Đến năm 2030, Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái
Giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 - 2040 phát triển Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia
Cần Giờ là một huyện thuộc địa bàn TP.HCM – một trong những thành phố có nền kinh tế phát triển bậc nhất cả nước. Mới đây, TP.HCM đã chính thức ban hành nghị quyết riêng nhằm xác định phát triển Cần Giờ trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái biển chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Quyết tâm của lãnh đạo thành phố kỳ vọng tạo ra cú hích về đời sống, kinh tế, xã hội cho Cần Giờ nói riêng và thành phố nói chung.
Theo đó, Nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030 xác định đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Mục tiêu đặt ra, tổng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021 - 2030 của huyện tăng 20,7%/năm. Đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 74,7% tổng giá trị sản xuất; thu nhập bình quân đầu người đạt 182 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ đường đô thị được chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn sử dụng năng lượng sạch đạt 100%.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thành ủy TP.HCM xác định quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Trong đó triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2030 - 2040 để Cần Giờ trở thành một hình mẫu về sự hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên với nâng cao sinh kế và chất lượng sống cộng đồng dân cư, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững.
Phát triển kinh tế Cần Giờ trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương ven biển; trong đó chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản chất lượng cao. Có chính sách thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế.
Nghị quyết cũng nêu rõ phát triển du lịch Cần Giờ theo định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc trưng của thành phố biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột chính là du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng. Kết nối với các tuyến du lịch quốc tế thông qua cảng hành khách quốc tế trên luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Hỗ trợ triển khai thực hiện “Dự án đầu tư mở rộng Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ” theo quy hoạch được phê duyệt. Phấn đấu tổng lượng khách du lịch đến Cần Giờ giai đoạn 2021 - 2030 đạt 49 triệu lượt, tốc độ tăng bình quân 12,5%/năm.
Vùng đất giàu tiềm năng
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM có bốn bề là sông và biển, giống như hòn đảo biệt lập. Đây là vùng ngập mặn chiếm tới 56,7% diện tích toàn huyện, tạo nên hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo, phong phú về động thực vật, được UNESCO công nhận là “khu dự trữ sinh quyển” thế giới đầu tiên tại Việt Nam.
Trải qua hơn 40 năm phục hồi, hơn 20 năm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn của thế giới, rừng ngập mặn Cần Giờ luôn là “lá phổi xanh” của TP.HCM. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ đã và đang trở thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của chính quyền và người dân thành phố mang tên Bác.
Với hệ động thực vật đa dạng, rừng ngập mặn Cần Giờ là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời được kỳ vọng trở thành khu du lịch trọng điểm của cả nước. Quan trọng hơn cả, khu dự trữ sinh quyển này đóng vai trò như “lá phổi xanh” giúp điều hòa khí hậu và lọc không khí cho TP.HCM và các tỉnh lân cận. Cùng với “lá phổi xanh”, rừng ngập mặn Cần Giờ còn được ví là “quả thận” giúp lọc sạch nguồn nước từ sông Ðồng Nai và sông Sài Gòn trước khi đổ ra biển Ðông.
Nơi đây còn được xem là lá chắn trước tác động của bão lũ hay sự bào mòn từ dòng chảy của thủy triều, sóng biển. Hệ rễ cây chằng chịt của rừng có khả năng làm giảm năng lượng tác động của sóng biển, nhờ đó hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở. Nhờ khả năng giữ, cố định vật chất lơ lửng và phù sa, rừng ngập mặn có thể giúp bồi đắp “vùng đất mới”, đồng thời giảm tác động của tình trạng nước biển dâng cao, xâm nhập mặn.
Từ khi được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, lượng du khách đến Cần Giờ đã tăng rất mạnh, từ khoảng 500.000 lượt khách năm 2010 tăng lên xấp xỉ 2 triệu khách vào năm 2019. Trong các năm 2020 và 2021, hoạt động du lịch tại TP.HCM bị ngưng trệ vì Covid-19, trong đó có Cần Giờ.
Tour du lịch thí điểm khép kín đi Cần Giờ đầu tiên là “Tour tri ân lực lượng chống dịch tuyến đầu”, do Sở Du lịch TP.HCM, huyện Cần Giờ và SaigonTourist phối hợp tổ chức, ngày 19/9/2021.
Kể từ ngày 19/9/2021, 4 điểm du lịch Cần Giờ bắt đầu mở thí điểm tour du lịch khép kín gồm: Chiến khu rừng Sác, Khu du lịch Dần Xây, Khu du lịch Vàm Sát và Khu du lịch Hòn Ngọc Phương Nam. Hiện nay đã khôi phục hoàn toàn. Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng, du lịch là ngành kinh tế chiếm tới 45% trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Liên quan đến vấn đề này, Nghị quyết của Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, cảng hành khách quốc tế, cảng container trung chuyển quốc tế gắn với các dịch vụ hỗ trợ tại các vị trí tiếp giáp sông Lòng Tàu, luồng Sài Gòn-Vũng Tàu, luồng Cái Mép - Thị Vải nhằm hình thành hạ tầng logistics kết nối liên thông các địa phương trong nước và quốc tế; mở rộng, nâng cao công suất các tuyến phà hiện hữu như phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần Giờ-Cần Giuộc để phát triển du lịch và vận tải biển.
Quy hoạch cũng yêu cầu tập trung khai thác đồng bộ các tuyến phà kết nối xã Long Hòa, xã Lý Nhơn với thị trấn Vàm Láng và xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang; nghiên cứu phát triển đường trên cao dọc tuyến đường Rừng Sác vào Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, bảo đảm phát triển giao thông với bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan, môi trường khu vực.
Thành phố cũng sẽ hỗ trợ Cần Giờ nâng cấp các tuyến đường nhánh nỗi trung tâm các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn với đường Rừng Sác; đường vành đai kết nối 4 xã phía bắc; nút giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành… giúp Cần Giờ phát huy lợi thế, tiềm năng biển và trở thành một trong những không gian mới, động lực mới thúc đẩy phát triển cho TP.HCM .
Theo các chuyên gia, Cần Giờ là cơ hội tạo bước ngoặt, thay đổi phương thức và mô hình phát triển của thành phố từ tăng trưởng dựa trên đất đai sang dựa vào biển. “Để tiến ra biển, một trong những nét chính là cần tiếp cận gần hơn nữa với hành lang hàng hải quốc tế, thay vì chỉ là một thành phố lùi sâu phía sau huyện Cần Giờ. Việc tạo dựng mối liên kết này không phải bằng đường bộ mà thông qua mô hình liên kết chùm đô thị biển sẽ tạo ra bước ngoặt lớn để hoàn thiện mô hình phát triển vùng đô thị. Điều này không chỉ vì lợi ích cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn mở ra cơ hội thông thương đường thủy mới cho vùng ĐBSCL”, kiến trúc sư Nguyễn Xuân Anh - Chuyên gia quy hoạch nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cũng khẳng định với lợi thế là cửa ngõ cảng biển từ khi mới hình thành, nhiệm vụ chính của thành phố hiện nay là nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng hiện hữu, phát triển mạnh hơn những công ty, tập đoàn vận tải biển, hoàn thiện mô hình đô thị biển đẳng cấp… Trong đó, lấn biển Cần Giờ với mức độ phù hợp với bảo vệ rừng ngập mặn, phù hợp môi trường sinh thái là ý tưởng mà TP.HCM đã đề ra từ lâu.
Lan Anh