Hơn 26.000 tỉ đồng tiền thuế đã miễn giảm trong 6 tháng đầu năm
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 30/6/2021, tổng số tiền thuế và thu ngân sách thực tế đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành ước thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2021 khoảng 26.700 tỉ đồng
Trong đó, số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 24.600 tỉ đồng; số tiền miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí khoảng 2.100 tỉ đồng.
Trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, việc gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí là nguồn động viên, hỗ trợ lớn, giúp doanh nghiệp thêm nguồn vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Trước đó, vào cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021, theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020, để hỗ trợ ngành hàng không. Ước tính số tiền thuế được giảm để hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 900 tỉ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành và tổ chức thực hiện 2 thông tư (Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 và Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021) để tiếp tục giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Ước tính số tiền phí, lệ phí được giảm khoảng 2 nghìn tỉ đồng.
Với Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm gia hạn các thông tư trước đó trong việc giảm 29 khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời bổ sung giảm thêm mức thu 1 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, nhiều khoản phí và lệ phí được giảm mạnh như: Giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 50% phí thẩm định thiết kế cơ sở; giảm 50% phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa;...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành và khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng trong năm 2020, 2021. Ước tính số tiền thuế doanh nghiệp được giảm khoảng 170 tỉ đồng/năm.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp đã ban hành thời gian qua, bám sát diễn biễn thực tế và điều kiện của ngân sách để nghiên cứu, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phí cho phù hợp. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định: “Trong bối cảnh thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chi cho an sinh xã hội và cấp bách phát sinh, việc giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí là cố gắng rất lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính”.
Theo đó, mức thuế suất hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư, quay trở lại có đóng góp cho nền kinh tế và cho ngân sách.
Ngoài ra, việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua cũng như thời gian tới đã có tác động khá tích cực đến hoạt động của nghiệp. “Đặc biệt, việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động… đã hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ.
Thùy Linh (T/h)