Thứ sáu, 06/12/2024 05:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 26/11/2021 17:00 (GMT+7)

Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch

Theo dõi KTMT trên

Nước sạch nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả cộng đồng, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ sức khỏe và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đảm bảo nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững

Việt Nam là một trong những quốc gia đang hứng chịu hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu. Hiện nay, nguồn nước sạch ở nông thôn Việt Nam đang bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Ngoài sự tác động của nguồn nước thải do các nhà máy ở lưu vực các con sông, lý do cần phải kể đến là do các hoạt động sản xuất nông nghiệp, làng nghề…

Trước nguy cơ báo động về tình trạng ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước hơn bao giờ hết, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Bộ NN&PTNT, toàn quốc hiện có 16.573 công trình cấp nước tập trung nông thôn phục vụ cấp nước sinh hoạt cho 28,3 triệu người (44% tổng dân số nông thôn). Trong đó, hoạt động bền vững chiếm 33,1%, tương đối bền vững chiếm 35,3%, kém bền vững chiếm 17%; không hoạt động chiếm 14,6%. Các công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên…

Tuy nhiên, tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn chưa thực sự bền vững do yêu cầu ngày càng cao của chất lượng nước. Cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.

Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch - Ảnh 1
Nước sạch nông thôn là nhiệm vụ quan trọng của cả cộng đồng, nhằm bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Theo đó, Chiến lược nhằm mục tiêu đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình và khu vực công cộng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; Bảo vệ sức khỏe, giảm các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 100% hộ gia đình nông thôn, trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; 100% người dân nông thôn thường xuyên thực hiện vệ sinh cá nhân.

Bên cạnh đó, 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt; 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các giải pháp cụ thể. Về cấp nước sạch nông thôn, Chiến lược thực hiện đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu; đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung quy mô lớn, đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với hệ thống cấp nước đô thị ở những nơi phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, bền vững; Ưu tiên sử dụng nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi, hồ chứa, đập dâng cho cấp nước sinh hoạt.

Thí điểm cây ATM cung cấp nước uống trực tiếp

Nhân rộng áp dụng mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình; thí điểm áp dụng kiốt, cây ATM cung cấp nước uống trực tiếp cho cụm dân cư, trường học trong trường hợp khẩn cấp do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh.

Đối với vệ sinh nông thôn, ứng dụng và phổ biến các giải pháp công nghệ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh đơn giản, phù hợp tập quán địa phương và khả năng chi trả của người dân; Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng, quản lý sử dụng công trình vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh công cộng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn; Tiếp cận đồng bộ dịch vụ vệ sinh an toàn gắn với truyền thông thay đổi hành vi và phát triển thị trường.

Đồng thời thí điểm áp dụng các mô hình công nghệ thu gom và xử lý nước thải chi phí thấp, hạn chế hóa chất, sử dụng năng lượng tái tạo, ít phát sinh chất thải thứ cấp phù hợp với đặc điểm và quy mô khu dân cư nông thôn tập trung.

Quản lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo mùi, khí thải, nước thải, chất thải rắn phát sinh từ cơ sở chăn nuôi không làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, không gây ô nhiễm môi trường. Hộ chăn nuôi, chủ trang trại chăn nuôi chịu trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi đảm bảo đúng quy định.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, nước sạch và vệ sinh môi trường là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của mỗi người, mỗi gia đình. Đây là yếu tố quan trọng cấp thiết trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho nhân dân.

Nếu coi nước là nguồn lực tham gia hoạt động sản xuất, thì ô nhiễm nước đã và đang trở thành một trong những yếu tố ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến thu nhập và sinh kế bền vững của người dân khu vực nông thôn. 

“Trước nhu cầu của nước sạch và vấn đề môi trường nông thôn ngày càng bức thiết, các chính sách tín dụng, việc huy động vốn trong dân, tổ chức tuyên truyền, thực hiện cần phải có sự đổi mới, quan tâm sâu sắc hơn nữa của các bộ, ngành liên quan, cấp chính quyền địa phương, người dân tham gia, nâng cao ý thức trong tiết kiệm nước, sử dụng nước hợp lý và bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nông thôn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới