Đến năm 2033, Séc cam kết loại bỏ than đá, chuyển dần sang năng lượng ‘xanh’
Trong chương trình hành động, Chính phủ Séc xác định sẽ tạo điều kiện chuyển đổi năng lượng để có thể loại bỏ hình thức sản xuất năng lượng bằng than đá vào năm 2033.
Mới đây, Chính phủ Séc cam kết loại bỏ dần việc sử dụng than đá trong sản xuất năng lượng vào năm 2033. Séc từ lâu đã phụ thuộc vào than đá khi đây là nguồn nguyên liệu tạo ra gần 50% sản lượng năng lượng của quốc gia này.
Tuy nhiên, loại nhiên liệu hóa thạch này lại tạo ra nhiều carbon nhất. Do đó trong chương trình hành động, Chính phủ mới xác định sẽ tạo điều kiện chuyển đổi năng lượng để có thể loại bỏ hình thức sản xuất năng lượng bằng than đá vào năm 2033. So với chương trình của Chính phủ tiền nhiệm, nội các của Thủ tướng Petr Fiala đã rút ngắn lộ trình sớm hơn 5 năm.
Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường vẫn cho rằng, cam kết của Chính phủ Séc vẫn quá chậm so với khu vực. Các quốc gia châu Âu khác bao gồm Tây Ban Nha và Phần Lan đã cam kết chấm dứt sử dụng than trong sản xuất năng lượng vào năm 2030, thậm chí Anh có kế hoạch loại bỏ dần vào năm 2025.
Việc sử dụng than đá là một trong những vấn đề gây chia rẽ giữa các nước phát triển và đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Than đã trở thành một vấn đề nóng đối với Cộng hòa Séc trong những năm gần đây khi vướng vào cuộc tranh cãi với Ba Lan về việc khai thác than tại mỏ Turow, sát biên giới với Séc. Khai thác than đá đã gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường và nguồn nước trong khu vực. Chính phủ Séc cũng đã gửi đơn kiện lên tòa án Công lý châu Âu.
Thực tế đang cho thấy rằng, những nước châu Âu phụ thuộc vào than đá để phục hồi và phát triển kinh tế phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dẫn tới nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng cao. Các chuyên gia môi trường đã lên tiếng chỉ trích những nước sản xuất than đá lớn như Ba Lan, Đức vẫn tiếp tục khai thác và đốt than trong các nhà máy nhiệt điện.
Ô nhiễm không khí từ việc đốt cháy than đá gây tổn hại trực tiếp tới sức khỏe con người và đó cũng là lý do mà có một số nhà khoa học đã ví than đá là kẻ thù của loài người. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã yêu cầu chấm dứt trợ cấp tài chính cho ngành khai thác than đá. Dưới sức ép của dư luận, các ngân hàng, các nhà quản lý vốn, các hãng bảo hiểm và hãng công nghiệp đang từ bỏ dần lĩnh vực này.
Tại COP26, thế giới chứng kiến nhiều cam kết mạnh mẽ. Một loạt quốc gia đưa ra những cam kết mới về lộ trình loại bỏ than.
Tổng cộng 47 nước đã ủng hộ “Tuyên bố toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch” tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) do Vương quốc Anh - nước Chủ tịch COP26 - khởi xướng nhằm thúc đẩy động lực quốc tế cho quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Ngày 4/11, các nước cam kết mới trong việc loại bỏ than cũng đã gia nhập Liên minh coi than là quá khứ (PPCA). Đây là liên minh do Vương quốc Anh và Canada phát động và thành viên của liên minh này gồm các Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc gia và địa phương đang nỗ lực chuyển dịch khỏi điện than và là liên minh lớn nhất thế giới về loại bỏ than. Thành viên của liên minh này hiện gồm 165 nước, thành phố, khu vực và doanh nghiệp. Singapore là quốc gia đầu tiên ở châu Á tham gia PPCA.
Lan Anh (T/h)