiệm 24 tháng cộng thêm 3,5%. Trong tháng 12/2022, lãi suất 24 tháng tại Vietcombank là 7,4%/năm.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng có lãi suất cho vay mua nhà trên 10%. Trong những tháng đầu, khách hàng phải trả 10,59%/năm, sau đó giảm xuống 10,5%/năm. Cách đây 1 năm, con số này chỉ là 6,69%/năm.
Hiện tại, một số ngân hàng có mức lãi suất cho vay mua nhà khá thấp, chỉ 4,99%/năm (Maritime Bank), 5%/năm (PVCombank), 5,9%/năm (TPBank), 5,9%/năm (VPBank), 6,6%/năm (Bắc Á Bank), 6,9%/năm (Standard Chartered)…
Tuy nhiên, đây chỉ là mức ưu đãi của những tháng đầu tiên. Kết thúc thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay mua nhà sẽ thay đổi mạnh, tùy từng ngân hàng.
Lý giải đà tăng mạnh của lãi suất cho vay, các chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay tăng trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng và lãi suất tiền gửi có xu hướng đi lên.
Loạt dự án tại Quảng Nam bị Thanh tra Chính phủ vạch ra sai phạm
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về du lịch của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cùng 9 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Thuận và Cần Thơ.
Theo đó, tại Quảng Nam có 5 dự án bị Thanh tra Chính phủ nêu tên. Cụ thể, dự án Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An , thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư thì dự án chưa có trong danh mục cần thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất, chưa đảm bảo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013; UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Xây dựng năm 2014.
Chủ trương cấp phép xây dựng dự án nêu tại Văn bản số 2180/UBND-KTTH ngày 19/05/2016 của UBND tỉnh chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.
Sau khi Sở Xây dựng xử phạt vi phạm hành chính do dự án tổ chức thi công chưa có GPXD, thi công vượt chiều cao so với quy hoạch được phê duyệt, Sở này có báo cáo số 44/BC-SXD ngày 06/03/2018 kiến nghị UBND tỉnh thống nhất cho phép điều chỉnh chiều cao công trình khán đài ngoài trời là 16,3m và được UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý tại văn bản số 1292/UBND-KTN ngày 16/3/2018.
Đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf cao cấp Mai House Hội An (tỉnh Quảng Nam) , tiến độ thực hiện dự án chậm theo cam kết. Thời điểm tháng 7/2018 dự án mới đang triển khai thực hiện cọc thử và cọc đại trà, thi công hầm kết nối với dự án sân golf Indochina Hội An, san lấp mặt bằng chưa có hạng mục xây dựng được hoàn thành.
Đối với dự án sân golf Indochina Hội An (tỉnh Quảng Nam) , nhà đầu tư là Công ty cổ phần Sân golf Indochina Hội An đã không thực hiện theo cam kết (sử dụng 500 lao động trở lên) để được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất. Do đó, Cục thuế tỉnh Quảng Nam sẽ khấu trừ 14,9 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ về đất vào tiền thuê đất phải nộp hằng năm tương đương 5 năm 5 tháng; Truy thu thuế phải nộp nhưng chưa nộp là 41,9 tỷ đồng đối với Công ty cổ phần Sân golf Indochina Hội An.
Dự án đầu tư xây dựng Công viên khu B tại phường Cẩm An , TP.Hội An, UBND tỉnh có quyết định số 3108/QĐ-UBND ngày 31/10/2006 phê duyệt quy hoạch chi tiết cụm công viên ven biển tại Phường Cửa Đại, Cẩm An, Thị xã Hội An.
Vì sao nhiều dự án trọng điểm ở Hải Phòng bị chậm tiến độ?
Trong 5 dự án trọng điểm dự kiến hoàn thành năm 2022, có 4 dự án hoàn thành đúng kế hoạch. Trong đó, có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách gồm dự án đầu tư xây dựng cầu Rào 1 và chỉnh trang đường Lạch Tray (tổng mức đầu tư hơn 2.265 tỷ đồng), dự án đường Đông Khê 2 giai đoạn 1 (tổng mức đầu tư hơn 1.340 tỷ đồng), dự án cải tạo, nâng cấp đường 359 huyện Thuỷ Nguyên (tổng mức đầu tư hơn 1.819 tỷ đồng).
Một dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách là dự án chung cư HH1, HH2 tại phường Đổng Quốc Bình (quận Ngô Quyền) do CTCP Đầu tư dịch vụ tài chính Hoàng Huy làm chủ đầu tư theo hình thức BT (giá trị hơp đồng BT là hơn 1.200 tỷ đồng). Tới nay, dự án đã hoàn thành, được Bộ Xây dựng chấp thuận nghiệm thu từ tháng 6/2022.
Riêng dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền sử dụng nguồn vốn ngân sách (tổng mức đầu tư hơn 1.653 tỷ đồng) dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, huyện Thuỷ Nguyên vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nên không thể hoàn thành trong năm 2022 như kế hoạch.
Đối với 21 dự án trọng điểm được TP.Hải Phòng dự kiến khởi công năm 2022 (9 dự án sử dụng vốn ngân sách, 12 dự án vốn ngoài ngân sách), có 2 dự án sử dụng vốn ngân sách và 3 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách đã được khởi công. Còn 16 dự án chưa kịp khởi công nhưng đều đang được hoàn thiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và các thủ tục khác có liên quan sau khi đã lựa chọn được nhà đầu tư.
Nổi bật nhất trong các dự án đã được khởi công là dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng (tổng mức đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng), dự án tổ hợp trung tâm thương mại Chợ sắt (hơn 6.060 tỷ đồng), dự án đầu tư xây dựng các bến 3,4,5,6 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (bến 3,4 tổng mức đầu tư hơn 6.946 tỷ đồng, bến 5,6 tổng mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng).
Huyền Diệu