Thứ sáu, 04/10/2024 03:43 (GMT+7)
Thứ năm, 12/05/2022 18:55 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/5

Theo dõi KTMT trên

Giá đất nhảy vọt, nhiều địa phương công khai quy hoạch để chống sốt ảo; Thị trường BĐS tiềm năng khu vực phía Bắc gọi tên Hòa Bình; Long An kêu gọi đầu tư 26 dự án nhà ở rộng hàng ngàn ha… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Giá đất nhảy vọt, nhiều địa phương công khai quy hoạch để chống sốt ảo

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá đất ở nhiều tỉnh, thành miền Trung liên tục tăng giá, đặc biệt, một số khu vực đã xảy ra tình trạng sốt ảo. Trước tình trạng đó, nhiều địa phương tiến hành công khai thông tin về quy hoạch, chủ trương đất đai đến người dân.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/5 - Ảnh 1
Giá đất ở vùng biển xã Phổ An, phường Phổ Quang (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) liên tục “nhảy múa” nhiều tháng qua.

Từ sau Tết, tình hình dịch bệnh được khống chế, hoạt động đầu tư ấm dần lên, nhất là đầu tư bất động sản. Điều này khiến giá đất nhiều khu vực miền Trung liên tục tăng, nhiều nơi xảy ra tình trạng sốt đất, số hồ sơ giao dịch đất đai tăng đột biến.

Tại Quảng Ngãi, theo thống kê của UBND thị xã Đức Phổ, trong quý I/2022, địa phương này đã tiếp nhận và thực hiện tách thửa cho 120 hồ sơ với diện tích 51.948,9 m2. Cùng với đó, chính quyền thị xã đã tiếp nhận và thực hiện đăng ký biến động đối với hồ sơ chuyển nhượng là 253 hồ sơ, với diện tích 563.776,5 m2.

Ông Võ Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho hay, việc giá đất rục rịch tăng không phải ngay bây giờ mà đã bắt đầu từ tháng 3/2020, khi Đức Phổ vừa lên thị xã.

“Giá đất tăng như vậy tùy vào thời điểm, tăng hay giảm đi cùng với thị trường bất động sản, tình hình dịch bệnh. Khi có thông tin đường Dung Quất – Sa Huỳnh chuẩn bị khởi công, đi ngang qua xã Phổ An, phường Phổ Quang và một phần của Phổ Minh thì giá đất tăng trở lại”, ông Vương nói.

Về các biện pháp, ông Vương cho biết, việc đầu tiên thị xã làm đó chính là công khai các quy hoạch đô thị, kế hoạch xin đất. Bước đầu, chính quyền đã có quy hoạch phân khu tại phường Phổ Quang. Hiện thị xã đang làm quy hoạch phân khu dọc sông Thoa.

“Song song với quy hoạch, những công trình, dự án dự kiến đầu tư xây dựng trên địa bàn chúng tôi đều công khai, minh bạch để người dân có đầy đủ thông tin. Khi người dân thấy được quy hoạnh thì chính họ sẽ biết được đất của mình có ảnh hưởng hay hưởng lợi từ quy hoạch không. Ngoài ra, thị xã sẽ đưa một số khu dân cư vào để đấu giá, việc này sẽ làm dịu đi nhu cầu của thị trường”, ông Vương cho hay.

Tại Quảng Nam, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã yêu cầu các ban ngành tăng cường quản lý tình hình thị trường bất động sản để xử lý kịp thời, tránh xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh và huyện, thị xã, thành phố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính...

Thị trường BĐS tiềm năng khu vực phía Bắc gọi tên Hòa Bình

Hội tụ những lợi thế vượt trội hiếm có, BĐS Hòa Bình được nhận định là một thị trường tiềm năng bậc nhất khu vực phía Bắc, hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo giới đầu tư đổ về.

Hòa Bình sở hữu những lợi thế kích thích giá nhà đất tăng mạnh như sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng, thế mạnh phát triển du lịch, nhiều "ông lớn" BĐS đổ về cùng hàng loạt dự án quy mô nghìn tỷ. BĐS Hòa Bình cũng nhờ đó mà trở nên sôi động, nóng bỏng và thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/5 - Ảnh 2

Tỉnh Hòa Bình đang tích cực quy hoạch, triển khai thi công và vận hành hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nổi bật trong đó là tuyến cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Đây là tuyến đường huyết mạch giúp kết nối Hòa Bình với thủ đô Hà Nội chỉ còn khoảng 1 giờ di chuyển.

Ngoài ra, theo kế hoạch 5 năm tới, tỉnh Hòa Bình cũng sẽ hoàn thiện các tuyến cao tốc then chốt như mở rộng cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình với 6 làn xe, hành lang rộng 120m; dự án cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội, đường Hồ Chí Minh – Vành đai 5 Hà Nội,…

Bên cạnh đó, các tuyến giao thông nội tỉnh cũng được xúc tiến triển khai như tuyến đường nối TP Hòa Bình – Kim Bôi, cầu Hòa Bình 6, đường tỉnh ĐT 435, ĐT 433, đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn – Tân Lạc,…

Trong giai đoạn sắp tới, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%. Cùng đó, TP Hòa Bình sẽ phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại II, huyện Lương Sơn đạt tiêu chí thị xã, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận đạt tiêu chí đô thị loại IV,…

Việc đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, kết hợp cùng hàng loạt dự án hạ tầng giao thông triển khai đồng bộ, hiện đại sẽ tăng khả năng kết nối, giao thương giữa Hòa Bình với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Từ đó, tạo ra nền tảng và những cú hích to lớn để thu hút giới đầu tư, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ.

Long An kêu gọi đầu tư 26 dự án nhà ở rộng hàng ngàn ha

Trong số 26 dự án này, TP. Tân An có 3 dự án, huyện Bến Lức 6 dự án, huyện Cần Giuộc 9 dự án, huyện Đức Hòa 3 dự án, huyện Thủ thừa 4 dự án và huyện Đức Huệ 1 dự án.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/5 - Ảnh 3

UBND tỉnh Long An vừa công bố Kế hoạch phát triển nhà năm 2022 với 26 dự án đang xem xét đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo đó, Long An công bố danh mục 26 dự án ghi nhận vào Kế hoạch phát triển nhà năm 2022 để xem xét đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, sau khi UBND tỉnh trình và được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết điều chỉnh bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Trong 26 dự án có 3 dự án đã có nhà đầu tư, gồm dự án quy mô 961 ha ở Tân Mỹ, huyện Đức Hòa; dự án quy mô 150 ha ở Tân Phú và thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa; dự án quy mô 77,6 ha ở Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ.

Kế hoạch đề ra, trong năm 2022, Long An sẽ thực hiện chương trình phát triển nhà ở với tổng diện tích tăng thêm khoảng 6,8 triệu m2. Đồng thời, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 29,1 m2 sàn/người; trong đó, dự kiến sẽ có trên 60.500 căn nhà được xây dựng, gồm hơn 16.000 căn nhà ở thương mại; gần 4.200 căn nhà ở xã hội; 2.000 căn nhà ở công nhân… số còn lại là nhà do người dân tự xây dựng.

“Siết” tín dụng bất động sản chưa chắc kìm được giá

Việc siết tín dụng này sẽ càng làm cho thiếu nguồn cung tăng lên và gây ra sốt giá nhiều hơn. Vì các chủ đầu tư khó tiếp cận vốn để phát triển nguồn cung nhà.

Ngay sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lần lượt một số ngân hàng cùng thông báo dừng cho vay bất động sản. Đơn cử, ngân hàng Sacombank đã yêu cầu các chi nhánh, phòng giao dịch không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở. Thời gian áp dụng sẽ đến hết tháng 6.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/5 - Ảnh 4

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, dư nợ cho vay bất động sản của ngân hàng chiếm khoảng 22% tổng dư nợ. Trong đó, cho vay người dân, tiêu dùng xây, sửa nhà chiếm khoảng 65%, còn lại cho vay doanh nghiệp bất động sản, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng, tỷ trọng rất nhỏ trong tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng của Sacombank.

"Dù tỷ trọng cho vay doanh nghiệp bất động sản rất nhỏ nhưng chúng tôi cũng đang tạm ngừng cung cấp tín dụng vào lĩnh vực này đến hết tháng 6", bà Diễm chia sẻ.

Hay Techcombank cũng thông báo tạm dừng giải ngân các khoản vay mua bất động sản đã có giấy chứng nhận và vay thứ cấp mua bất động sản (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) kể từ ngày 25/3.

Tại OCB, Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho hay, tín dụng bất động sản được chia thành 2 nhóm: Bất động sản kinh doanh và bất động sản tiêu dùng/mua nhà ở. Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ bất động sản của OCB là 32%, trong đó 72% cho vay để mua nhà, 9% cho vay liên quan đến các dự án bất động sản.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 12/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

"Ăn rừng" từ bán tín chỉ carbon
Người xưa có câu “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, để nói về việc tàn phá rừng sẽ chịu hậu quả. Nhưng giờ đây, “ăn rừng” không còn “rưng rưng” nữa, nhờ tiềm năng bán tín chỉ carbon rừng. Đó là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế xanh, bền vững.