Thứ sáu, 22/11/2024 14:00 (GMT+7)
    Thứ năm, 24/02/2022 14:00 (GMT+7)

    DIC Corp – doanh nghiệp nghìn tỉ dùng 'chùa’ đất vàng hơn 2 thập kỉ?

    Theo dõi KTMT trên

    Sau nhiều lần chuyển nhượng lòng vòng, thành viên Tổng Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng – DIC Corp (mã chứng khoán: DIG) đang sử dụng một phần bãi tắm Thuỳ Vân, TP.Vũng Tàu hơn 2 thập kỉ nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất.

    Sau thanh tra doanh nghiệp đã thực hiện quy định tới đâu?

    Bãi tắm Thùy Vân (còn được gọi là Bãi Sau) tại TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được ví như khu “đất vàng” khi nằm ở vị trí đắc địa khi nằm giáp biển. Tuy nhiên, gần 300.000 m2 bãi tắm Thùy Vân đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng hơn 2 thập kỷ qua nhưng vẫn đang nợ gần 400 tỉ đồng tiền sử dụng đất. Dù UBND TP.Vũng Tàu đã có yêu cầu các doanh nghiệp chậm nhất đến ngày 15/3/2022 phải hoàn trả lại phần diện tích đang sử dụng để tổ chức bán đấu giá nhưng đến nay công tác này vẫn diễn ra ì ạch.

    Việc chậm nộp tiền sử dụng đất, sai phạm trong quản lý đất khu vực bãi tắm Thùy Vân đã được Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ ra từ năm 2018 trong kết luận thanh tra.

    Cụ thể, năm 1996, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương giao cho Công ty Đầu tư xây lắp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, lúc đó là doanh nghiệp thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC) làm chủ đầu tư xây dựng bãi tắm Thùy Vân. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến đường Thùy Vân là 3 km với diện tích hơn 28 ha đất.

    Theo chủ trương của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhà nước cho Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC thuê đất. Công ty sẽ nộp tiền thuê đất cho nhà nước, và nhà nước (chủ sở hữu tiền thuê đất) sẽ ghi thu, ghi chi (giao lại cho công ty số tiền ấy dưới hình thức nhà nước giao vốn cho doanh nghiệp nhà nước) để kết hợp với số vốn do công ty huy động thêm nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng của bãi tắm Thùy Vân.

    Tuy nhiên, trên thực tế chủ trương này không được thực hiện, nhà nước đã sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng, giải tỏa đền bù tại bãi tắm Thùy Vân, với tổng giá trị quyết toán trên 122 tỉ đồng (phần lớn các công trình hoàn thành và quyết toán từ trước năm 2002).

    Cuối năm 1997, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC ký hợp đồng thuê đất để xây dựng bãi tắm và được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất này ngay sau đó.

    DIC Corp – doanh nghiệp nghìn tỉ dùng 'chùa’ đất vàng hơn 2 thập kỉ? - Ảnh 1
    Nhà hàng SeaView nằm trên đường Thuỳ Vân, TP.Vũng Tàu có liên quan đến DIC Corp.

    Vừa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC đã ký hợp đồng liên kết đầu tư xây dựng một phần dự án bãi tắm Thùy Vân với DIC Corp. Theo thoả thuận 2 bên, DIC Corp được sử dụng 40.000 m2 tại bãi tắm Thuỳ Vân (đoạn từ cổng Tôm Càng Xanh đến khách sạn Thuỳ Dương).

    Sau đó, DIC Corp ứng gần 4 tỉ đồng để xây dựng hệ thống kè, đường nội bộ, cây xanh, điện nước và bãi đậu xe trên khu đất này.

    Sau khi Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC thanh toán cho DIC Corp số tiền đã ứng trước, ngày 14/6/2004, tổng giám đốc DIC Corp ký quyết định thu hồi 8.000 m2 đất ở bãi tắm Thùy Vân để góp vốn với Công ty cổ phần Việt Đức thành lập doanh nghiệp mới mang tên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DIC.

    Đến tháng 12/2013, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DIC đã chuyển nhượng khu đất kèm nhà hàng Seaview Việt Đức (có diện tích hơn 6.800 m2 nằm trong tổng diện tích Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu và DIC ký kết trước đó) với giá 13,3 tỉ đồng cho Công ty cổ phần Du lịch và thương mại DIC.

    Qua nhiều lần chuyển nhượng, hiện Công ty cổ phần Du lịch và thương mại DIC đã quản lý và sử dụng một phần đất thuê tại bãi tắm Thùy Vân do ngân sách tỉnh đầu tư (hệ thống kè, đường nội bộ, cây xanh, điện nước, bãi đậu xe... đoạn từ cổng Tôm Càng Xanh đến khách sạn Thùy Dương) chỉ với số tiền hơn 4 tỉ đồng (đã được hoàn trả bằng ngân sách).

    Ngoài ra, theo kết luận của Thanh tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ năm 2005 đến 2017, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu cổ phần hóa và có 12 lần thay đổi pháp nhân.

    Đến tháng 4/2017, từ một doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, Công ty Đầu tư xây lắp Bà Rịa - Vũng Tàu trên trở thành Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC không còn vốn nhà nước.

    Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký biến động về sử dụng đất. Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chưa thanh lý hợp đồng cũ và ký lại hợp đồng với đơn vị đã cổ phần hóa.

    DIC Corp – doanh nghiệp nghìn tỉ dùng 'chùa’ đất vàng hơn 2 thập kỉ? - Ảnh 2
    Bãi tắm Thùy Vân, TP. Vũng Tàu đang bị nhiều doanh nghiệp ôm đất nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính (Ảnh: Zing.vn).

