Điểm tên các ông lớn nước ngoài đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Một dự án điện mặt trời ở Việt Nam. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)
Chủ tịch Tập đoàn SK kiêm Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KCCI), ông Chey Tae-won, vừa có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Vào chiều ngày 14/2, tại trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, ông Chey Tae-won đã báo cáo với Tổng Bí thư Tô Lâm tình hình hoạt động đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời đưa ra kế hoạch mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Theo đó, Tập đoàn SK - một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng, bày tỏ mong muốn hợp tác với phía Việt Nam để triển khai các giải pháp năng lượng kết hợp phát triển các ngành công nghiệp chủ lực. Cụ thể, SK đề xuất đầu tư vào hạ tầng điện khí LNG tại Việt Nam, đồng thời nghiên cứu và phát triển các dự án tiềm năng liên quan đến Trung tâm dữ liệu AI, năng lượng Hydro, lò phản ứng hạt nhân module nhỏ (SMR), nông nghiệp công nghệ cao và logistics. Đây là những lĩnh vực then chốt có thể giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Song song với kế hoạch mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược, SK cũng cam kết thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 3/2024, công ty con của SK là SK Ecoplant đã ký kết thỏa thuận hợp tác với BCG Energy (thành viên của Tập đoàn Bamboo Capital) để phát triển các dự án điện mặt trời và điện gió với tổng công suất lên tới 700 MW. Trong đó, bao gồm 300 MW điện gió trên bờ, 300 MW điện mặt trời áp mái và 100 MW điện mặt trời trên mặt đất, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Không chỉ có SK, nhiều tập đoàn nước ngoài khác cũng đang tích cực đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Một số cái tên tiêu biểu bao gồm:
Sembcorp Industries (Singapore): Đã đầu tư vào Việt Nam hơn 25 năm với hệ thống khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) và gần đây cam kết mở rộng đầu tư vào năng lượng tái tạo, hợp tác với BCG Energy để phát triển danh mục dự án lên tới 1,5 GW.
Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) và Enterprize Energy (Đan Mạch, Anh): Hai tập đoàn này đang tìm kiếm cơ hội phát triển các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại Việt Nam, bao gồm dự án điện gió La Gàn tại Bình Thuận.
Sungrow Renewables (Trung Quốc): Đã đầu tư vào các dự án điện gió và điện mặt trời tại Việt Nam với tổng công suất gần 600 MW và đang mở rộng thêm 1 GW với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD.
Sự tham gia của các tập đoàn lớn như SK, Sembcorp, CIP hay Sungrow không chỉ giúp Việt Nam tăng cường nguồn cung năng lượng sạch mà còn tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh của đất nước. Với tiềm năng lớn, Việt Nam tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và công nghiệp sạch.
Cẩm Anh