Thứ năm, 28/03/2024 20:23 (GMT+7)
Thứ ba, 17/03/2020 12:06 (GMT+7)

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp Việt sản xuất cầm chừng chờ nguyên liệu

Theo dõi KTMT trên

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may, da giày, cao su-nhựa chỉ có đủ nguyên liệu để sản xuất cầm cự đến cuối tháng Ba, lâu nhất là đến giữa tháng Tư.

Dịch Covid-19: Doanh nghiệp Việt sản xuất cầm chừng chờ nguyên liệu - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp da giày Việt Nam không dự trữ nhiều nguyên liệu. (Ảnh: TTXVN)

Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng ở nhiều quốc gia đã khiến không ít ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đối mặt với nguy cơ “đóng băng” vì thiếu nguyên liệu sản xuất và đơn hàng xuất khẩu.

Trong số này, dệt may, da giày, cao su-nhựa là những ngành chịu tác động lớn nhất.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su-Nhựa Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đã lo lắng bởi Trung Quốc là nơi cung cấp tới 80% các loại nguyên liệu, hóa chất phục vụ sản xuất của ngành cao su-nhựa tại Việt Nam.

Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp đã lên phương án tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Hàn Quốc và EU, chấp nhận giá nguyên liệu cao hơn và thời gian giao hàng lâu hơn để đảm bảo thực hiện các đơn hàng đặt trước.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 nhanh chóng lan sang Hàn Quốc và khắp EU khiến phương án dự phòng của ngành cao su-nhựa “phá sản.”

Các đầu mối nguyên liệu tại Hàn Quốc và EU hiện không phản hồi về khả năng cung ứng nguyên liệu, trong khi nguồn cung từ Trung Quốc chỉ về “nhỏ giọt” với đơn hàng từ tháng Hai còn đơn hàng đặt mới trong tháng Ba chưa xác định được thời gian giao nhận.

“Với nguồn nguyên liệu hiện có các doanh nghiệp cao su-nhựa chỉ có thể sản xuất cầm cự đến cuối tháng Ba, lâu nhất là đến giữa tháng Tư. Nếu như dịch bệnh không được khống chế sớm, nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc không được khai thông thì nhiều khả năng ngành cao su-nhựa phải dừng sản xuất bởi chưa tìm ra nguồn cung nguyên liệu thay thế,” ông Nguyễn Quốc Anh thông tin thêm.

Về xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nhựa-cao su không có nhiều biến động lớn, các đơn hàng đặt trước vẫn giao dịch bình thường.

Tuy nhiên, có một số mặt hàng linh kiện tham gia chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp lắp ráp gặp khó khăn khi một số nhà máy đang phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Với trường hợp này, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì sản xuất cầm chừng cho đến khi đối tác hoạt động trở lại vì việc tìm khách hàng mới trong điều kiện hiện nay hầu như không khả thi.

Với ngành da giày, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn kép cả về nguyên liệu sản xuất lẫn đầu ra sản phẩm.

Các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc để gia công nhưng từ đầu tháng 2/2020 đến nay do dịch Covid-19 bùng phát khiến các nhà cung ứng nguyên liệu tại Trung Quốc ngừng sản xuất, hoạt động giao thương, vận tải với bên ngoài cũng gặp khó khăn nên không có nguyên liệu xuất khẩu.

Tùy vào doanh nghiệp và sản phẩm cụ thể, nguồn cung từ Trung Quốc có thể chiếm từ 30-70% nguyên liệu sản xuất giày dép. Tuy nhiên do không lường trước tình huống dịch bệnh nên doanh nghiệp Việt Nam không dự trữ nhiều nguyên liệu.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, ngoài Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu thuộc da từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh…

Tuy nhiên, năng lực cung ứng của các thị trường này không lớn và hiện cũng đang chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Trong khi đó, thuộc da được sản xuất trong nước còn quá ít và có giá thành khá cao, không thể đáp ứng nhu cầu sản xuất đơn hàng lớn.

Trong khi nguồn nguyên liệu phụ thuộc vào Trung Quốc thì thị trường xuất khẩu lớn của sản phẩm giày da là EU và Mỹ với khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 lan đến EU và diễn biến phức tạp khiến nhiều quốc gia trong khu vực phải phong tỏa mọi họat động kéo theo việc xuất khẩu vào EU bị trì trệ.

Ngoài các đơn hàng đặt trước sẽ giao trong tháng Ba, hầu hết doanh nghiệp không nhận được đơn đặt hàng mới nào từ các thị trường nhập khẩu lớn.

“Tới thời điểm này, một số doanh nghiệp đã chuyển sang phương án sản xuất một ngày, nghỉ một ngày vừa chờ nguyên liệu vừa giữ chân công nhân với hy vọng có thể hoàn tất các đơn hàng đặt trước vào cuối tháng Ba. Nếu qua tháng Tư, tình hình cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc không có chuyển biến tích cực và không có đơn hàng mới thì nhiều doanh nghiệp buộc phải 'đóng băng' hoạt động,” ông Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.

Liên quan đến nguyên phụ liệu dệt may, các doanh nghiệp cho biết, phía Trung Quốc đã thông báo giao hàng trở lại nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công suất sản xuất tại Trung Quốc giảm mạnh, một số nguyên phụ liệu bị thiếu hụt nên việc trả hàng cho Việt Nam đang rất chậm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, thông tin nguồn nguyên liệu hiện có tại các doanh nghiệp chỉ đảm bảo duy trì sản xuất đến cuối tháng Ba.

Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang sản xuất khoảng 60-70% công suất để chờ nguồn nguyên liệu mới.

Theo phân tích của ông Phạm Xuân Hồng, dịch Covid-19 lan rộng không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại, làm giảm sức tiêu thụ của nhiều thị trường quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU…

Thời điểm cuối năm 2019, các doanh nghiệp dệt may nhận được khá nhiều đơn hàng đặt trước cho kỳ hạn 3-6 tháng, tuy nhiên từ khi dịch bệnh bùng phát, số đơn hàng mới đã có dấu hiệu giảm xuống, chưa có thêm đơn hàng cho các kỳ hạn giao chậm.

Nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát sớm có thể tạo nên làn sóng suy thoái kinh tế trên quy mô lớn, người tiêu dùng thế giới sẽ phải cắt giảm tối đa chi tiêu cho quần áo, thời trang để ưu tiên cho sản phẩm thiết yếu như: lương thực, thực phẩm.

Khi đó, các doanh nghiệp dệt may sẽ rất khó để có thể phục hồi lại hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng cũng như duy trì việc làm cho người lao động.

Xuân Anh

Bạn đang đọc bài viết Dịch Covid-19: Doanh nghiệp Việt sản xuất cầm chừng chờ nguyên liệu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.