    DIC Corp hoạt động như nào?

    Theo dữ liệu của PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường tìm hiểu, cả 2 doanh nghiệp Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DIC và Công ty cổ phần Du lịch và thương mại DIC đều có mối quan hệ mật thiết với DIC Corp – một doanh nghiệp có quy mô vốn hàng nghìn tỉ đồng với nhiều dự án bất động sản lớn ở Việt Nam và chuyên kinh đầu tư trong lĩnh vực tài chính.

    Công ty TNHH Thương mại dịch vụ DIC là sự góp vốn giữa DIC Corp và Công ty cổ phần Việt Đức (như đã đề cập ở trên), còn Công ty cổ phần Du lịch thương mại DIC có trụ sở tại 169 Thùy Vân, TP. Vũng Tàu.

    Chủ doanh nghiệp doanh nghiệp là Vũ Thanh Bình. Ngoài ra, Vũ Thanh Bình còn đại diện các doanh nghiệp trong hệ sinh thái DIC Corp như Công ty TNHH Du lịch DIC, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng du lịch và thể thao Vũng Tàu…

    Công ty cổ phần Du lịch thương mại DIC từng được niêm yết trên sàn chứng khoán với mã cổ phiếu DCD. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, doanh nghiệp này đã đăng ký huỷ giao dịch cổ phiếu DCD và sáp nhập vào làm thành viên của DIC Corp.

    Trong khi đó, DIC Corp được biết đến với hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn ở khắp các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Hậu Giang, Hà Nam… Mặc dù vậy, đây là doanh nghiệp cũng từng được nhiều cơ quan báo chí thông tin với nhiều sai phạm.

    Điển hình chỉ trong 2 ngày đầu tháng 7/2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Hoàng Công Vinh đã phải 2 lần ký quyết định xử phạt DIC Corp về hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.

    DIC Corp – doanh nghiệp nghìn tỉ dùng 'chùa’ đất vàng hơn 2 thập kỉ? - Ảnh 3
    Dự án Vũng Tàu Gateway do DIC Corp làm chủ đầu tư.

    Cụ thể, ngày 1/7/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt DIC Corp số tiền 110 triệu đồng vì vi phạm xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, địa chỉ tại lòng hồ trung tâm Chí Linh, phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu.

    Đến ngày 2/7/2021, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục ban hành văn bản xử phạt DIC Corp số tiền 110 triệu đồng do xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt, thuộc một phần thửa đất số 586, tờ bản đồ số 1, phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu (phần đất mặt nước thuộc công viên hồ Bàu Trũng).

    Trước đó, nhiều dự án bất động sản của DIC Corp cũng từng vi phạm và bị xử phạt. Đơn cử như hồi tháng 8/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt DIC Corp số tiền lên tới 975 triệu đồng do tổ chức thi công xây dựng công trình Khu phức hợp Cap Saint Jacques tại số 169 Lê Hồng Phong, phường 8, TP.Vũng Tàu mà không có giấy phép xây dựng.

    KĐT Đại Phước rộng 456 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 7.500 tỉ đồng, được coi là "dấu ấn tiên phong" của DIC Corp. Dự án này nằm trên địa bàn cù lao Ông Cồn, huyện Nhơn Trạch. UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định chấp thuận chủ trương dự án vào năm 2003.

    Tuy nhiên, hồi năm 2021, nhiều cơ quan báo chí phản ánh DIC Corp đã chuyển hàng trăm ha đất công tại dự án KĐT Đại Phước cho doanh nghiệp nước ngoài bằng hình thức liên doanh.

    Theo phản ánh, sau khi nhận đất từ UBND tỉnh Đồng Nai, DIC Corp đã đầu tư hạ tầng giao thông chính của dự án và trực tiếp đầu tư 68,4 ha. 

    Phần diện tích còn lại, DIC Corp cho Công ty TNHH Jeosang Vina thuê 78,52 ha tại phân khu 8 và góp vốn bằng giá trị một phần khu đất để thành lập các công ty liên doanh  để thực hiện dự án cấp 2, gồm:

    Công ty cổ phần Vina Đại Phước (phân khu 4, 5, 6 và một phần phân khu 7, 8 và phân khu CBD, diện tích khoảng 200 ha); Công ty cổ phần Đầu tư Việt Thiên Lâm (một phần phân khu 8, diện tích khoảng 45,4 ha);

    Công ty TNHH Teakwang - DIC (một phần phân khu 1, 2, 3, diện tích khoảng 34,4 ha); Công ty TNHH J&D Đại An (phân khu 9, diện tích khoảng 7,9 ha); Công ty TNHH Đại Phước Korea - DIC (một phần phân khu 7, diện tích 143.9 ha).

    Theo Thanh tra Chính phủ, một số thỏa thuận giữa DIC Corp với đối tác nước ngoài đưa vào góp vốn liên danh là chưa có cơ sở pháp lý. 

    Ngoài ra, việc liên doanh, góp vốn bằng đất có yếu tố nước ngoài (2 doanh nghiệp liên doanh với DIC Corp có địa chỉ tại lãnh thổ Bristish Virgin Islands) cần có ý kiến của Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng khác khi xem xét, đánh giá, kết luận cũng như giải quyết các vấn đề phát sinh có liên quan trong việc xử lý, đảm bảo tính chính xác, toàn diện, tránh phát sinh phức tạp.

    Ngọc Khang

    Bạn đang đọc bài viết DIC Corp – doanh nghiệp nghìn tỉ dùng 'chùa’ đất vàng hơn 2 thập kỉ?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới