Đề xuất thêm gói hỗ trợ 24.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch
Bộ Tài chính cho biết, gói hỗ trợ mới về thuế, phí cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 đang được Bộ nghiên cứu, đề xuất. Ước tính khoảng 24.000 tỉ đồng.
Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiện Bộ đang được Chính phủ giao nghiên cứu một gói hỗ trợ mới về thuế và phí, ước khoảng 24.000 tỉ đồng và sẽ sớm được báo cáo tới Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để quyết định. Ngoài ra, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ việc hoãn thực hiện Thông tư 40 về thuế để tạo thêm thuận lợi cho người nộp thuế.
Theo Bộ trưởng, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế xã hội đạt kết quả tích cực với GDP tăng trưởng 5,64%, thu ngân sách nhà nước đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch, lĩnh vực tài chính ngân sách gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt trong lãnh đạo công tác chống dịch và phát triển kinh tế xã hội, với nhiều giải pháp linh hoạt.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành quy định về việc giảm, hoãn thuế với giá trị đạt 147.300 tỉ đồng, miễn giảm 30 loại phí, lệ phí, ban hành 17 nghị định, 50 thông tư. Trong đó có Nghị định 52/2021/NĐ-CP giảm, hoãn thuế với trị giá đến 27,5 nghìn tỉ đồng và nhiều nghị định quan trọng khác mở đường cho việc thúc đẩy phát triển nguồn lực.
Bộ Tài chính cũng phối hợp với Bộ LĐTB&XH đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 với gói hỗ trợ 26 nghìn tỉ đồng. Theo đó, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định an sinh xã hội cũng như giúp người lao động và người sử dụng lao động có “luồng sinh khí mới” thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch và vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã thành lập Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 với số tiền huy động được đến nay là 8.300 tỉ đồng; chủ động chi cho mua vaccine là 8.187 tỉ đồng để Bộ Y tế mua 91 triệu liều vaccine và cũng đang trình thêm khoản chi 12.280 tỉ đồng.
Cùng với chính sách hỗ trợ, để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thực hiện chủ trương giảm 10% chi thường xuyên và giảm 50% các chi hội họp công tác phí, hội nghị…. “Đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, kể cả các dự án ODA, cắt giảm các dự án không hiệu quả, quản lý tốt thị trường chứng khoán bảo hiểm, tiền tệ. Phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình điều hành”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành và tổ chức thực hiện 2 thông tư (Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 và Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021) để tiếp tục giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính số tiền phí, lệ phí được giảm khoảng 2 nghìn tỉ đồng.
Đặc biệt, nhiều khoản phí và lệ phí được giảm mạnh như: Giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% phí thẩm định thiết kế cơ sở...
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Lê Đình Quý nhận định, việc điều chỉnh miễn, giảm phí, lệ phí trong nhiều lĩnh vực của Bộ Tài chính thời gian qua đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Đây là hành động kịp thời của Bộ Tài chính, thể hiện tinh thần sẵn sàng đồng hành, kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế.
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự trách nhiệm của các cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại, từ đó đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và cho tăng trưởng kinh tế.
Thùy Linh (T/h)