Thứ sáu, 22/11/2024 01:47 (GMT+7)
Thứ ba, 09/06/2020 16:04 (GMT+7)

Đề xuất mở rộng và đổi tên vùng Đồng bằng sông Hồng

Theo dõi KTMT trên

Một trong những phương án phân vùng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất là mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Đề xuất mở rộng và đổi tên vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 1
Đồng bằng sông Hồng được đề xuất sẽ mở rộng thêm các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình. (Ảnh minh họa)

Tại hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai Luật quy hoạch do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 4/6 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương trình bày 2 phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030,

Theo đó, phương án một là giữ nguyên 2 vùng (vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long); tách vùng Trung du và Miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc;

Đồng thời tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa vào vùng Nam Trung Bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam Bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).

Phương án 2 là tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành 2 vùng, đó là vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên-Huế ở vùng Bắc Trung Bộ), mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Với phương án này, vùng miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh; vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh là Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang; vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế; vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận. Các vùng Tây Nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố)vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Theo ý kiến các bộ, ngành, phương án 2 được đánh giá là có tính kế thừa phương án phân vùng trước đây, tính ổn định cao và ít gây xáo trộn về vùng. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển mới cho vùng đồng bằng sông Hồng, hình thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển nhanh hơn. Khắc phục được hạn chế vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có khoảng cách quá dài.

Đề xuất mở rộng và đổi tên vùng Đồng bằng sông Hồng - Ảnh 2
Phương án phân vùng 2. (Ảnh: Báo điện tử Chính phủ)

Việc mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang để hình thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ dựa trên cơ sở các tỉnh có điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi để tăng tốc phát triển, có có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với Hà Nội và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Cụ thể, Hòa Bình-Hà Nội gắn kết về thị trường dịch vụ du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, tiêu thụ nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng. Phú Thọ, Thái Nguyên-Hà Nội và các tỉnh gắn kết qua phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu như gang thép Thái Nguyên, Samsung, giấy Bãi Bằng... Bắc Giang gắn kết với các địa phương qua phát triển các khu công nghiệp xuất khẩu...

Với phương án này, các tỉnh miền núi phía Bắc sẽ có điều kiện tương đồng về nhiều mặt, do đó rất thuận lợi cho việc triển khai các chính sách ưu tiên đầu tư phát triển.

"Mở rộng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu tất yếu để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tăng sự gắn kết về lợi ích của các địa phương trong khai thác nguồn lợi sông Hồng, sông Đà, sông Thương, sông Cầu", Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm.

Hiện tại, vùng Đồng bằng sông Hồng có số dân đông nhất (21.566.000 dân, bằng 22,78% so với cả nước), tuy nhiên diện tích nhỏ nhất (21.258 km2, bằng 6,42% so với cả nước).

Sau khi mở rộng, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ có đặc điểm: Tổng số gồm 15 tỉnh, tuy nhiên có nhiều tỉnh diện tích nhỏ nhất cả nước như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình.

Liên quan đến các phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, ý nghĩa quan trọng của việc phân vùng là để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong vùng, toàn vùng để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng thông qua phân công, hợp tác và hệ thống hạ tầng. Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện Báo cáo trình Chính phủ quyết định về phương án phân vùng ngay trong tháng 6/2020.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất mở rộng và đổi tên vùng Đồng bằng sông Hồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.