Thứ sáu, 22/11/2024 17:39 (GMT+7)
Thứ bảy, 29/05/2021 13:00 (GMT+7)

Điểm tên loạt dự án điện gió sử dụng lao động Trung Quốc trái phép

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng người Trung Quốc không có giấy phép lao động, làm việc tại các dự án điện gió khu vực Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam đang ngày càng phổ biến.

Ngày 28/5, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum (LĐ-TB&XH) vừa có báo cáo về tình hình quản lý lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Qua công tác rà soát phát hiện, Công ty cổ phần Tân Tấn Nhật có 33 người mang quốc tịch Trung Quốc đang làm việc tại dự án Nhà máy điện gió huyện Đăk Glei. Cụ thể, 13 người giữ vị trí quản lý, 20 người là chuyên gia, lao động kỹ thuật.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum xác định, việc công ty đưa 33 người nước ngoài vào làm việc khi chưa có giấy phép lao động hoặc giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép là sai quy định pháp luật. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty này là 60 triệu đồng.

Điểm tên loạt dự án điện gió sử dụng lao động Trung Quốc trái phép - Ảnh 1
Sử dụng 84 lao động Trung Quốc không phép, dự án điện gió Viên An buộc dừng thi công. 

Mới đây, tổ công tác UBND tỉnh Cà Mau qua kiểm tra đã phát hiện Dự án điện gió Viên An (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) có 84 lao động Trung Quốc chưa có Giấy phép lao động.

Dự án nhà máy điện gió Viên An có công suất 50 MW, do Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An làm chủ đầu tư, có vốn đầu tư trên 2.411 tỉ đồng, xây dựng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển (Cà Mau). Công ty China Harbour Engineering Company Limited (Trung Quốc) là nhà thầu chính thực hiện công việc thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công dự án.

Theo kết quả kiểm tra, trong số 84 lao động Trung Quốc có 26 người là chuyên gia, 58 người là công nhân kỹ thuật, số lao động này có hộ chiếu đầy đủ, có giấy phép ra vào khu vực biên giới biển theo quy định.

Qua rà soát 84 lao động người Trung Quốc đều có giấy chứng nhận tại cơ sở cách ly phòng dịch đúng quy định. Tuy nhiên, số lao động này chưa có Giấy phép lao động và tất cả được Công ty TNHH MTV Năng lượng Viên An bảo lãnh.

Sau khi đến Cà Mau, số lao động Trung Quốc nói trên được lưu trú khu vực cảng Năm Căn và khách sạn Công Đoàn (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn).

Mặt khác, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã Quyết định buộc dừng thi công Dự án điện gió Viên An, do chưa hoàn tất thủ tục theo quy định.

Trước đó tại Đắk Lắk cũng phát hiện 70 công dân Trung Quốc đang làm việc tại các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ những người này chưa được cấp giấy phép lao động hoặc được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định.

Theo đó, 4 dự án nhà máy điện gió có lao động Trung Quốc làm "chui" bao gồm: nhà máy điện gió Krông Búk 1, Krông Búk 2, Cư Né 1 và Cư Né 2. Đây là 4 dự án nhà máy điện gió lớn, có tổng quy mô công suất 200 MW, tổng chi phí thực hiện khoảng 7.673 tỉ đồng.

Được biết, nhà thầu thực hiện các dự án điện gió với số vốn hàng chục nghìn tỉ đồng nêu trên là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Huadian Trung Quốc, địa chỉ: Tòa nhà 1, Vườn số 6, Đường Đông, Bảo tàng Ô tô, khu Phong Đài, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc; Văn phòng điều hành tại K67, Quốc lộ 14, Xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.

Vào đầu tháng 5/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết qua kiểm tra tại dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 (huyện Đắk Song) đã phát hiện hơn 100 người Trung Quốc đang làm việc tại đây chưa được cấp giấy phép lao động theo quy định.

Dự án Nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1, 2, 3 do Công ty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung 1, 2, 3 làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng. Cả 3 dự án được UBND tỉnh Đắk Nông cấp quyết định chủ trương đầu tư từ ngày 1/10/2020, đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành trước 1/11/2021.

Phương Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm tên loạt dự án điện gió sử dụng lao động Trung Quốc trái phép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới