Thứ tư, 02/04/2025 17:14 (GMT+7)
Thứ ba, 01/04/2025 06:45 (GMT+7)

Đề xuất hai loại hàng hóa trên thị trường giao dịch carbon Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Theo đề xuất, thị trường giao dịch carbon trong nước sẽ có hai loại hàng hóa chính: hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ cho các cơ sở và tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch.

Bộ Tài chính hiện đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị định quy định sàn giao dịch carbon trong nước, trong đó hướng dẫn chi tiết về giao dịch, lưu ký, thanh toán hạn ngạch phát thải khí nhà kính cùng tín chỉ carbon trên sàn.

Theo dự thảo, nguyên tắc giao dịch trên sàn carbon phải đảm bảo tính công bằng, công khai và minh bạch, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia. Các tổ chức, cá nhân giao dịch trên thị trường cần tự tìm hiểu kỹ về các quy định pháp luật, thông tin liên quan đến hàng hóa và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua bán của mình.

Đề xuất hai loại hàng hóa trên thị trường giao dịch carbon Việt Nam - Ảnh 1
Ảnh minh hoạ.

Theo dự thảo, hàng hóa giao dịch carbon sẽ bao gồm:

Hạn ngạch phát thải khí nhà kính: Đây là hạn ngạch được phân bổ cho các cơ sở thuộc “Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính” do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Hạn ngạch này được phân phối thông qua hình thức miễn phí và đấu giá tùy theo quy định.

Tín chỉ carbon: Đây là tín chỉ được xác nhận và thu được từ các chương trình, dự án thực hiện theo cơ chế trao đổi, bù trừ cả trong nước và quốc tế. Các chương trình này có thể bao gồm Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và các dự án theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Trước khi được đưa vào sàn giao dịch carbon, các hàng hóa nêu trên phải được Bộ Nông nghiệp và Môi trường xác nhận và ghi nhận trên hệ thống đăng ký quốc gia. Sau đó, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ đưa vào hệ thống giao dịch. Trong trường hợp hàng hóa đã đáo hạn hoặc theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Giao dịch có quyền đưa đưa các hàng hóa quy định trên ra khỏi hệ thống.

Chủ thể được giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ là các cơ sở được phân bổ hạn ngạch có tên trong “Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Mỗi chủ thể tham gia giao dịch bắt buộc phải mở tài khoản giao dịch tại một thành viên giao dịch để mua bán hạn ngạch cũng như tín chỉ carbon.

Các thành viên giao dịch phải thông báo kết quả thực hiện giao dịch cho khách hàng ngay khi giao dịch được hoàn tất theo đúng hình thức đã thỏa thuận. Ngoài ra, họ còn phải cung cấp sao kê tài khoản tiền, hạn ngạch và tín chỉ carbon hàng tháng hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Sau khi giao dịch được xác lập và hoàn tất, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ chuyển thông tin kết quả giao dịch cho Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam để thực hiện thủ tục thanh toán. Việc thanh toán được tiến hành theo phương thức thanh toán tức thời từng giao dịch, không áp dụng mô hình bù trừ tập trung.

Về phương thức giao dịch, dự thảo quy định rằng các giao dịch trên sàn carbon sẽ được thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Cụ thể, hai hình thức được đề xuất là:

Thỏa thuận điện tử: Chủ thể nhập lệnh chào mua, chào bán vào hệ thống với cam kết rõ ràng và lựa chọn các lệnh đối ứng phù hợp đã được nhập vào hệ thống.

Thỏa thuận thông thường: Bên mua và bên bán tự thỏa thuận các điều kiện giao dịch từ trước và sau đó báo cáo kết quả giao dịch lên hệ thống để xác lập giao dịch.

Theo dự thảo, việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon sẽ được thực hiện trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội theo quy chế đã được ban hành. Mỗi giao dịch thanh toán sẽ được xử lý qua hệ thống thanh toán giao dịch carbon với thời gian thanh toán trong cùng ngày giao dịch.

Về mặt thanh toán, thành viên lưu ký của các giao dịch cần mở tài khoản tiền gửi đứng tên tại ngân hàng thanh toán do các ngân hàng thương mại đã được Bộ Tài chính lựa chọn thực hiện. Ngân hàng thanh toán có nhiệm vụ quản lý thông tin số dư tiền gửi liên quan đến giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon của chủ thể tham gia. Trên cơ sở kết quả giao dịch do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cung cấp, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam sẽ kiểm tra tính hợp lệ, phong tỏa số lượng hạn ngạch hoặc tín chỉ được bán và thông báo kết quả cho thành viên lưu ký nhằm tiến hành hoàn tất nghĩa vụ thanh toán.

Dự thảo cũng quy định rõ phương thức làm việc của ngân hàng thanh toán, vận dụng các quy định hiện hành của Luật Chứng khoán và Nghị định 155/2020/NĐ-CP, nhằm quy định điều kiện, trình tự, thủ tục và hồ sơ đăng ký cho các ngân hàng thương mại làm bộ phận thanh toán. Bộ Tài chính sẽ quyết định số lượng tối đa các ngân hàng thanh toán theo từng thời kỳ, phù hợp với quy mô và nhu cầu của thị trường, nhằm tránh việc đầu tư lãng phí cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các ngân hàng trong bối cảnh thị trường chưa phát triển lớn.

Qua đó, các giao dịch trên hệ thống giao dịch carbon sẽ được thanh toán ngay tức thời theo từng giao dịch, với quy trình được Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam xác lập nghĩa vụ và gửi thông tin nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng thanh toán để thực hiện việc chuyển khoản thanh toán theo quy định.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất hai loại hàng hóa trên thị trường giao dịch carbon Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Vingroup tổ chức "Ngày hội Xanh 2025" tại Ocean City
Vingroup sẽ tổ chức Ngày hội Xanh thường niên 2025 tại Ocean City vào ngày 13/4/2025 với chủ đề “Kỷ nguyên Xanh - Kỷ nguyên vươn mình”, nhằm hưởng ứng Ngày Trái Đất và hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...