Đề xuất miễn giấy phép khai thác khoáng sản: Vẫn còn nhiều băn khoăn
Nêu ý kiến về đề xuất miễn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu phục vụ dự án, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP.HCM) bày tỏ cực kỳ lo lắng. Bởi, danh mục là những dự án có vốn đầu tư rất lớn.
Liên quan đến đề xuất miễn giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu phục vụ dự án đã nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu.
Khai thác vật liệu xây dựng, nhiều xóm làng đã mất đi
Theo đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) cho rằng, Điều 7 của dự thảo về cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường để phục vụ thi công dự án, cần phải rà soát, đặc biệt là liên quan đến các việc thăm dò, khai thác.
“Đối với một dự án có cả giấy phép thăm dò và giấy phép khai thác khoáng sản. Chúng tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "thăm dò" và bổ sung thêm nội dung liên quan đến điểm a khoản 2 Điều 64 của Luật Khoáng sản, chúng tôi thấy trong này cần rà soát để thống nhất với Luật Khoáng sản”, ông nói.
“Vấn đề miễn giấy phép khai thác khoáng sản, tôi cực kỳ lo lắng. Bởi vì tôi nhìn vào danh mục là những dự án có vốn đầu tư rất lớn”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP.HCM) nêu quan điểm về đề xuất này.
Ông Nghĩa cho rằng, các loại vật liệu xây dựng như cát, đá hiện nay là vấn đề nóng bỏng. Do việc khai thác cát nên rất nhiều làng mạc bị sạt lở, các xóm làng bị mất đi, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân.
Theo ông Nghĩa, nếu miễn giấy phép khai thác như đề xuất thì Quốc hội phải có trách nhiệm bảo đảm đời sống và quyền lợi của những người dân tại vùng khai thác khoáng sản.
“Nếu như xảy ra thiệt hại phải có người đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật trong vấn đề này. Chúng ta có nên giao cho họ tự chịu trách nhiệm về đánh giá tác động môi trường hay không. Chúng tôi hết sức lo lắng, băn khoăn về vấn đề này”, ông Trương Trọng Nghĩa băn khoăn.
Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội sáng 7/11, tranh luận với Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh về việc khai thác cát làm sạt lở bờ sông, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho rằng, cần hạn chế tối đa khai thác cát, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo đó cần đánh giá tác động môi trường, có như vậy mới làm giảm tình trạng sạt lở bờ sôngĐại biểu lo ngại “việc khai thác cát được cấp phép, cho phép mặt âm lòng đất xuống 10m hoặc 20m nhưng đơn vị khai thác tới 30m- 40m”.
Như thế làm sao không xảy ra tình trạng sạt lở? Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xác minh khó khăn. Cát ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất hiếm, lượng cát về rất ít; trong khi đó xây dựng đường cao tốc từ nay tới năm 2030 sử dụng tới 54 triệu mét khối, như vậy là quá lớn, chưa kể cát cho dân dụng. Do đó, cần có giải pháp quản lý và hạn chế mức thấp nhất việc khai thác cát để giảm tình trạng sạt lở bờ sông.
Tình trạng khai thác trái phép cũng là vấn đề đang rất nóng
Cũng do nhu cầu về sử dụng các loại khoáng sản như đất san lấp, cát sỏi, đá của người dân và doanh nghiệp tăng cao, nên thời gian vừa qua một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng cố tình vi phạm để tận thu khoáng sản, khai thác vượt quá ranh giới hoặc lén lút khai thác chui để trục lợi.
Mới đây nhất, ngày 6/11, tỉnh Nam Định đã ban hành các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 cá nhân gồm: ông Phạm Xuân Trường (sinh năm 1969, trú tại xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường) đã giao, thuê những người không có chứng chỉ chuyên môn là các ông: Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1992), Phạm Văn Quyến (sinh năm 1969) và Trần Văn Bằng (sinh năm 1973) liên quan việc khai thác, mua bán cát dưới lòng sông trái quy định. Tổng số tiền phạt lên tới gần 1 tỷ đồng.
Tháng 8 vừa qua, tại An Giang, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra (KLTT) việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường tại một số tỉnh khu vực phía nam, trong đó có Đồng Tháp - một trong những tỉnh có trữ lượng cát lớn nhất ĐBSCL.
KLTT nêu ra nhiều sai phạm ở Đồng Tháp trong việc cấp phép, dẫn đến đơn vị khai thác cát trên địa bàn cung cấp cát ra thị trường chưa đúng quy định của Chính phủ. Cụ thể, theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2009 - 2020, tỉnh này có tổng diện tích quy hoạch khai thác cát sông gần 724 ha, trữ lượng hơn 173 triệu m3, trong đó cát san lấp có diện tích hơn 542 ha, trữ lượng hơn 104 triệu m3.
Theo kết quả thanh tra, ở dự án (DA) xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn đầu cầu thuộc DA xây dựng đường bộ cao tốc tuyến Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 (đi qua Tiền Giang, Vĩnh Long) với chiều dài khoảng 6,61 km do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, DA cần hơn 495.600 m3 cát, do Công ty CP xây lắp và VLXD Đồng Tháp khai thác tại Ðồng Tháp cung cấp. Tuy nhiên, tỉnh Đồng Tháp đã không cấp phép khai thác cát cho DA này. Nguồn cát phục vụ cho công trình do đơn vị thi công mua qua trung gian cung cấp và vận chuyển cho DA.
Bên cạnh đó, sau khi luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực ngày 1/7/2011, tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn 12 giấy phép khai thác cát với diện tích hơn 753 ha, tổng trữ lượng hơn 25 triệu m3 không đúng quy định. Cùng với đó là cấp mới 7 giấy phép khai thác cát thuộc khu vực khoanh định không đấu giá. Bước đầu, Thanh tra Chính phủ xác định nguyên nhân chủ yếu của các vi phạm này do UBND tỉnh và Sở TN-MT Đồng Tháp áp dụng quy định pháp luật chưa chính xác. Các vi phạm cần được xem xét, làm rõ để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định. Ở đó, trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, Giám đốc Sở TN-MT và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tương tự như Đồng Tháp, trước đó, ngày 6/7/2023, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành KLTT về việc chấp hành pháp luật trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cấp giấy phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, KLTT chỉ ra hàng loạt vi phạm của tỉnh An Giang trong cấp giấy phép khai thác cát.
Cụ thể, từ năm 2011 - 2020, UBND tỉnh An Giang cấp 4 giấy phép thăm dò khai thác cát sông tại khu vực không đấu giá, nhưng không thực hiện thủ tục lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản. Ngoài ra, An Giang cũng gia hạn sai quy định đối với 15 giấy phép khai thác cát cấp trước ngày 1.7.2011 (ngày luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực - PV), cấp 7 giấy phép khai thác thuộc khu vực khoanh định không đấu giá sai quy định. Đồng thời, không thu tiền cấp quyền khai thác cát với 2 trường hợp gia hạn khai thác cát…
Không những thế, nhiều cá nhân còn vướng vào vòng lao lý khi “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. Ngày 22/8, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại mỏ cát số 41, thuộc địa phận thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Lê Thị Thoan (SN 1962, trú tại thị trấn Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), Trịnh Xuân Thành (là con rể bị cáo Thoan, SN 1982, trú tại TP Thanh Hóa ) và Nguyễn Trọng Giang (SN 1982, trú tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản, nhất là trong các lĩnh vực như cát sỏi, đất đắp nền, khai thác đá gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách Nhà nước, ô nhiễm môi trường, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn lao động. Đây cũng là lý do khiến nhiều đại biểu Quốc hội "cực kỳ lo lắng" về việc miễn giấy phép khai thác khoáng sản.
Anh Thư