Thứ năm, 25/04/2024 19:48 (GMT+7)
Thứ sáu, 28/02/2020 11:41 (GMT+7)

Ngành dệt may, da giày, điện tử khó có thể cầm cự tới hết quý I/2020

Theo dõi KTMT trên

Nguyên vật liệu chỉ đủ dùng cho vài ba tuần tới, nếu dịch bệnh Covid-19 không có dấu hiệu khả quan hơn, nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang, điện tử... tại Việt Nam khó có thể cầm cự tới hết quý I/2020.

Ngành dệt may, da giày, điện tử khó có thể cầm cự tới hết quý I/2020 - Ảnh 1
Các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã nghĩ đến việc tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu sản xuất mới.

Dệt may là một trong những ngành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Covid-19 bởi 80% nguyên phụ liệu ngàng này là hàng Trung Quốc. Trong khi đó, theo thông tin từ Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM, nhóm các doanh nghiệp lớn trong nước hiện chỉ dự trữ đủ nguyên phụ liệu cho sản xuất trong tháng 2 và tháng 3.

Các doanh nghiệp giày dép, thời trang, điện tử cũng không nằm ngoài những khó khăn như với các doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp lớn hoạt động cầm chừng, trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết rất khó khăn để cầm cự và duy trì sản xuất. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp ngừng sản xuất, đóng cửa giải thể tăng lên…

Trả lời báo chí mới đây, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng dịch Covid-19 đã tạo ra sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị, sự suy giảm sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tình trạng ứ đọng sản phẩm hàng hóa, nhất là hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc; tình trạng thiếu nguyên liệu, vật tư nhập khẩu từ Trung Quốc; sự thu hẹp của thị trường vận tải, dịch vụ; sự suy giảm của lượng khách du lịch; sự đình đốn của sản xuất kinh doanh là những vấn đề mà các doanh nghiệp sản xuất đang phải đối diện.

Mặc dù Trung Quốc đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế trong bão dịch bệnh Covid-19, song theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải mất một thời gian khá dài để đảm bảo các hoạt động xuất khẩu, cung ứng nguồn nguyên liệu sang các nước ổn định trở lại.

Trong lúc này, ông Vũ Tiến Lộc cho hay: 'Nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, giày dép, thời trang , điện tử... cho biết nếu tình hình không sáng sủa hơn thì họ sẽ khó có khả năng cầm cự đến cuối quý 1 vì dự trữ nguyên liệu vật liệu cho sản xuất chỉ còn đủ dùng cho vài ba tuần tới. Nguy cơ mất khách hàng, mất đơn hàng, không có thêm đơn hàng mới tăng lên, các doanh nghiệp khó có khả năng giữ những công đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu mà họ đã dày công xây dựng trong hàng thập kỷ'.

Trước tình hình khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã tính đến giải pháp tình thế là chuyển hướng tìm nguồn cung ở những thị trường khác ngoài Trung Quốc như: Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... Tuy nhiên, vấn đề giá nhập cao ở những thị trường này sẽ kéo giá sản phẩm tăng, từ đó gây khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường.

Dù vậy, dịch bệnh đang bùng phát ở bên ngoài Trung Quốc khi lan nhanh tới các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy... khiến cho nguồn cung hàng hoá nguyên vật liệu cho sản xuất của doanh nghiệp Việt cũng bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Những ngày gần đây, Hàn Quốc trở thành quốc gia có số lượng người nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới. Thông tin này tiếp tục khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước đau đầu bởi Hàn Quốc cũng là một trong những nguồn cung nguyên phụ liệu lớn cho Việt Nam.

Nhật My

Bạn đang đọc bài viết Ngành dệt may, da giày, điện tử khó có thể cầm cự tới hết quý I/2020. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.